Nếu nhìn vào con số hàng tỉ USD từ VN chi ra nước ngoài qua con đường du học hàng năm – cũng như nhìn vào con số du học sinh (DHS) trở về nước làm việc, sẽ dễ “choáng” vì tài chính lẫn nguồn lực dường như “một đi không trở lại”.
Chưa có con số thống kê chính xác, cụ thể về dòng ngoại tệ bị “chảy ngược” ra nước ngoài mỗi năm là bao nhiêu, bởi con đường du học tự túc hiện nay khá đa dạng và mức chi phí cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu ước đoán qua số liệu của một vài trung tâm thực hiện tư vấn và du học tự túc của những quốc gia thuộc hàng top 5, trong số những nước được nhiều DHS Việt Nam chọn lựa, cũng có thể phác họa phần nào về tổng chi phí, sẽ là một con số khá lớn.
Cụ thể, khi đề cập đến vấn đề này, GS-TS Lê Tự Hỷ (Atlanta – Hoa Kỳ) đã đưa ra thông tin: Riêng tại Mỹ, số HS SV Việt Nam du học đã tăng từ 2.022 năm 2000 lên 12.823 năm 2009 (nguồn: Institute for Vietnamese Culture & education (IVCe), New York, 4.8.2010). Và vị giáo sư này đã làm một phép tính đơn giản để minh chứng, nếu lấy mức chi phí trung bình 30.000USD/SV/năm học, thì chỉ trong năm học 2008-2009, số tiền từ Việt Nam đổ vào Mỹ cho việc du học là 30.000USDx12.823SV = 384.690.000USD/năm.
Tương tự, nếu lấy những con số thống kê cơ học từ Hội đồng Anh, thì mức phí đầu tư cho một DHS du học tự túc đến Vương quốc Anh sẽ bao gồm: Học phí thay đổi tùy theo từng bậc học, ngành học và chương trình học sẽ ước khoảng từ 4.000 bảng Anh (cho những khóa học trước ĐH) đến cao nhất là lấy bằng MBA là 34.000 bảng Anh. Ngoài ra, sinh hoạt phí cho mỗi người vào khoảng 800 bảng Anh (ở TP London) và 600 bảng Anh đối với những TP khác. Hoặc theo cách tính cụ thể của những phụ huynh đã cho con đi du học thì trung bình mỗi năm họ chi khoảng 21.000 bảng Anh cho một suất ăn học tại Anh.
Bằng những chi phí cụ thể này, nhân với số lượng DHS đến Vương quốc Anh đang có chiều hướng tăng trong những năm gần đây (đứng ở hàng 2 trong top các nước được DHS Việt Nam chọn lựa) thì con số ngoại tệ “chảy ngược” từ Việt Nam đến quốc gia này sẽ là một con số không nhỏ. Hay như ước đoán của GS Lê Tự Hỷ, tổng chi phí đã và đang chảy ngược dòng thông qua kênh du học thì mức “chi ra” từ VN mỗi năm phải lên đến hàng tỉ đô.
Đến “chảy máu” chất xám
Cũng trong tình trạng tương tự như trào lưu du học tự túc, chúng ta chưa có một con số chính xác thống kê từ cơ quan chức năng về tình trạng DHS thành đạt (hay chí ít là hoàn tất chương trình du học) và tiếp tục lưu lại tại các quốc gia du học để sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, nếu theo một vài thống kê nhỏ lẻ và chưa đầy đủ của một vài đơn vị như tại trường chuyên Lê Hồng Phong thì số HS sau khi tốt nghiệp tại trường sẽ đi du học theo các chương trình học bổng (bán phần, toàn phần do các trường nước ngoài thực hiện) cũng như du học tự túc cũng lên đến xấp xỉ 7%.
Và theo hồi âm của những gia đình có con đi du học, hầu hết đều lưu lại nước ngoài để học lên cao học hoặc đi làm. Đó là chưa nói đến số lượng SV sau khi tốt nghiệp ĐH tại Việt Nam, tiếp tục du học bằng 2 hoặc theo học chương trình sau đại học, sau khi hoàn tất chương trình du học cũng đã ở lại. Trần Ngọc Lan Khanh – sau khi tốt nghiệp ĐH KHXH&NV tại TPHCM đã tiếp tục du học tự túc tại Singapore lấy bằng 2 về Quản trị du lịch vừa hoàn tất vào giữa năm 2011, hiện đang có kế hoạch lưu trú tại Sing để làm việc. Khanh cho biết: “Gần như 100% số DHS du học tại 3 trường công lập uy tín, nằm trong top 3 của Sing, vào thời điểm cách nay 3 năm trở về trước, sau khi có bằng tốt nghiệp đều nhận được giấy mời từ phía Chính phủ Sing kêu gọi ở lại làm việc. Và cũng hầu như tất cả các bạn được chính phủ Sing mời gọi đều quyết định ở lại.
Hiện nay, do chính sách bảo hộ lao động đối với người dân bản xứ, tỷ lệ DHS của Việt Nam ở lại Sing có giảm nhưng vẫn vào khoảng 90%. Còn đối với các trường tư, cơ hội làm việc ở Sing sẽ khó hơn nhưng cũng có thể tính đến con số hơn 90% các bạn sau khi tốt nghiệp đều tìm cơ hội để lưu lại Sing làm việc, sinh sống. Có khá nhiều lý do khiến các bạn cũng như em chọn lựa ở lại Sing, đó là những thuận lợi về môi trường sống… Song hai điểm quyết định là chế độ lương bổng cao hơn so với việc trở về nước và cơ hội việc làm đúng ngành đào tạo tại những tập đoàn lớn, ở những nơi có thể tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nâng cao tay nghề… Đó là những yếu tố tác động không nhỏ đến quyết định lưu lại của hầu hết DHS”.
Nhưng… vấn đề là hiệu quả
Khi đề cập đến vấn đề nên hay không nên cho con du học tự túc, nhìn ở góc độ “phản biện”, không ít phụ huynh lại cho rằng vấn đề không phải họ không sợ tốn kém mà chính là hiệu quả đầu tư. Anh Thanh Lê – một phụ huynh có hai con đang du học tại Mỹ cho rằng: “Sẽ không có một mẫu số chung nào cho câu hỏi nên hay không nên cho con đi du học mà phải tùy thuộc vào tố chất của đứa trẻ. Nếu không được chuẩn bị kỹ để hòa nhập vào một môi trường mới ở nước ngoài, trẻ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “shock văn hóa” theo chiều hướng xấu vì không có phụ huynh kề bên để chỉ bảo. Và nếu đã quyết định cho con đi du học, việc chuẩn bị có nguồn tiền ổn định để cho con đi du học là điều quan trọng.
Song, hiện nay đây không phải là vấn đề mà nhiều phụ huynh lo lắng mà hiệu quả của việc cho con du học thế nào mới là vấn đề đáng bàn”. Anh Lê lý giải thêm: Nếu chuẩn bị tốt về kỹ năng sống, vốn ngoại ngữ và kiến thức cơ bản, khi cho con đi du học bạn có thể tin rằng bạn đầu tư đúng. Bởi với phương pháp giáo dục ở những nước tiên tiến (Mỹ, Anh…) thì khi con bạn tốt nghiệp một trường đại học, có trong tay một tấm bằng về kiến thức, chuyên môn cũng là lúc con bạn có trong tay những “tấm bằng” khác như bằng về vốn sống, bằng về văn hóa quốc tế, bằng về ngoại ngữ… những “tấm bằng” này con bạn sẽ không thể có được nếu chỉ học trong nước.
Ngoài ra, nếu con bạn tiếp tục ở lại quốc gia đã chọn đến du học để làm việc, sinh sống thì cũng chưa chắc là chảy máu chất xám. Bởi, hiện nay chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng” nên việc sinh sống cụ thể ở đâu không quan trọng bằng việc người đó làm được gì. Nếu con bạn sống ở nước ngoài, có kết quả học cao, được học bổng (là điều tốt nhất trong khi du học) hay đến khi đi làm, có những công trình nghiên cứu hiệu quả… thì sẽ vẫn đem lại niềm vui ít nhất cho gia đình và thậm chí rạng danh cho tổ quốc nếu thành công ở mức cao. Còn ngoại tệ đã bị “chảy” trong thời gian bạn đầu tư cho con đi du học, khi con bạn đã tốt nghiệp đại học, ở lại nước ngoài, đi làm và gửi tiền về cho cha mẹ trong nước thì đó chính là lúc “ngoại tệ bị chảy” đã được “quay” trở về – Anh Thanh Lê kết luận.
Cải thiện môi trường đầu tư là điểm mấu chốt để thu hút nguồn lực (Cao Văn Khánh, Phụ trách kinh doanh mảng khách hàng tài chính, Cty Oracle – Mỹ, tại VN). Trên thực tế, môi trường làm việc chuyên nghiệp và mức lương cao tại nước ngòai sẽ dễ khiến cho các DHS – những người đã có thời gian sống và thích nghi trong một số năm nhất định – muốn ở lại làm việc. Thế nhưng cơ hội để phát triển trong nước rõ ràng là không hề nhỏ, vậy câu chuyện ở đây là chính sách cần hợp lý, thông thoáng giúp môi trường đầu tư cải thiện, có như vậy những nhân sự được đào tạo cơ bản mới có “đất dụng võ”; sự có mặt của các Cty nước ngòai lớn cũng sẽ không chỉ làm lợi cho các cá nhân làm việc cho các Cty đó, mà còn là minh chứng cho việc thế giới ghi nhận đầu tư vào môi trường kinh tế ở VN là tiềm năng và hiệu quả.
Thông tin minh bạch là trách nhiệm của truyền thông (Nguyễn Phương Mai, thạc sĩ nghiên cứu Vai trò truyền thông trong đời sống xã hội, sống và làm việc tại Hà Lan). Dịch vụ chất lượng cao thì chắc chắn giá phải cao hơn dịch vụ chất lượng thấp nhưng dịch vụ giá cao chưa chắc đã là dịch vụ chất lượng cao, vì vậy chúng ta phải rất quan tâm: thực sự tiền bỏ ra có xứng đáng với dịch vụ nhận được không? Ở nước ngoài có rất nhiều cơ sở giáo dục không chất lượng (chứ không phải kém chất lượng), họ hầu như chỉ mua tư cách pháp nhân để kinh doanh, còn giáo viên, cơ sở đều đầu tư kém hoặc đi thuê tạm bợ. Phụ huynh chọn trường nào, vì sao – cần rất nhiều sự hỗ trợ tìm hiểu thông tin và tuyên truyền từ phía các cơ quan truyền thông theo dõi mảng giáo dục.
Bình luận (0)