GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN và NĐ của Quốc hội trao đổi với Tiền Phong về vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Phân loại trường là đòi hỏi cấp bách. |
GS Đào Trọng Thi nói:
Năm 2010 sau khi tổ chức giám sát, Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Bộ GD&ĐT đã quan tâm hơn tới điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đối với các trường.
Các trường mới thành lập đã thực hiện nghiêm túc qui định, qui trình điều kiện thành lập trường theo Luật. Sắp tới chúng ta ban hành Luật giáo dục đại học, những qui định về thành lập trường còn chặt chẽ hơn nữa, chế tài cụ thể hơn.
Số lượng trường ĐH, CĐ hiện rất lớn nhưng chất lượng còn hạn chế, và đó có phải lý do gây bức xúc căng thẳng trong tuyển sinh?
Nhiều bức xúc liên quan tuyển sinh, nhất là chỉ tiêu. Nhưng thái độ của Bộ là rất kiên quyết, rõ ràng không nhân nhượng điểm sàn. Bộ liên tục chấn chỉnh, đảm bảo tuyển sinh theo qui chế, đúng chỉ tiêu nhưng cũng phải nói là bắt đầu phát hiện những vấn đề mới bức xúc.
Các trường ngoài công lập phải chiến đấu bằng được để giành giật thí sinh, đây là chuyện sống còn của họ. Xã hội cũng dần dần nhận thức rõ hơn, người học đã biết chọn lựa. Không phải cứ hạ điểm đầu vào là tuyển được. Đây là dấu hiệu tích cực, trường nào muốn tồn tại thì phải vượt qua thử thách đó. Và nếu Bộ GD&ĐT kiên quyết không nhân nhượng chất lượng đầu vào thì đây là bước chấn chỉnh lớn, cảnh tỉnh các trường trước đây không quan tâm đến chất lượng.
Đương nhiên đây là vấn đề khó, vì dư luận cũng phân ra các nhóm lợi ích, không phải ai cũng ủng hộ. Nhưng rồi các trường đều phải vận hành theo chiều hướng chung.
GS.TS Đào Trọng Thi. |
Báo cáo của UBTVQH nêu rõ yêu cầu rà soát, phân loại các trường ĐH: Những trường không đủ điều kiện có thể bị hạ cấp, giải thể – đặc biệt là trường sau 10 năm thành lập vẫn chưa xây dựng được cơ sở vật chất?
Phải kiên quyết làm theo lộ trình. Sau giám sát các địa phương đã quan tâm hơn, tạo điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất cho các trường. Bộ GD&ĐT cũng đã quan tâm xác định tiêu chí, trong đó căn cứ quan trọng nhất là cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Như tôi nói, trong Luật giáo dục đại học sắp tới còn qui định chặt chẽ hơn, đưa ra công thức tính cụ thể để xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở căn cứ vào những thông số: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, khả năng kinh tế…
Đồng thời, Luật qui định rõ hơn về thời hạn, qui trình xử lý, giải thể, rút giấy phép đối với trường vi phạm. Khi đó các trường hoạt động tự chủ, Nhà nước hậu kiểm, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Mục tiêu của chúng ta là rà soát lại hệ thống các trường trên cơ sở tiêu chí qui định, còn việc giữ lại bao nhiêu trường thì chưa đặt ra. Cái hướng đến là chất lượng đào tạo.
Đợt giám sát vừa qua, bước đầu phát hiện 14 trường không đảm bảo yêu cầu, chất lượng. Nhưng họ có một khoảng thời gian (từ 3-5 năm) để hoàn thiện cơ sở vật chất, điều kiện theo cam kết. Có một vài trường thành lập từ thời kỳ đầu (chưa có cam kết về cơ sở vật chất) sẽ chuyển sang tư thục, đây là những trường sẽ khó khăn.
Chúng ta cần tạo điều kiện cho các trường có đủ điều kiện hoạt động, chỉ sau đó không đảm bảo mới xử lý. Kết quả giám sát đã tác động rất tốt, các trường đã chú ý khắc phục để không bị xử lý.
Hiện nay chúng tôi đang giám sát để Bộ làm tốt việc thanh kiểm tra các cơ sở đào tạo chấp hành qui chế, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, đặc biệt là điểm sàn. Không thể để các trường tìm cách lắt léo, tuyển trái quy định, dưới sàn.
Thưa ông, việc đẩy nhanh tiến độ kiểm định các trường ĐH, CĐ và công khai kết quả kiểm định, làm cơ sở để phân loại sẽ được thực hiện như thế nào?
Cơ chế kiểm định sẽ được qui định trong Luật mới. Tuy nhiên, khi có luật rồi phải xây dựng các tổ chức kiểm định, theo hướng độc lập, chứ không phải của Nhà nước, của Bộ. Đó là mô hình hoạt động như tổ chức phi chính phủ (đăng ký theo qui định), có thể bao gồm cả các các tổ chức, cơ quan sự nghiệp. Nhưng nó hoàn toàn khác mô hình kiểu Cục khảo thí của Bộ GD&ĐT. Hiện đã có các tổ chức kiểm định của các trường ĐH.
Trước mắt có thể dựa nhiều vào các đơn vị kiểm định này. Dù chưa hoàn toàn độc lập nhưng là đơn vị sự nghiệp chứ không phải đơn vị quản lý nhà nước; và có thể thiết lập cơ chế kiểm tra chéo lẫn nhau nên sẽ đảm bảo khách quan nhất định. Tương lai, hệ thống kiểm định sẽ hình thành độc lập, giống như các đơn vị kiểm toán, để làm chức năng phân loại các trường.
Chính việc phân loại là điều kiện để qui định cho các trường được hưởng một số quyền, ngoài chuyện sau kiểm định anh xếp loại tốt thì uy tín anh tốt hơn. Trường tốt có thể được giao một số nhiệm vụ đào tạo, được nhà nước hỗ trợ, được qui định mức học phí cao hơn…
Như vậy, chúng ta sẽ phân loại các trường thành những tốp cao thấp khác nhau như một số nước đã làm?
Sẽ có sự phân tầng, có trường được công nhận ở một vị thế cao hơn, chủ yếu liên quan đến kết quả kiểm định, để đánh giá anh ở mức độ nào. Thực ra, phân tầng ở đây là phân tầng theo chất lượng thông qua kết quả kiểm định. Đây là hướng để các trường phấn đấu, vươn lên đạt kết quả cao hơn. n
Theo Nguyễn Tuấn
(TPO)
Bình luận (0)