Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều cao đẳng vất vả tuyển sinh ngành năng khiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Số thí sinh đăng ký dự thi chỉ xấp xỉ chỉ tiêu, trong quá trình thi lại rơi rụng dần khiến các trường cao đẳng ngành năng khiếu rất khó tuyển sinh. Một số trường phải lặn lội đến vùng sâu tiếp thị và làm công tác sơ tuyển trước.
Nhiều năm trầy trật với việc tuyển sinh các khối năng khiếu, Hiệu phó Cao đẳng Sư phạm Hà Nội Vũ Ngọc Phương cho biết, năm nay tình trạng cũng không khả quan hơn. Số lượng thí sinh đăng ký ngành Họa, Nhạc gần 200, nhưng thực tế đến thi chưa đầy một nửa.
"Ngành Họa có 50 em, Nhạc 37 em đến dự thi trong khi chỉ tiêu mỗi ngành là 35. Chiều hôm qua lại một thí sinh bỏ thi Nhạc. Chúng tôi không biết tuyển sinh thế nào cho đủ đây", thầy Phương buồn rầu nói và giải thích, thí sinh dự thi bao gồm nhiều thành phần, em nào giỏi thì đã thi đại học trước đó, thi cao đẳng để dự phòng, còn một số em lại không biết gì về năng khiếu. Nguồn tuyển vì thế trở nên hạn hẹp.
Năm 2010, chỉ tiêu Âm nhạc của Cao đẳng Sư phạm Hà Nội là 40, nhưng sau mùa tuyển sinh chỉ được 24 sinh viên.
 

Thí sinh thể hiện bài thi năng khiếu hát, kể chuyện tại cao đẳng sư phạm Trung ương. Ảnh: Hoàng Hà.

Cũng vất vả tìm nguồn sinh viên chất lượng, Cao đằng nghệ thuật Hà Nội năm nay có bước đi mới hơn. Trước mùa tuyển sinh, trường đã tổ chức các đoàn đến tận vùng xa ngoại thành, giới thiệu về trường và tổ chức sơ tuyển. Có hơn 1.000 hồ sơ đăng ký dự thi và chỉ tiêu của trường là 700.
Hiệu trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, tất cả trường cao đẳng đều gặp khó khăn bởi phải đi sau đại học, cùng một lúc lại nhiều trường tuyển sinh. "Chúng tôi đã phối hợp với các nhà văn hóa ở địa phương tổ chức sơ tuyển, chọn những em biết đàn, biết vẽ, biết đóng kịch… Nhờ thế mà chất lượng đầu vào tại các hội đồng qua đánh giá sơ bộ là khá tốt", bà Bình cho hay.
Tại hội đồng thi của Cao đẳng Sư phạm Trung ương, tình hình có khá hơn. Số thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành khá nhiều. Bà Trần Thị Nga, Hiệu phó nhà trường cho biết, để tuyển sinh các khối năng khiếu, trường đã chuẩn bị rất chu đáo về đề thi, dụng cụ phòng thi. Đối với ngành Âm nhạc, thí sinh dự thi hai môn năng khiếu là thẩm âm tiết tấu và thanh nhạc. Từng thí sinh sẽ thể hiện năng khiếu, giám thị chấm điểm trực tiếp.
Dịu dàng trong tà áo dài trắng chờ đến lượt thi, Trần Thị Hiên (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: "Em không thi đại học, chỉ thi cao đẳng vì thích sau này làm cô giáo mầm non". Còn em Thu Hà (Ninh Bình) thì ngay khi vừa ra Hà Nội dự thi đã nhờ người thân đưa đi thuê váy áo người Mông để thể hiện bài hát "Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác".
Có thâm niên 10 năm tuyển sinh, cô Phùng Hồng Giang, giảng viên khoa Âm nhạc cho biết, có nhiều thí sinh hát tự tin, có chất giọng nhưng cũng không ít em không hát được, cô phải hát mẫu để các em bắt chước. "Những em được điểm cao là có chất giọng vang, sáng, hát chuẩn, cảm xúc. Đôi khi chúng tôi cũng yêu cầu các em hát nhiều thể loại để kiểm tra chất giọng được chuẩn hơn, có khả năng đào tạo hay không", cô Giang nói.
Theo tổng kết của Bộ GD&ĐT, sau 3 buổi thi, cả nước có 50 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 8, cảnh cáo 4 và đình chỉ 38 em. So với năm 2010, số lượng này giảm 5 em. Trong cả đợt thi, không có cán bộ tham gia công tác tuyển sinh nào bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy chế.
Theo Hoàng Thùy
(vnexpress)

Bình luận (0)