Trường MN Anh Đào, Q.Gò Vấp đưa vào sử dụng trong năm học 2010-2011 được thiết kế và xây dựng rất đúng chuẩn. Ảnh: Q.Huy |
Với kinh phí hàng chục tỷ đồng/trường, tất cả các trường MN được xây mới đều hướng đến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, “Ban quản lý dự án đã rất quan tâm đến ý kiến về chuyên môn của những người làm công tác giáo dục, nhất là trong lĩnh vực mầm non (MN). Vì vậy đã tạo ra được những ngôi trường khang trang, phù hợp với trẻ. Tuy vậy, vẫn còn một số nơi, do thiếu sự hợp tác với giáo dục nên đã cho ra những ngôi trường không đúng chuẩn…”, ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
PV: Xin bà nói rõ hơn về những cái chưa đạt của một số trường mới được xây dựng?
ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Thực tế đi tham quan, kiểm tra những trường mới, chúng tôi nhận thấy lỗi mà các công trình hay mắc phải là thiết kế nhà vệ sinh (NVS) quá bí, khuất, cửa hẹp. Thậm chí ở một số công trình, dù đã có vách ngăn giữa NVS nam, NVS nữ nhưng vẫn xây thêm vách ngăn giữa các bồn cầu khiến cho NVS trở nên chật chội. Cũng có nơi, lắp đặt quá nhiều bồn cầu/NVS.
Lỗi nữa mà các công trình thường mắc phải là xây các ụ (bàn) cố định trong nhà bếp. Sân trường thì “băm nát” ra với nhiều tầng khác nhau, nhìn thì đẹp nhưng không phù hợp, đôi khi gây nguy hiểm cho trẻ. Việc thiết kế các phòng chức năng cũng chưa thật sự đáp ứng được nội dung chương trình giáo dục MN mới…
Không chỉ về xây dựng mà ngay cả việc mua sắm các trang thiết bị cho trường MN cũng không đúng. Ở trường MN, giáo viên không cần bàn hoặc chỉ cần một cái bàn gấp nho nhỏ nhưng nhiều nơi lại trang bị quá nhiều bàn giáo viên, cái nào cũng to. Ngoài ra, kệ để đồ của cháu thì quá cao, trẻ không thể tự phục vụ được, màu sắc thì lòe loẹt. Đồ chơi, nhất là đồ chơi ngoài trời cũng không giúp trẻ phát triển các kỹ năng theo chuẩn của Bộ GD-ĐT…
Với những lỗi này, các trường MN thường phải khắc phục như thế nào thưa bà?
Hiện nay TP.HCM đang triển khai đại trà chương trình giáo dục MN mới. Với chương trình này, giáo viên có vai trò hướng dẫn, còn học sinh tự phục vụ là chính. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục MN mới, bắt buộc các trường phải đập đi xây lại cho đúng chuẩn. Cụ thể, NVS có vách ngăn giữa các bồn cầu thì bỏ vách ngăn đi, có nhiều bồn cầu thì bỏ bớt đi, ụ trong nhà bếp đập đi thay vào đó bằng bàn inox dễ di chuyển và làm vệ sinh…
Còn các trang thiết bị lỡ mua rồi mà không phù hợp thì đành phải chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc bán lại. Và đương nhiên phải mua các trang thiết bị phù hợp với môi trường MN…
Như vậy thì rất lãng phí, vậy theo bà làm sao để khắc phục tình trạng này?
Khi thiết kế và thi công công trình, khi mua sắm các trang thiết bị cho trường, ban quản lý dự án nên mời cán bộ phụ trách MN của phòng GD-ĐT quận, huyện và hiệu trưởng tương lai của trường để nghe góp ý. Bởi hơn ai hết những người này hiểu cái gì là phù hợp, là tốt cho trẻ.
Ban quản lý dự án phải đặt lợi ích của trẻ lên trên, xây dựng được một công trình không phải dễ nếu không sử dụng được hết thì thật đáng tiếc.
Một ngôi trường MN đúng chuẩn phải xây dựng như thế nào thưa bà?
Như trên tôi đã nói, lỗi mà các công trình hay mắc phải chính là NVS. Vì vậy, muốn có một NVS đạt yêu cầu thì không làm bồn chứa nước, bồn tắm, sàn nhà phải lát gạch nhám và trải thảm gai để tránh trơn trượt làm trẻ té ngã. Kích thước bồn cầu phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ, lớp mầm phải khác lớp chồi, lớp lá, nhóm nhà trẻ khác mẫu giáo. Vách ngăn NVS với lớp học là kính để giáo viên dễ quan sát học sinh. Phòng ngủ và phòng sinh hoạt của cháu phải thoáng, tối thiểu 2m2/cháu; hành lang trên 3m, có hành lang đằng sau càng tốt. Đối với nhà bếp, không xây ụ cố định, phải thông thoáng và là bếp một chiều. Sân chơi phải rộng, không làm các độ cao – thấp khác nhau. Sân chơi cần có nhiều cây xanh, cây lớn và có tán rộng, không có sâu, lá to, ít rụng lá như cây sakê, cây viết. Bên cạnh đó nên trồng những cây có hoa đẹp, sặc sỡ như cây bằng lăng; trồng các cây gợi nhớ đến chuyện cổ tích như cây khế. Dọc hành lang bố trí bồn trồng cây kiểng để lớp học trông thân thiện, tươi mát hơn…
Hiện thành phố có những trường được thiết kế và xây dựng đạt yêu cầu là Trường MN Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận; Trường MN Anh Đào, Q.Gò Vấp…
Xin cám ơn bà!
Hòa Triều
Tại văn bản số 2658/BGDĐT về hướng dẫn xây dựng trường, lớp học MN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận yêu cầu: Việc thiết kế và xây dựng trường MN phải tuân thủ thiết kế mẫu do Bộ Xây dựng ban hành (theo Quyết định 355/QĐ-BXD). Trong từng trường hợp cụ thể, các địa phương có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nhưng phải đảm bảo kiên cố, bền vững và không lãng phí. |
Bình luận (0)