Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Dè dặt mở rộng khối thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ GDĐT vừa đưa ra một số cải tiến mới trong mùa tuyển sinh 2012, trong đó có việc bổ sung thêm khối thi và giao quyền tự chủ tuyển sinh thí điểm. Tuy nhiên, nhiều trường tỏ ra khá dè dặt với những thay đổi này.

Thêm cơ hội trúng tuyển
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga: “Ngoài việc vẫn duy trì các khối thi truyền thống, Bộ dự kiến mở rộng thêm khối thi khác bằng cách tổ hợp môn thi của các khối khác nhau để thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển và các trường có điều kiện chọn thí sinh vào các ngành nghề phù hợp”.
Thay đổi tuyển sinh gây bối rối cho cả nhà trường và học sinh.
Theo đó, những thí sinh thi khối A, B đợt 1 nếu thi thêm khối C, D ở đợt 2 sẽ có thêm cơ hội xét tuyển vào một trường khác có tuyển sinh khối thi mới như: Toán, lý, văn hoặc toán, lý, ngoại ngữ, chỉ cần tích hợp điểm của các môn cần thiết mà không phải thi tiếp. Còn đối với thí sinh chỉ thi khối A, B đợt 1 muốn có nguyện vọng thi vào ngành có khối thi bổ sung mà không thi khối C, D thì chỉ cần chọn môn thi cần thiết ở trường tổ chức thi để lấy điểm tích hợp.
Tuy nhiên, quy định có vẻ “thoáng” này đã khiến nhiều giáo viên và học sinh không khỏi băn khoăn. Em Nguyễn Văn Thắng (HS lớp 12 Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương) thắc mắc: “Hầu hết các bạn đều đã chọn khối và ôn thi từ lớp 11, bây giờ luyện thêm 1 môn mới chắc sẽ rất cập rập, hơn nữa nếu thi có 1 môn thì hồ sơ nộp thế nào?”.
Thầy Nguyễn Văn Cường – giáo viên một trường THPT ở thành phố Thái Bình cho rằng: “Việc thêm khối thi sẽ tăng cơ hội cho các em, nhưng Bộ GDĐT nên đưa ra phương án và hướng dẫn sớm hơn, nếu không các em sẽ thi cho có chứ không thi hết mình”.
Mặc dù được coi là phương án giúp các trường chủ động trong việc chọn sinh viên phù hợp với ngành nghề đào tạo, nhưng không ít trường tỏ ra dè dặt, lo ngại sự xáo trộn. Lo ngại đầu tiên là khó tổ chức xét tuyển từng môn thi và gia tăng thí sinh ảo, đỗ ảo gây lãng phí cho các trường.
PGS – TS Lê Trọng Thắng – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ – Địa chất bày tỏ: “Theo tôi, Bộ nên thay đổi lại cấu trúc đề thi chứ không nên thay đổi khối thi”. Ông Thắng cũng cho biết mùa tuyển sinh năm 2012, Trường ĐH Mỏ – Địa chất vẫn giữ nguyên thi khối A như mọi năm.
Giải “bài toán” tự chủ
Một trong những cải tiến quan trọng khác cũng đang khiến các trường lúng túng là việc chọn thí điểm tự chủ tuyển sinh. Trong khi các trường ngoài công lập háo hức đòi tự chủ thì một số trường dự kiến thí điểm lại tỏ ra e ngại.
ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong các trường dự kiến sẽ thí điểm tự chủ tuyển sinh vào năm 2012. Đến tháng 3. 2012, trường phải công bố phương thức tuyển sinh, tuy nhiên hiện lãnh đạo trường vẫn còn nhiều băn khoăn.
Ông Nguyễn Viết Thịnh – Hiệu trưởng trường phân tích: Có rất nhiều câu hỏi mang tính kỹ thuật” được đặt ra nếu tự chủ tuyển sinh. Thứ nhất, về thời gian thi, nếu đã tự chủ thì có nhất thiết phải thi cùng một đợt không? Nếu vẫn chung đợt thì bài toán về giao thông không thể giải được.
"Việc cải tiến tuyển sinh sẽ không làm xáo trộn bất cứ lựa chọn nào trước đó mà chỉ tăng thêm cơ hội cho thí sinh và tạo điều kiện tối ưu cho các trường."

Ông Bùi Văn Ga
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn muốn có một đợt thi riêng không trùng với đợt thi của các trường khác để các em có nhiều cơ hội và được quyền lựa chọn. Thứ 2 là bài toán về thí sinh ảo. Chắc chắn lượng ảo giữa thi chung và thi riêng sẽ là ngang nhau, bài toán về thí sinh ảo, hồ sơ ảo sẽ không được giải quyết. Thứ 3 là hình thức thi và môn thi, hiện nay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội rất muốn chọn được những giáo viên đạt chuẩn về cả ngoại hình và phát âm. Nếu được bổ sung khối thi thì trường sẽ nghĩ đến việc đưa sơ tuyển vào làm bước đầu tiên.
Trong khi đó các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cho biết vẫn sẽ thi 3 chung mà chưa cần dùng đến “quyền tự chủ” trong tuyển sinh của mình.
Ông Hoàng Văn Châu – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng: “Trước mắt trường vẫn tiến hành phương án thi 3 chung, vì 3 chung vẫn còn nhiều lợi thế về tổ chức thi, đề thi, coi thi, chấm thi. Việc tự chủ nếu Bộ giao, trường sẽ lên phương án thực hiện, tuy nhiên cũng phải 5 – 7 năm nữa mới có thể tiến hành”.
Theo Nguyễn Thiêm

(Dân Việt)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)