Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không để họ đánh rớt tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi mùa tuyển sinh đại học, ngay sau khi có danh sách trúng tuyển, tức thì chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” nhận được những lá thư từ khắp các miền đất nước của các thí sinh đang đứng trước ngưỡng cửa trường đại học.
Sinh viên Tây nguyên nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2010 – Ảnh: Thuận Thắng
Hầu hết những lá thư như thể báo tin vui. Nhưng tiếp theo những dòng vui ngắn ngủi bao giờ cũng chất chứa những tâm tư trĩu nặng lo âu…
Những lá thư nhiều số phận
Mới đây chúng tôi nhận được những lá thư như vậy. Từ Quảng Nam, bạn Nguyễn Tấn Phong viết: “Em đã đậu thủ khoa Trường đại học Y dược TP.HCM đồng thời đậu vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn em khó có thể vào giảng đường đại học. Từ khi anh của em là Nguyễn Trần Vũ đậu đại học, mẹ em đã phải bán cái nhà rồi về ở với ngoại”.
Ngày mai 24-8: trao đợt học bổng đầu tiên
Học bổng “Tiếp sức đến trường” 2011 sẽ trao cho 1.320 tân sinh viên 49 tỉnh thành trong cả nước, khởi trao đợt đầu tiên vào ngày mai 24-8 tại Quảng Trị cho 100 tân sinh viên, mỗi suất 5.000.000 đồng.

 Em Hoàng Thị Liên ở xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu, Nghệ An viết: “Đợt thi đại học này em đã đỗ vào hai trường là đại học Thương mại và Y tế cộng đồng. Vào đại học là mơ ước lớn của em, nhưng khi biết kết quả thì cả nhà đều lo lắng. Bà ngoại em nói: Mi đỗ được hai trường bà mừng lắm, nhưng mẹ mi lấy tiền mô cho con đi học. Rồi mẹ khóc, em không biết làm thế nào…”.

Từ Yên Bái xa xôi, cô học trò Phạm Thị Minh Giảng (xã Nam Cường, TP Yên Bái) cũng viết gửi về: “Em đã trúng tuyển vào hai trường: Đại học Luật Hà Nội và Học viện Y dược học cổ truyển VN, nhưng hoàn cảnh gia đình khốn khó quá nên việc đi học của em gần như không thể”…
Có lẽ chính những dòng thư như thế, những hình ảnh như thế đã thôi thúc nhiều bạn đọc, nhiều mạnh thường quân, nhiều doanh nghiệp có lòng với xã hội, với lớp trẻ học giỏi, có ý chí đã cùng Tuổi Trẻ đưa học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên (thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của Tuổi Trẻ) ngày một lớn: Mở đầu học bổng, năm 2003, chỉ trao 27 suất, giờ đây năm 2011 số lượng học bổng đã tăng lên tới 1.320 suất.
Mong nhiều hơn nữa những tấm lòng
Chương trình “Vì ngày mai phát triển” có rất nhiều loại học bổng, giải thưởng và học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên mới “chen chân” vào năm 2003 nhưng đã trở thành học bổng lớn nhất, quan trọng nhất của chương trình. Quan trọng bởi vì trước nhất là đối tượng của nó: tân sinh viên.
Học sinh phổ thông dù nghèo khó vẫn có thể cùng gia đình ăn khoai ăn củ, có thể đi bộ đến trường để học, nhưng khi bước vào trường đại học là các bạn, từ một làng quê bước về một đô thị lớn, ầm ào, xa lạ với hàng trăm thứ lo toan: chỗ ăn, chỗ ở, đi lại, sách vở, tài liệu, học phí…, không có đồng tiền thì biết bấu vào đâu! Cũng vì vậy, cũng vì không biết bấu vào đâu, mà bao nhiêu bạn trẻ hiếu học, khát khao tri thức, học giỏi, bao nhiêu người cha, người mẹ một đời lam lũ vì con cũng đành gạt nước mắt nhìn viễn cảnh đẹp tươi trôi qua mắt mình.
Thấu cảm được điều đó, ông Lê Quốc Phong – tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, một trong những người đồng hành từ đầu của học bổng – xúc động nói: “Có khi chỉ vì không có mấy triệu đồng mà các em phải dập tắt một hướng tương lai…”.
“Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên quả là một học bổng lớn của Tuổi Trẻ. Lớn, nhưng thật ra so với thực tế, với lượng thư của các bạn từ khắp nước gửi về sau mùa tuyển sinh, lại quá nhỏ. Mỗi năm, trên bàn của ban xét duyệt học bổng bao giờ số lượng thư cũng gấp nhiều lần số học bổng có thể. Và vì vậy ban tổ chức chương trình năm nào cũng rơi vào tình trạng hết sức khó khăn là phải đọc đi đọc lại, cân nhắc tới lui, với bao nỗi băn khoăn, buồn tiếc, để chọn xếp lại hồ sơ của rất nhiều bạn mà lẽ ra không thể làm như thế (sau mỗi hồ sơ xếp lại là một câu hỏi nặng nề, ám ảnh: rồi các bạn sẽ xoay xở ra sao?)…
Trước tình cảnh đó, ban tổ chức cũng đã ráng “chạy” để có thêm một vài học bổng, nên ở vùng miền này số lượng là 150 học bổng mới có thêm học bổng thứ 151, 152, vùng kia có thêm học bổng thứ 201, 202, 203… Vài ba suất học bổng chạy thêm quý lắm, nhưng không thể gỡ bỏ được nỗi băn khoăn, buồn tiếc, gỡ bỏ được một câu hỏi nặng nề…
Và vì vậy “Tiếp sức đến trường” rất cần sự tiếp sức nhiều hơn nữa của nhiều tấm lòng, nhiều bàn tay, nhiều người bạn đồng hành.
Theo HÀNG CHỨC NGUYÊN
(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)