Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngày thi đầu tiên tuyển sinh ĐH đợt 2: Ít “phao thi”, nhiều hồ sơ ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh dự thi tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sáng 9-7

Bộ GD-ĐT cho biết, tuyển sinh ĐH đợt 2 cả nước có 98 ĐH, học viện, trường ĐH tổ chức thi các khối còn lại (B, C, D và các khối năng khiếu). Tuy nhiên, số liệu báo cáo của các trường cho thấy, tỷ lệ hồ sơ ảo vẫn còn ở mức cao.
Ông Đỗ Duy Truyền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường đợt 2 là 8.471, thấp hơn năm 2008. Nhưng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi chỉ chiếm hơn 53%. Hiện tượng “ảo” chủ yếu xảy ra ở các trường top trên. Điều này được giải thích do các trường này điểm chuẩn tương đối cao, thí sinh phải “nắm chắc phần thắng” mới dám thi vào. ĐH Y Hà Nội năm nào cũng có số thí sinh dự thi thấp nhưng điểm vào trường luôn thuộc hàng “sao”. PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, ngành y là một ngành đặc biệt, đòi hỏi những thí sinh thi vào phải thực sự giỏi. Năm nay, trường có trên 10.000 thí sinh đăng ký dự thi. Nhưng chỉ tiêu vào trường rất thấp, chỉ trên dưới 1.000.

Thí sinh tại TP.HCM nộp bài thi

Đối với các trường top dưới, tỷ lệ thí sinh đến dự thi thường cao hơn các trường top trên. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thi đợt 2 có tới 69,90% thí sinh đến dự thi trên tổng số 8.173 hồ sơ đăng ký dự thi. Điểm chuẩn vào trường năm 2008 chỉ cao hơn điểm sàn 1 điểm. Nhưng trường vẫn phải lấy nguyện vọng 2 tới 50% chỉ tiêu. Ông Nguyễn Kim Sơn, Chánh văn phòng trường cho biết, trường hiện có 12 khoa và trong 14 năm thành lập trường đều tổ chức thi. Đây là một trong những trường ngoài công lập không bỏ thi từ khi thành lập. Mục đích để tìm kiếm những thí sinh thực sự muốn gắn bó với trường. Tâm lý của rất nhiều thí sinh hiện nay thường lựa chọn các trường ngoài công lập, các trường top dưới như “bến trú” tạm để chờ mùa thi năm sau. Năm nay, Viện ĐH Mở cũng có 65% thí sinh dự thi.
Thí sinh vẫn khổ
So với đợt 1, đợt 2 thời tiết tại Hà Nội nóng hơn nhiều. Mặc dù vậy, tại nhiều điểm thi, thí sinh rất vất vả trong việc đi lại. Đầu tiên phải kể đến điểm thi nằm tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phố Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai. Trường nằm gần cầu Vĩnh Tuy. Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy lẽ ra phải hoàn thành từ năm 2006, nhưng đến nay, sau 3 năm cầu vẫn chưa xong. Chính vì vậy, con đường độc đạo vào trường thường là ổ gà và hố “trâu đằm”. Ngày mưa thì lụt và ngày nắng thì bụi. Vào lúc hết giờ thi, chỉ cần một chiếc xe tải đi vào là toàn bộ tuyến đường coi như tắc, vào không được và ra cũng không thể. Cùng kiểu độc đạo và “bụi bẩn buồn” như con đường vào ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn có con đường vào Học viện Tài chính và ĐH Mở. Sau khi kỳ thi đợt 1 kết thúc, trời có mưa, tuyến đường vào trường tắc ứ trước sự bất lực của lực lượng thanh niên tình nguyện và cảnh sát giao thông. Tuyến đường Hà Nội – Nhổn, nơi có ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng không khá hơn. Là đường quốc lộ nhưng lại rất nhỏ, xe ô tô đi lại đông đúc, sĩ tử luôn đối mặt với tình trạng tắc đường và mặt đường thì xuống cấp nghiêm trọng. Các thầy trong trường thường nói “có xuống Nhổn” – địa điểm trường đóng đô, mới thương sinh viên của trường.
Có lẽ, để có những con đường vào trường thông thoáng, sĩ tử không bị “choáng” ngay từ vòng “loại” thì còn cần sự vào cuộc của UBND thành phố Hà Nội trong một thời gian dài nữa.
Môn văn khối C khó đạt điểm cao

Giám thị gọi tên thí sinh vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Phan Ngọc Hiển, cụm thi TP Cần Thơ

Sau 2/3 thời gian làm bài, nhiều thí sinh tại Hội đồng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM đã bắt đầu nộp bài và ra về. Thời điểm còn 15 phút cuối, thí sinh ở đây đã “ra” ào ào. Thí sinh Nguyễn Ngọc Thủy Tiên (TP.HCM) cho biết: “Đây là năm thứ 2 em thi ĐH. Đề thi môn văn khối D năm nay nhẹ hơn năm trước, nằm trong chương trình, thí sinh nào có học là có thể làm được”. Trong khi môn văn ở khối D, 15 phút cuối thí sinh ra gần hết thì cũng môn này ở khối C, 15 phút cuối chỉ có vài thí sinh ra. Thí sinh Hoàng Quang Hưng (Gia Lai) lại cho rằng: “Với đề thi như vậy, câu nào thí sinh cũng có thể làm được nhưng khó đạt điểm cao, phòng em rất ít thí sinh làm được 3 tờ. Em thi được 7,5 điểm văn kỳ thi tốt nghiệp nhưng thi đợt này em đoán mình đạt khoảng trên 5 điểm”. Đặng Thị Hương (Lâm Đồng) cũng nhận định: “Đề hơi dài, em làm không kịp thời gian. Em làm được khoảng 60% thôi”. Thí sinh Lý Văn Lợi lại nhận xét: “Câu 2 trong phần chung yêu cầu viết bài văn không quá 600 chữ trình bày suy nghĩ về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống, em thấy vẫn chưa được thỏa lòng. Với câu này, em muốn được viết dài hơn khối lượng chữ yêu cầu đó”. Thí sinh Lý Văn Lợi (Đăk Lăk) cũng cho biết, trong phần riêng có câu liên quan đến tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, chỉ thí sinh học chương trình mới đã học tác phẩm này, còn những thí sinh học chương trình cũ như Lợi thì chỉ được tiếp xúc với tác phẩm này lúc đi luyện thi chứ không được học ở phổ thông (đây là năm thứ 2 thí sinh này thi ĐH). 
Không còn bóng dáng của “phao”
Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa thi, nhất là thi đợt 2, các môn tự luận và xã hội nhiều, các trường thường phải siết chặt hơn để không cho “phao thi” lọt. Nhưng theo nhận định của ông Đỗ Duy Truyền, điều đáng mừng là mấy năm trở lại đây, sau các buổi thi, sân trường đều sạch tinh, không còn thấy bóng dáng của “phao”. Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó hiệu trưởng Viện ĐH Mở cũng thừa nhận, quản lý của chúng ta hiện nay đã tốt hơn. Kỳ thi ĐH khác với kỳ thi tốt nghiệp, không có sự vào cuộc của nhiều lực lượng xã hội. Hơn nữa, theo ông Nghị, nhận thức của thí sinh đã khác. Họ không còn tâm lý “ăn thua”, quyết đỗ bằng được vào ĐH. Nhưng điều ngạc nhiên là dù thí sinh đã biết qui định nhưng vẫn phạm lỗi vì mang điện thoại vào phòng thi. Đánh giá của phóng viên tại các điểm thi các môn tự luận cho thấy thí sinh đều làm bài nghiêm túc, không có chuyện quay cóp hay chép bài của bạn. Đây là tín hiệu đáng mừng. Như vậy, sau một thời gian dài, đến nay, thế hệ 9X của Việt Nam đã dần dần không còn khái niệm “phao” khi đi thi.
Thí sinh vi phạm kỷ luật giảm 48 trường hợp

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, sau khi kết thúc môn thi thứ 2 của đợt thi thứ 2, cả nước có 623.749 thí sinh dự thi đạt 71,63%. Có 8 thí sinh đi muộn trong đó có 6 thí sinh không được dự thi môn thi thứ 2. Cả hai môn thi, cả nước có 60 thí sinh vi phạm kỷ luật. Trong đó, bị khiển trách 6 trường hợp, đình chỉ 54 trường hợp do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi. Tại Học viện Báo chí tuyên truyền, ông Dương Xuân Ngọc, Phó giám đốc học viện cho biết có 1 thí sinh bị đình chỉ tại buổi thi môn văn do phát hiện mang điện thoại vào phòng thi sau khi bóc đề. Cũng tại học viện, có một giám thị bị sốt nhưng không phải do nhiễm cúm A/H1N1. ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có 1 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi môn văn. Học viện Hành chính quốc gia có 4.641 thí sinh dự thi nhưng không có thí sinh nào bị xử lý kỷ luật trong 2 môn thi đầu tiên. ĐH Ngoại thương có 1 thí sinh bị thủy đậu và được người nhà báo trước, trường cũng đã trình Bộ GD-ĐT, Bộ đồng ý tạo mọi điều kiện cho thí sinh này được dự thi. Trường đã bố trí cách ly thí sinh này thi riêng một phòng thi tại Hội đồng thi Thái Thịnh và có 2 giám thị coi theo đúng quy chế.
Đánh giá chung của Bộ GD-ĐT cho thấy tỷ lệ thí sinh vi phạm quy chế đã giảm hẳn. So với năm 2008 đã giảm 48 trường hợp. Số cán bộ coi thi vi phạm kỷ luật trong ngày thi đầu tiên đợt 2 là 5, trong đó 2 giám thị bị khiển trách do mở đề sớm, 2 giám thị bị đình chỉ do phát đề muộn 13 phút và 1 giám thị bị đình chỉ do làm việc riêng.
 
Nhóm PV

Bình luận (0)