Trao đổi với PV chiều 5-7, ngay sau khi Bộ GD-ĐT vừa công bố đáp án chính thức các môn thi đợt 1, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá:
– Có thể đánh giá chung là đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh năm nay với 107 hội đồng thi và gần 700.000 thí sinh tham dự đã thành công. Trước hết là đợt thi đã thành công về đề thi, công tác tổ chức thi…
* Nhưng thưa thứ trưởng, trong đợt 1 đã xảy ra hai sự cố lớn mà bộ phải trực tiếp chỉ đạo và xử lý?
– Hai sự cố xảy ra tại các hội đồng thi của Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin ở Nha Trang và Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội là những lỗi kỹ thuật xảy ra từ cơ sở. Nguyên nhân, theo tôi, đều liên quan đến yếu tố con người cụ thể trong quá trình thực hiện.
Nhưng đây là những bài học rất quý giá mà tất cả hội đồng tuyển sinh đều phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong đợt 2 sắp tới và trong công tác tuyển sinh nói chung. Bài học kinh nghiệm rút ra ở sự cố của hội đồng thi Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin cho thấy các trường không được chủ quan, cần tiếp tục tập huấn kỹ đội ngũ cán bộ coi thi, không chỉ bằng lý thuyết mà đưa việc thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh vào những tình huống cụ thể.
Trong cả hai trường hợp sự cố, ban chỉ đạo tuyển sinh đều đã có chỉ đạo và hướng giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Tuy nhiên, các hội đồng thi đợt 2 phải kịp thời chấn chỉnh các khâu của công tác chuẩn bị, công tác coi thi để không xảy ra những sự cố đáng tiếc như vậy.
* Bộ GD-ĐT đã đưa ra hai phương án – đều là những “biện pháp mạnh” – để xử lý sự cố dựa trên những căn cứ nào?
– Chúng tôi đã cân nhắc và đưa ra những biện pháp giải quyết để thí sinh lựa chọn dựa trên quy định của quy chế tuyển sinh và căn cứ trên thực tế có những thí sinh làm bài tốt muốn giữ lại bài thi đã làm, cần phải tìm giải pháp hợp lý để đảm bảo công bằng cho các em.
Bộ đưa ra giải pháp nhân hệ số 1,3 cho kết quả bài thi của thí sinh là căn cứ trên thực tế các thí sinh đã mất 45 phút để chép lại bài thi, chỉ được làm bài trong 135 phút, khoảng thời gian mất để chép lại bài tương đương gần 1/3, vì vậy bộ đã cho phép kết quả bài thi của các thí sinh này được nhân với hệ số 1,3.
Đối với những thí sinh không hài lòng với bài chép, bộ yêu cầu hội đồng thi phải tổ chức cho thí sinh thi lại bằng đề dự bị…
* Lần đầu tiên trong suốt 10 năm kỳ thi tuyển sinh ĐH áp dụng “ba chung” với đề thi chung, chúng ta đã phải sử dụng đến đề thi dự bị, đây sẽ là một bài học kinh nghiệm lớn cho cả bộ chứ không chỉ các hội đồng thi?
– Bài học kinh nghiệm lớn nhất ở đây, theo tôi, chính là việc chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các quy định về đề thi. Dù trong chín năm qua, chúng tôi chưa hề phải sử dụng đến đề thi dự bị, đây là lần đầu tiên đề thi dự bị cần dùng đến và cũng chỉ để phục vụ một con số cực kỳ ít ỏi là ba thí sinh.
Nhưng điều đó cho thấy trong thi cử phải cực kỳ nghiêm túc tuân thủ triệt để, đầy đủ các quy định, quy chế, có sự chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Đề thi dự bị dù chưa bao giờ được sử dụng, dù tốn kém nhưng đã được Bộ GD-ĐT xây dựng nghiêm túc, đáp ứng mọi yêu cầu như đề thi chính thức về nội dung, đáp án… N
hững lỗi vừa xảy ra là những lỗi kỹ thuật nhưng nếu chúng ta không nghiêm túc, không có sự chuẩn bị đề phòng thì đó sẽ không còn là sự cố kỹ thuật của một cơ sở mà có thể ảnh hưởng đến toàn hệ thống với hàng trăm trường và hàng triệu thí sinh…
Theo TT O
Bình luận (0)