Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội: Không ế như mọi người nghĩ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việc thiếu thông tin khiến phụ huynh và HS không thấy cơ hội việc làm của một số ngành xã hội. Tuy nhiên, thực tế không thấp như mọi người vẫn tưởng.
Không ít cơ hội tìm việc
Kém toán, “dốt” ngoại ngữ mới thi vào ngành xã hội là quan niệm lâu nay của nhiều thí sinh. Tuy nhiên, khi vào học tại khoa Quốc tế học và Đông phương học của Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì sinh viên lại có thời lượng học ngoại ngữ rất lớn. Đây có thể coi là một lợi thế cho sinh viên sau này ra trường tìm việc. TS Phạm Thu Giang – khoa Đông phương học – cho biết, thời lượng học ngoại ngữ của khoa Đông phương học rất lớn, chiếm tới 40% thời lượng chương trình.

Nhu cầu nghề công tác xã hội ngày càng cao.

Ngay cả đối với một bộ môn thuộc dạng kén người học như Hán – Nôm, thì theo thầy Nguyễn Phúc Anh, ngành Hán – Nôm là nền tảng rất tốt để SV học thêm các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn. Sau khi ra trường, hầu hết SV của ngành Hán – Nôm đều có khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ là tiếng Trung và chữ Hán – Nôm… Với khả năng ngoại ngữ tốt, SV còn có thể xin học bổng ở các trường đại học nước ngoài.
Về cơ hội việc làm, thì TS Bùi Thành Nam – Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế học của trường – cho biết, theo khảo sát mới nhất của nhà trường gần đây c cựu SV thì khoa Quốc tế học và Đông phương học của Trường ĐH KHXHNV nằm ở trong nhóm dẫn đầu về thu nhập của SV sau khi ra trường. SV tốt nghiệp từ khoa Quốc tế học có thể làm việc ở các tổ chức phi chính phủ, các vị trí biên tập báo, truyền hình, các viện nghiên cứu, các bộ phận hợp tác quốc tế, đối ngoại của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp…
Đối với các ngành học xã hội khác thì Việt Nam học được xem là một ngành học thích hợp với nhiều loại công việc. Người tốt nghiệp ngành này có thể dạy các môn xã hội tại các trường ĐH, CĐ, trường phổ thông, nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu, tại các cơ quan nghiên cứu văn hoá, làm nhà tư vấn Việt Nam học hay làm trong ngành du lịch. SV Việt Nam học cũng có thể làm báo, phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí và truyền thông, các nhà xuất bản…
Ngành lịch sử – trái với suy nghĩ của nhiều người – cũng có cơ hội việc làm rất lớn. Hiện SV tốt nghiệp ngành lịch sử làm việc tại rất nhiều loại hình tổ chức, như ở các trường ĐH, CĐ, các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng… Ngay cả ngành học khảo cổ học cũng khá dễ xin được việc đúng ngành đào tạo, vì nhu cầu của xã hội hiện nay đối với ngành này vẫn còn khá nhiều.
Thí sinh khối A cũng có thể thi vào ngành xã hội
Việc khó khăn trong tìm kiếm việc làm của các SV nhóm ngành xã hội đã khiến lượng hồ sơ đăng ký dự thi khối C sụt giảm liên tục trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, để mở rộng đối tượng thí sinh, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, một số ngành đào tạo thuộc khối xã hội đã bắt đầu tuyển sinh khối A. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh thêm khối A cho 3 ngành học là quan hệ công chúng và quảng cáo, kinh tế chính trị và xã hội học.
Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết năm nay, ngành có thêm khối thi: Ngành báo chí và ngành ngôn ngữ học tuyển sinh thêm khối A; ngành tâm lý học tuyển sinh thêm khối B. Như vậy, hiện nhà trường có 12/18 ngành đào tạo có tuyển sinh khối A. Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TPHCM) từ vài năm nay đã tuyển sinh khối A cho 5 ngành học. Năm nay nhà trường bổ sung khối A1 cho 5 ngành này, đó là triết học, địa lý học, xã hội học, khoa học thư viện và quy hoạch vùng và đô thị.
Trước một số ý kiến e ngại về khả năng theo học của những thí sinh “trái khối” này, theo ông Nguyễn Hội Nghĩa – Trưởng ban ĐH – sau ĐH ĐH Quốc gia TPHCM – việc mở rộng khối thi như thế, quá trình học có thể sinh viên gặp khó khăn, nhưng không phải là không học được.

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)