Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường làng ở thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường Tiểu học Long Thạnh

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km nhưng so với các quận huyện khác, Cần Giờ còn nghèo lắm. Có lẽ ít ai ngờ rằng ở cái thành phố phồn hoa, tráng lệ này lại có một nơi “khỉ ho, cò gáy” như vậy…
1.Bỏ lại sau lưng những tiếng ồn, khói bụi và cả sự náo nhiệt của thành phố, một mình một xe tôi đến với Cần Giờ. Qua phà Bình Khánh, tôi rẽ vào đường Trần Quang Đạo để tới Trường Tiểu học Bình Mỹ. Trường chỉ có 230 học sinh với 9 lớp nhưng có tới hai cơ sở. Cơ sở 1 và cơ sở 2 cách nhau 5-6 mét, đó là chiều rộng của con đường Trần Quang Đạo. Cả hai cơ sở đều bé tẹo và lọt thỏm so với mặt đường, bởi vậy chỉ cần trời đổ mưa là sân trường biến thành ao. Và mùa nước nổi, tôm cá có thể tung tăng bơi lội trong sân trường…
Không chỉ có vậy, tuy là hai cơ sở nhưng chỉ có một nhà vệ sinh. Học sinh bên cơ sở 2 muốn đi vệ sinh phải băng qua đường sang cơ sở 1 “giải quyết”.
So với học sinh của Q.1, Q.3, Tân Bình hay Gò Vấp…, học sinh ở Cần Giờ thua thiệt rất nhiều. Cũng những bộ đồng phục quần xanh, áo trắng nhưng quần dường như bớt xanh, áo cũng bớt trắng. Những cuốn tập không còn thơm mùi giấy mà pha lẫn trong đó là mùi của bùn đất, của đồng ruộng. Những khuôn mặt học sinh dẫu vẫn ngây thơ nhưng có chút lem nhem. Tất cả cũng chỉ tại sự thiếu quan tâm của cha mẹ. Mà cái sự thiếu quan tâm này lại bắt đầu từ cái nghèo…
Tại lớp 2B. Nhìn vào bức tranh chị và em trong cuốn sách, cô giáo nói: “Nhà có hai chị em, hôm nay là ngày đầu tiên chị đi học, em sẽ nói gì với chị để thể hiện tình cảm của mình. Các con hãy viết và đọc lời chúc của người em cho cả lớp nghe”. 10 phút im lặng trôi qua, những cánh tay rụt rè giơ lên. Có em viết: “Chúc chị học giỏi, được nhiều điểm 10”, em khác lại viết: “Chúc chị học giỏi và nhận được nhiều quà”… Ở cuối lớp, một cô bé gầy gò và đen đúa, cắt tóc tém như một cậu con trai giơ tay cao. Cô giáo mời em đứng dậy, em dõng dạc đọc: “Em chúc chị cuối năm nhận được cái bằng khen to bự khừ lừ”.
Còn ở lớp 2A, có một học sinh tên Phi Long, khi cô giáo yêu cầu tả về bố, mẹ, em đã viết: “Bố em là một người hung dữ, bố thường xuyên đánh em. Còn mẹ thì không thương em…”. Khi cô giáo nhắc: “Em không nên tả bố, mẹ như vậy”. Phi Long cự lại: “Họ đúng là người như vậy, họ không thương em và đã bỏ rơi em”. Nghe học trò nói vậy, cô giáo Trần Thị Ngân không trách em mà trong lòng dâng trào một cảm xúc rất buồn. “16 tháng tuổi, Phi Long đã bị mẹ bỏ rơi. Lớn lên một chút thì ba cũng bỏ đi luôn. Hiện em sống với bà nội. Phi Long khá thông minh nhưng hơi quậy”, cô Ngân cho biết.
Có những học sinh như cô bé tóc tém ở lớp 2B, Phi Long ở lớp 2A nên giáo viên ở Trường Tiểu học Bình Mỹ đã cực lại càng nhọc hơn.
Cô Nguyễn Thị Lượng – Hiệu phó nhà trường tâm sự: “Phụ huynh ở đây chủ yếu là nông dân nên họ phó mặc chuyện học hành của con cho nhà trường. Nhiều phụ huynh coi chuyện dạy học sinh là trách nhiệm của nhà trường mà không chịu đóng tiền học. Buổi thứ nhất được miễn phí, không đóng là đương nhiên nhưng buổi thứ 2 họ cũng đòi miễn phí luôn. Mỗi lớp có 30-35 học sinh, nhưng chỉ có 10-12 em đóng tiền buổi học thứ 2. Bởi vậy, giáo viên gần như là dạy không công. Nhưng không sao, điều quan trọng là học sinh chịu đến trường để nghe thầy, cô giảng bài…”.
2. Tôi tìm đến Trường Tiểu học Long Thạnh đúng lúc học sinh bắt đầu ra về. Trên con đường Nguyễn Văn Mạnh, tôi gặp hai cậu học trò (có lẽ là học sinh lớp 3) đang chở nhau trên một chiếc xe đạp cà tàng đi ngược chiều. Tôi hỏi: “Con cho cô hỏi Trường Tiểu học Long Thạnh đi hướng nào vậy?”. Cậu bé ngồi sau trả lời trống không: “Trển (trên đó)”…
Tôi hơi ngạc nhiên vì cách trả lời cụt lủn của cậu học trò này. Nhưng thôi, cha mẹ các em ngày ngày đi nhặt từng con nghêu, mò từng con ốc để kiếm tiền đong gạo sống qua bữa thì làm gì có thời gian mà dạy con biết lễ phép với người lớn…
Tại Trường Tiểu học Long Thạnh, mặc dù học sinh đã về gần hết nhưng vẫn còn khá nhiều giáo viên ở lại. Một giáo viên cho biết: “Học sinh chưa về hết thì làm sao giáo viên về được”. Nói rồi, cô kêu bảo vệ và mấy anh xe ôm chở gần 10 học sinh bị lỡ chuyến xe buýt ra đường lớn để bắt xe về nhà.
Theo thầy Nguyễn Thanh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường thì: “Hầu hết học sinh đều ở cách trường vài km, có em nhà cách trường tới 15 km. Vì vậy phần lớn học sinh tới trường bằng xe buýt, chỉ có một số em nhà gần thì đi xe đạp hoặc đi bộ. Số học sinh được ba, mẹ đưa rước như ở thành phố chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Và số phụ huynh quan tâm đến chuyện học hành của con cái cũng như vậy. Vì thế, đối với buổi học thứ 2, cũng như các đồng nghiệp ở Trường Tiểu học Bình Mỹ, giáo viên ở đây toàn phải dạy chùa. “Buổi thứ 2, học sinh ít đóng tiền lắm. Vì vậy thu nhập của giáo viên tháng có tháng không”, cô Đặng Thị Kim Thư – chủ nhiệm lớp 1/3 tâm sự.
Nói về những ngày lễ tết, nếu so sánh với các đồng nghiệp ở trên thành phố, ắt hẳn giáo viên ở đây sẽ tủi lắm. “Ngày 20-11, phụ huynh tặng cho một bông hoa, một cục xà bông là quí lắm rồi. Còn Tết, trường cho được một gói quà trị giá 50 ngàn đồng. Lúc đầu thì cũng buồn, cũng tủi nhưng nay quen rồi. Mình đi dạy là vì yêu nghề, mến trẻ, còn lương chỉ đủ ăn cơm với rau. Cũng may có ông xã biết làm ăn nên gia đình đỡ khó khăn”, cô Kim Thư nói.
Không chỉ cô Kim Thư mà phần lớn giáo viên ở đây đều khó sống được với đồng lương ít ỏi của nghề giáo. Nhiều thầy, cô ngoài giờ lên lớp đã lăn lộn với nghề phụ để kiếm thêm thu nhập.
3. Trên đường quay về thành phố, tôi gặp một phụ nữ bán dừa nước. Thấy khát, tôi dừng xe mua một bịch. Trong lúc tôi uống nước, chị đã kể cho tôi nghe về cuộc đời mình. Chị kể: “Tôi quê ở Kiên Giang. Cách đây 7 năm, qua mai mối, tôi được gả về làm dâu ở cái xứ này. Không biết đây là cái xứ gì mà nó nghèo thế, nghèo hơn cả cái xứ của tôi nữa. Vậy mà ai cũng cứ nghĩ tôi lấy chồng Sài Gòn chắc là sướng lắm… Sự thật thì từ ngày tôi về làm dâu, quanh năm suốt tháng cứ lăn ra mà làm. Hết mò cua, bắt ốc đến cào nghêu mướn rồi bán dừa nước cũng không đủ ăn. Bởi vậy mà 7 năm rồi cũng chưa về thăm cha mẹ đẻ lấy một lần”… Cái giọng đều đều của chị nghe cứ như chị đang kể chuyện người ta chứ không phải chuyện mình. Nhưng tôi thấy buồn, buồn thay cho chị.
Chị có 3 đứa con, trong đó có 1 đứa đang học lớp 1. Cũng như rất nhiều, rất nhiều học sinh khác ở cái xứ này, thằng con chị “không thèm” đóng tiền học buổi thứ 2. Vì cho dù nó có “thèm đóng” thì mẹ nó cũng chẳng có tiền cho nó đóng. Còn cô giáo của nó, nhắc một lần, hai lần, rồi ba lần mà không thấy nó đóng nên bây giờ cũng chẳng buồn nhắc nữa.
Băng qua cánh đồng để trả lại con đường lộ, tôi gặp thêm hai người phụ nữ đầu đội chiếc nón lá cũ mèm, khoác trên người bộ quần áo vá chằng vá đụp và đeo trên vai một cái giỏ. Trời nắng chang chang mà họ vẫn phải bán lưng cho trời, bán mặt cho nước để mò mẫm những con cua, con còng. Và rất có thể, những đứa con của họ cũng không chịu đóng tiền học buổi thứ 2 như con của chị bán dừa nước.
Nhưng không sao, các thầy cô vẫn dạy.
Hòa Triều

Bình luận (0)