Thầy Nguyễn Thanh Tuấn (trái) trả lời phỏng vấn với phóng viên |
“Đây là chủ trương của ngành, của nhà trường. Chúng tôi làm vậy nhằm tránh thất thu ngân sách và tạo công bằng xã hội, để học sinh biết, phụ huynh nào làm tốt nghĩa vụ đóng học phí thì con em họ được hưởng quyền lợi. Phải cho các em thấy sự khác nhau giữa người đóng học phí và người chưa đóng học phí” – thầy Nguyễn Thanh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Nhuận Đức (Củ Chi, TP.HCM) khẳng định.
Truy thu học phí bằng cách… cấm thi
Sáng 4-5, có gần 30 học sinh khối 6, 7 Trường THCS Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM thi môn công nghệ “được” thầy cô “mời” ra khỏi phòng thi với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp học phí. Riêng lớp 6A1 có 6 em không được dự thi vì lý do này. Em Phạm Hữu Thiện, HS lớp 6A1 và là một trong sáu HS bị “mời” ra khỏi phòng thi kể lại “Đến giờ thi, thầy cô đến đọc tên những bạn chưa nộp học phí rồi đuổi ra ngoài. Mấy bạn nhà ở gần trường định về nhà nhưng thầy cô không cho. Tụi em ra ngồi vất vưởng ở cổng trường chờ các bạn thi xong mới được về”. Vì một lý do nào đó mà phụ huynh (PH) chưa nộp xong học phí của con, kết quả là con em của họ đứng, ngồi vất vưởng ở cổng trường nhìn bạn bè làm bài thi. Ông Phạm Hữu Đông kể lại: “Thấy con về với vẻ bơ phờ, thất thần, tôi hoảng hốt “Có chuyện gì vậy con?” thì cháu nói “Con bị đuổi khỏi phòng thi vì ba chưa nộp học phí”. Nghe con nói tôi điếng hồn. Thật ra đây là cái lỗi của PH chúng tôi. Tôi phải thừa nhận như vậy, không thể đổ lỗi cho ai cả. Đây là lỗi của PH, sao nhà trường lại đối xử “bạc bẽo” như vậy với trẻ con? Sau “sự cố” này liệu con tôi sẽ ra sao?”. Sau khi biết tin con mình bị “mời” ra khỏi phòng thi, nhiều PH đến liên lạc với BGH để tìm hiểu lý do cũng như cách tháo gỡ vấn đề này. Tuy nhiên, câu trả lời của Hiệu trưởng nhà trường khiến họ… đớ người đành lủi thủi ra về. Ông Đông chua chát nói “Công bằng xã hội là vậy sao? Trẻ con thì biết gì mà “Phải cho các em thấy sự khác nhau giữa người đóng học phí và người chưa đóng học phí, sự công bằng xã hội”? Nhà trường làm vậy có nghĩ đến hậu quả mà họ gây ra đối với con em chúng tôi? Đây là lỗi của PH, sao nhà trường không làm việc với chúng tôi mà “trừng phạt” trẻ con làm gì?”. Giải thích lý do chưa đóng tiền học phí cho con, ông Lâm Văn Chụp cho biết “Tôi làm thợ hồ (thợ xây), một mình nuôi ba con ăn học và một mẹ già. Vì miếng cơm manh áo tôi đi làm suốt. Nhận việc ở đâu làm ở đó. Tôi thường làm ở các tỉnh xa nên ít có thời gian đến trường được. Đưa tiền cho con đi nộp thì nó hay làm rớt hay tiêu mất. Điều đáng nói, tôi chỉ còn nợ có hai, ba tháng gần đây chưa đóng thôi. Cho đến trước hôm vừa rồi con tôi bị đuổi khỏi phòng thi, tôi không hề nhận được thông báo, thư mời nào của nhà trường về việc con tôi nợ học phí và sẽ bị cấm thi”. Ông Đông giải thích “Thật ra, với tôi, khoản học phí không phải quá lớn, vì học ở ngoại thành nên học phí chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên, tôi thì đi làm suốt, đầu tuần tôi bận nhiều việc, cuối tuần đến trường nộp học phí cho con thì không gặp cô chủ nhiệm. Đưa tiền cho con thì nó khờ quá, cứ làm mất hoài, điều tôi muốn nói là chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào từ nhà trường về việc tôi chưa đóng xong học phí và con tôi sẽ không được dự thi. Tôi không hiểu bầu ra Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh làm gì? Nhà trường đã làm tốt khâu tuyên truyền, dân vận chưa mà lại quyết định “cưỡng chế” đối với HS?”. Mẹ em Thiện bức xúc “Nhà trường làm việc quá tùy tiện. Tại sao họ không giải quyết linh hoạt hơn? Thay vì cấm, họ vẫn cho con tôi thi bình thường, sau đó khoan chấm bài thi của con tôi và mời tôi lên để giải quyết”. Theo thông tin từ những PH này, không chỉ 6 em lớp 6A1 không được thi mà rất nhiều em ở khối 6, 7 cũng rơi vào tình cảnh này. Vụ “cưỡng chế học phí” này để lại “chấn thương tâm hồn” như thế nào với những HS này? Ông Đông cho biết “Thấy con về trong vẻ thất thần, tôi đã lo sợ. Mấy hôm nay cháu cứ buồn buồn, trốn hoài trong nhà không chịu đi đâu hết. Học phí rồi tôi sẽ đóng xong nhưng tác động xấu của “sự cố” vừa rồi với con tôi thì không biết khi nào mới hết?”. Cùng tâm trạng như vậy, ông Chụp lo ngại “Khi tôi về thì thấy con nó trốn trong nhà và khóc. Mấy hôm nay cứ thấy bạn cùng lớp là nó chạy trốn. Cháu nó cũng không thiết tha ăn uống, vui chơi như trước dù tôi có quan tâm, cố tạo không khí vui vẻ cho cháu khuây khỏa”.
“Chỉ là… tạo tình huống”?
Ông Lâm Văn Chụp, PH em Lâm Minh Thuận lớp 6A1 bức xúc “Tôi đang làm ở Long An, nghe con gọi điện nói vậy tôi chạy về liền và đến trường. Tuy nhiên, nhiều PH cho biết họ đã năn nỉ thầy Hiệu trưởng, cam kết tuần sau sẽ nộp xong học phí nhưng thầy vẫn không cho những em này vào phòng thi nên tôi đành… thả tay”. |
Giải thích về chủ trương này, thầy Tuấn cho biết “Vì mấy năm trước tỉ lệ thất thu học phí của trường rất cao nên năm nay nhà trường chủ trương tạo tình huống này để PH nộp học phí cho trường. Tuy nhiên, đây chỉ là tình huống mà nhà trường tạo ra để PH lo lắng mà hoàn thành nghĩa vụ học phí cho trường. Hình thức này chỉ áp dụng một môn duy nhất là môn công nghệ vì đây là môn nhà trường tự ra đề thi, tự tổ chức thi nên trường chủ động. Các môn khác các em vẫn được thi bình thường”. Trước câu hỏi “Nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền hay chưa mà thực hiện biện pháp “cưỡng chế”? thầy Tuấn cho biết “Chúng tôi có chỉ đạo cho GV chủ nhiệm các lớp thông báo cho PH bằng cách ghi ra giấy khoản học phí mà PH chưa nộp rồi đưa cho HS, còn HS có đưa cho PH hay không thì không biết”. Nhà trường có lường hết hậu quả khi tiến hành biện pháp “cưỡng chế” đối với HS? Thầy Tuấn thừa nhận “Vì nhiều PH chưa hoàn thành việc đóng học phí nên nhà trường mới làm vậy. Chúng tôi cũng chưa thể lường hết hậu quả của biện pháp này. Có khi chúng tôi đã làm sai quy chế. Với những em chưa được thi lần này, chúng tôi sẽ tổ chức cho các em thi lần sau”. Biện pháp “cấm thi” này đã gây nên một dư luận bức xúc, nhiều PH đã phản ánh việc này lên Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi. Đích thân thầy Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT huyện đã xuống làm việc với lãnh đạo Trường THCS Nhuận Đức. Thầy Hồ Văn Phừng, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết “Ngay khi nhận được phản ánh của PH, thầy Sen trực tiếp xuống trường tìm hiểu để giải quyết. Thầy Sen đã chỉ đạo Trường THCS Nhuận Đức phải tạo điều kiện tối đa cho các em được thi. Đây là chủ trương sai quy chế của nhà trường, Phòng GD-ĐT không có chủ trương này. Hiện nay chúng tôi đã thực hiện phổ cập giáo dục nên phải tạo điều kiện tối đa để các em được đến trường. Sao lại cho chủ trương như vậy được”.
Công Việt – Nguyên Hải
Bình luận (0)