Lãnh đạo Sở GD-ĐT 5 thành phố trung ương họp giao ban vào sáng 14-10
|
Ngày 14-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2011-2012 Cụm thi đua vùng 7 ngành GD-ĐT 5 thành phố Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội.
Vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học
Theo báo cáo, trong năm học 2011-2012, mạng lưới trường lớp học, quy mô HS các cấp học, bậc học của ngành GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục được củng cố và phát triển, mở rộng. Có tổng số 5.757 trường học, cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non, phổ thông, TCCN, và TTGDTX với 3.876.398 HS. Tình trạng HS bỏ học tiếp tục được ngành GD-ĐT các địa phương quan tâm khắc phục, do vậy số lượng này đều giảm so với các năm trước. Cho đến nay, TP.Cần Thơ có HS bỏ học cao nhất ở THPT chiếm tới 1,77%, tiếp đó là TP.HCM với 0,43%. Về số lượng, dẫn đầu danh sách là TP.HCM có 1.800 HS bỏ học; Cần Thơ: 1.740 HS, Hà Nội 1.577 HS, ít nhất là Đà Nẵng chỉ có 54 HS. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS bỏ học được đưa ra là rơi vào các em có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu kém, không đủ điều kiện lên lớp, sức khỏe, bệnh tật…
Khắc phục tình trạng HS bỏ học, các sở đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các trường tăng cường công tác quản lý, triển khai tích cực nhiều biện pháp như rà soát, phân loại HS, cử giáo viên bồi dưỡng HS yếu kém, động viên từng đối tượng bỏ học tiếp tục đến lớp. Bên cạnh đó, sở cũng phối kết hợp với các cấp, các ngành, lực lượng xã hội ở địa phương vận động phụ huynh tạo điều kiện học tập tốt cho HS, tổ chức quyên góp sách vở tặng HS nghèo, miễn giảm học phí cho các em…
Bộ sẽ mạnh tay với lạm thu
Phát biểu tại hội nghị giao ban, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt đưa ra kiến nghị với Bộ GD-ĐT: “Chỉ nên áp dụng 7/10 điều thuộc Dự thảo điều lệ cha mẹ HS. Muốn các trường công lập ở các thành phố lớn nâng cao chất lượng thì cần vận động cha mẹ HS giúp đỡ, ủng hộ giúp đỡ cho việc dạy và học, nâng cao cơ sở vật chất. Nếu không như vậy sẽ triệt tiêu sự phát triển và đi đầu trong giáo dục của các thành phố lớn như TP.HCM. Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đưa ra ba loại hình trường đang tồn tại hiện nay tại TP. Một là hiệu trưởng năng động nhưng cách vận động không khéo nên dễ gây bức xúc cho phụ huynh; thứ hai: hiệu trưởng năng động và vận động có nghệ thuật; thứ ba: hiệu trưởng an phận. Và theo ông: những trường thuộc loại thứ hai thường luôn là điểm nóng, hằng năm phụ huynh luôn muốn gửi gắm con tới học bởi chất lượng tốt. Ông Đạt cũng cho rằng không có chuyện người này không đóng tiền “ủng hộ” cho con mà bị phân biệt đối xử. Theo ông, cách nghĩ đó chỉ là suy diễn thôi. Đồng tình với ý kiến của Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết việc cha mẹ HS có quỹ hỗ trợ việc dạy và học cần được nghiên cứu lại bởi mỗi địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
Trước vấn đề còn nhiều tranh cãi này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: “Việc xử phạt là buộc phải làm. Sắp tới, bộ sẽ có tập huấn sâu về việc này. Tùy theo mức độ, những nơi để xảy ra lạm thu mà nghiêm trọng, cố tình sẽ bị xử lí”. Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Không phải ta cấm các khoản thu, ủng hộ. Nhưng đừng đứng đằng sau việc mình không làm được. Nhà trường không thể lấy cha mẹ HS ra làm lá chắn cho những việc mình làm. Hiệu trưởng phải nhận lấy trách nhiệm này. Ai làm sai, cố tình làm sai thì phải xử lí thật nghiêm”.
11 kiến nghị mong sớm được thực hiện
Hội nghị giao ban lần này, 5 sở GD-ĐT vùng 7 cũng gửi tới Bộ GD-ĐT 11 kiến nghị và đề xuất như sớm ban hành thông tư liên bộ hướng dẫn Nghị định 115/20 của Chính phủ về quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục; bộ tham mưu, đề xuất với Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; bộ tham mưu, đề xuất với Chính phủ trong việc chỉ đạo tuyển dụng giáo viên mầm non ở các trường mầm non bán công chuyển sang công lập và đảm bảo thực hiện chế độ cho giáo viên mầm non hưởng lương theo ngạch bậc đào tạo; bộ tham mưu với Chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp quy về quản lý hoạt động giáo dục có yếu tố nước ngoài và quản lý dịch vụ tổ chức du học tại địa phương…; cho phép các tỉnh, thành phố được chủ động quyết định điểm tối thiểu môn ngoại ngữ bắt buộc và các môn chuyên trong kỳ thi tuyển sinh các trường chuyên, lớp chuyên; có hướng dẫn cụ thể về công tác thư viện trường học; ban hành chuẩn về mô hình trường học chất lượng cao các cấp học; hướng dẫn về công tác thanh tra cấp sở đối với các trường TCCN trên địa bàn tỉnh, thành phố; sớm ban hành thông tư hướng dẫn về định biên, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý các TTGDTX… thống nhất trên cả nước; sớm ban hành thông tư hướng dẫn về phụ cấp thâm niên đối với giáo viên…; sớm điều chỉnh thông tư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)