Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn vài ngày nữa kỳ thi tuyển sinh năm 2011 sẽ diễn ra. Nhìn lại việc tổ chức thi, tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để đánh giá đúng chất lượng của nền giáo dục nước nhà, khởi đầu cho việc lựa chọn nhân tài và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
Thí sinh nộp hồ sơ tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh.   ( Ảnh: Nguyên Mi )
Cần khắc phục nghịch lý thiếu – thừa
Những năm gần đây, công tác thi, tuyển sinh dù có sự quan tâm của toàn xã hội nhưng vẫn có không ít những hạn chế. Nhiều trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năng lực đào tạo hạn chế nhưng vẫn xé rào vi phạm quy chế trong  tuyển sinh như: Xác định điểm trúng tuyển không hợp lý, số lượng thí sinh nhập học thực tế vượt quá nhiều so với chỉ tiêu đã được quy định, vượt quá năng lực đào tạo của nhà trường, ảnh hưởng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Ðiển hình như Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm 2010 có tổng chỉ tiêu cả hệ đại học và cao đẳng là 3.700 nhưng đã tuyển 4.898 sinh viên, vượt 32,4%; Trường ÐH Thăng Long tuyển vượt 23,6%; Trường CÐ Kinh tế – Công nghiệp Hà Nội vượt 49%; Trường CÐ Viễn Ðông vượt 36,6%,… Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, cao đẳng dù năng lực còn hạn chế cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất nhưng vẫn vô tư tuyển sinh các ngành, trình độ đào tạo; tuyển sinh không đúng khối thi đã đăng ký; nhân hệ số các môn thi trước khi tính điểm sàn; tự ý vận dụng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, như Trường ÐH Kiến trúc Ðà Nẵng, Trường ÐH Duy Tân…
Trong khi nhiều trường ÐH, CÐ tự ý tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì ở một nhóm khác lại xảy ra nghịch lý dù chỉ tiêu cao nhưng không tuyển đủ, thậm chí số sinh viên tuyển được còn một khoảng cách quá xa so với chỉ tiêu. Tập trung chủ yếu vào các trường ngoài công lập như: Trường ÐH Thành Ðông năm 2010 chỉ tuyển sinh được 11/200 chỉ tiêu, Trường ÐH Chu Văn An tuyển được 393/1.400 chỉ tiêu, Trường ÐH Hà Hoa Tiên 40/400 chỉ tiêu, Trường ÐH Nguyễn Trãi tuyển 163/400 chỉ tiêu, Trường ÐH Kinh tế Công nghiệp Long An tuyển được 276/550 chỉ tiêu, Trường ÐH Phan Thiết tuyển 256/600 chỉ tiêu, Trường ÐH Thái Bình Dương 67/500 chỉ tiêu,… Ðáng chú ý, Trường ÐH Ðà Lạt, là một trong hai cơ sở đào tạo công lập lâu đời và chủ lực của khu vực Tây Nguyên, đến năm 2010, cũng chỉ tuyển được 1.799/3.000 chỉ tiêu.
 Không chỉ bất cập từ các cơ sở đào tạo, mà việc giao chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) nhiều năm qua tỏ ra không nghiêm, xuê xoa, nhất là với các trường ngoài công lập thường có đội ngũ cán bộ cơ hữu mỏng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường ngoài công lập tăng chóng mặt trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa theo kịp như trong vòng bốn năm 2006-2009 chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ÐH dân lập Quang Trung tăng từ 700 lên 3.300; Trường ÐH dân lập Hùng Vương tăng từ 1.000 lên 2.100…
Tăng quyền lợi và trách nhiệm cho các trường
Giải quyết những bất cập trong công tác tuyển sinh nhiều năm qua đòi hỏi những biện pháp nghiêm từ Bộ GD và ÐT đến các trường ÐH, CÐ theo hướng đổi mới công tác tuyển sinh phù hợp, đạt chất lượng. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, hình thức thi, tuyển sinh hiện nay về lâu dài là không tốt vì các trường cần phải tính đến chiến lược phát triển của mình. Ðể chất lượng giáo dục ÐH thật sự được nâng cao, các trường đại học cần thể hiện được trách nhiệm tự chủ của mình trên cơ sở các quy định chung và trên cơ sở năng lực đào tạo, năng lực tài chính và uy tín của trường. Cần tránh việc biến hoạt động bình thường của một ngành trở thành một việc của toàn xã hội, gây tâm lý nặng nề trong công tác thi, tuyển sinh ÐH, CÐ. Mặt khác, nếu Bộ GD và ÐT can thiệp quá sâu vào các hoạt động tuyển sinh của các cơ sở đào tạo rất dễ trở thành kiểu hoạt động công ty mẹ – công ty con trong GD và ÐT. Theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Thành Tây, việc cho phép mở ngành, mã ngành hay chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay vẫn còn theo kiểu cơ chế xin – cho, do vậy cần tăng tính tự chủ của các trường nhiều hơn.
Việc thực hiện quy chế thi, tuyển sinh cần được triển khai thật sự nghiêm túc từ Bộ GD và ÐT đến các cơ sở đào tạo. Bộ GD và ÐT cần xử lý kiên quyết, dứt điểm hiện tượng một số trường ÐH, CÐ vì mục tiêu lợi ích và thành tích mà tự ý xé rào tuyển sinh những thí sinh có kết quả thi quá thấp so với điểm sàn. Kỳ thi, tuyển sinh năm 2011, Bộ GD và ÐT đưa vào quy chế tuyển sinh việc xử lý cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những cá nhân liên quan vi phạm một trong các lỗi: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường; thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định; hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số. Thắt chặt điều kiện mở ngành đào tạo theo hướng nâng cao các yếu tố bảo đảm chất lượng như đội ngũ, cơ sở vật chất… Ngoài ra, sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác cũng sẽ được các trường tạo điều kiện thuận lợi. Việc linh hoạt đó, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho những thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên, từng bước giảm gánh nặng tâm lý thi cử, hạn chế thấp nhất những tốn kém không đáng có và thực hiện kỳ thi, tuyển sinh nghiêm túc, an toàn, góp phần tạo tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Năm 2011 tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng là 1.964.598; trong đó:
– Tính theo bậc học gồm: Ðại học 1.471.808 hồ sơ (chiếm 74,9%); Cao đẳng 492.790 hồ sơ (chiếm 25,1%).
– Tính theo khối thi gồm: Khối A có 1.084.583 (chiếm 55,20%), khối B có 381.503 (chiếm 19,40%), khối C có 125.264 (chiếm 6,40%), khối D có   304.480 (chiếm 15,50%), khối khác có 68.768 (chiếm 3,50%).
(Bộ Giáo dục và Ðào tạo)
Theo Xuân Kỳ
(NDĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)