Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dư âm một mùa thi: Vẫn còn nhiều điều để nói

Tạp Chí Giáo Dục

Một kỳ thi lớn đã khép lại, để lại phía sau những ngày tháng tập trung cao độ, những nỗ lực của thí sinh và gia đình cũng như nguồn lực của các trường đã đầu tư cho mùa thi năm nay. Tuy nhiên, những kinh nghiệm rút ra từ kỳ thi vừa qua cho thấy, vẫn còn nhiều điều để nói về công tác tuyển sinh ngay cả khi mùa thi đã kết thúc.
Những điểm mới thiết thực
Mùa thi năm nay ghi nhận một số điểm mới trong Quy chế tuyển sinh, tuy không lớn, song khá thiết thực và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS).

Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 vẫn còn nhiều điểm cần rút kinh nghiệm. Ảnh: Viết Thành
Trước hết, quy định mới cho phép hiệu trưởng các trường được quyền xét tuyển thẳng với đối tượng là người khuyết tật không có khả năng tự phục vụ đã đem lại niềm vui cho nhiều TS kém may mắn. Kết thúc 2 đợt thi đầu, các trường ĐH trong cả nước đã xét tuyển được 30 TS ở diện này. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cho rằng, chủ trương này cần được phổ biến hơn nữa vì thông tin chưa tới được đông đảo người có nhu cầu. Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, ông Đặng Đình Cung, cho biết: Nhà trường rất mong muốn tạo điều kiện cho các TS thiệt thòi được học tập, song mùa thi năm nay chưa có TS khuyết tật nào đăng ký dự thi hay xét tuyển vào trường. Trong khi đó, các chuyên ngành ngoại ngữ vốn được coi là phù hợp với điều kiện học tập của người khuyết tật.
Theo ông Vũ Văn Hoán, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, việc không phải nộp hồ sơ trúng tuyển cũng là một điểm mới thiết thực của kỳ thi năm nay, giúp giảm bớt phiền phức cũng như chi phí cho TS và xã hội. Với những TS trúng tuyển, nhà trường sẽ tự rút hồ sơ của các em ra làm hồ sơ lưu.
Cùng với việc cho phép rút hồ sơ đăng ký xét tuyển, quy định thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển dài hơn 5 ngày so với mọi năm giúp TS có điều kiện lựa chọn, nộp hồ sơ vào trường mong muốn, phù hợp với số điểm có được.
Vi phạm quy chế: 10 năm nữa vẫn thế
Số lượng và các hình thức vi phạm của TS vẫn là điều được nhiều người chú ý và so sánh. Trong cả 2 đợt thi, số TS vi phạm quy chế là 326, trong đó số bị đình chỉ thi là 240. Chỉ riêng trong đợt thi thứ hai đã có 56 vi phạm lỗi mang điện thoại vào phòng thi, bị phát hiện dẫn tới bị đình chỉ thi. Vi phạm này trong những năm gần đây ngày càng trở nên phổ biến, khiến Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý các trường phải đề phòng với hình thức gian lận bằng công nghệ cao để đưa đề từ trong phòng thi ra ngoài và đưa lời giải vào trong phòng thi. Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương: Đã gọi là sử dụng công nghệ cao thì rất khó kiểm soát vì công nghệ luôn luôn thay đổi. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là tinh thần làm việc của giám thị để tập trung phát hiện ra các bất thường từ phía TS.
Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Vũ Văn Hoán: Với tính chất cạnh tranh của một kỳ thi lớn như vậy, khó hy vọng các vi phạm như mang tài liệu, mang điện thoại vào phòng thi sẽ giảm đi. Tới 10 năm nữa, thực trạng này vẫn là khó tránh khỏi nếu việc thi ĐH vẫn còn mang tính chất "sống còn" với TS và gia đình của họ.
Các trường tự quyết sĩ số phòng thi?
Tình trạng hồ sơ "ảo", như mọi năm, vẫn là chuyện không tránh khỏi và khiến chi phí "thực" của các trường đội lên rất nhiều. Năm nay, Trường ĐH Công đoàn có tỉ lệ dự thi hơn 65%, nhiều phòng thi có tới một nửa chỗ ngồi bỏ trống. Ông Vũ Quang Thọ, Hiệu phó nhà trường bày tỏ: Nên chăng Bộ hãy bỏ quy định "cứng" về số TS trong mỗi phòng thi, thay vào đó hãy để các trường dựa trên kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm và tình hình thực tế để quyết định nên sắp xếp bao nhiêu TS ở mỗi phòng, miễn sao bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho TS cũng như tính nghiêm túc của trường thi.
Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh của Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho biết, số liệu cân đối thu – chi của công tác tuyển sinh luôn âm. Kỳ thi năm ngoái trường đã bù lỗ 500 triệu đồng. Năm nay ông ước tính bù lỗ khoảng 700-800 triệu đồng. Bên cạnh số TS "ảo" chiếm gần 27%, năm nay, trường còn có 2.000 hồ sơ thi nhờ trong tổng số 18.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh khẳng định: Các trường vẫn phải hỗ trợ lẫn nhau bằng cách cho TS thi nhờ. Trường cũng có một số TS thi nhờ ở các cụm thi Vinh, Quy Nhơn.
Liên quan tới bố trí lịch thi, có trường nêu ý kiến với Ban chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT: Việc làm thủ tục dự thi chỉ cần tiến hành trong một buổi sáng, sau đó TS nghỉ cả buổi chiều. Vậy tại sao không tổ chức thi môn đầu tiên vào buổi chiều. Như vậy thời gian thi mỗi đợt có thể rút ngắn lại hẳn một ngày? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích: Việc để trống một buổi chiều là để có một buổi dự trữ nhằm điều chỉnh sai sót của cả TS lẫn các trường, ví dụ như cần phải bổ sung hồ sơ, giấy tờ, khắc phục nhầm lẫn số báo danh, các sự cố…
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc bố trí lịch thi cũng có những bất hợp lý với TS. Chẳng hạn ngày đầu tiên của đợt 2 đối với khối D, hai môn thi sáng và chiều đều theo hình thức tự luận với 3 tiếng/buổi thi. Điều này khiến TS và người nhà đều căng thẳng, mệt mỏi, các hội đồng thi kết thúc công việc rất muộn trong khi ngày hôm sau, môn thi trắc nghiệm chỉ diễn ra tới 9 giờ. Đây có thể là một điểm nên điều chỉnh để góp phần giảm bớt gánh nặng thi cử cho TS vào mùa thi tới, trong khi chờ một sự đổi mới toàn diện từ năm 2015 như Bộ GD-ĐT đã khẳng định khi kết thúc 2 đợt thi ĐH vừa qua?
Theo Quỳnh Phạm
(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)