Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Học bổng “khủng” không dễ nhận

Tạp Chí Giáo Dục

Những suất học bổng toàn phần hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn USD được các trường công bố trong thông báo tuyển sinh thật ra không phải sinh viên nào cũng đủ khả năng để nhận được “toàn phần” cho bốn năm học.
Thông tin tuyển sinh vào Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn với những thông tin học bổng thuộc loại “khủng” – Ảnh: Trần Huỳnh
Năm học 2011-2012, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) lần đầu tiên tuyển sinh đã công bố sẽ dành 500 suất học bổng toàn phần trao tặng cho tất cả sinh viên ĐH khóa học năm thứ nhất. Học bổng này sẽ tài trợ hoàn toàn chi phí ký túc xá, ăn uống và chăm sóc sức khỏe, laptop cho tất cả sinh viên kể từ năm học thứ nhất tại trường này.
Hàng loạt điều kiện
Tuy nhiên, điều kiện để nhận học bổng cho các năm kế tiếp không dễ “ăn” chút nào. Sau năm học thứ nhất, nhà trường xem xét và điều chỉnh mức học bổng dựa trên thành tích học tập của sinh viên, theo điểm trung bình học tập dựa trên hệ thống thang điểm 4 của Hoa Kỳ. Theo đó, chỉ có sinh viên đạt điểm từ 3,5 trở lên mới được cấp tiếp học bổng 100%, đạt dưới 2,5 sẽ không được cấp học bổng và phải đóng học phí 3.000 USD/năm.
Còn những sinh viên đạt điểm từ 3 đến dưới 3,5 sẽ được nhận học bổng 75% và phải đóng học phí 750 USD/năm; từ 2,5 đến dưới 3 điểm sẽ được cấp tiếp học bổng 50%, đóng học phí 1.500 USD/năm. Đại diện nhà trường cho biết: “Chi phí cho việc giảng dạy một sinh viên trong một năm học tại trường ước tính 19.000-27.000 USD. Tuy nhiên, được quỹ học bổng Vì tương lai của Tập đoàn Tân Tạo hỗ trợ nên học phí chỉ tính 3.000 USD mỗi năm cho những sinh viên không đạt học bổng toàn phần của các năm sau”.
Tương tự, năm nay Trường ĐH Quốc tế miền Đông (EIU) cũng tuyển sinh lần đầu và kêu gọi “Hãy là tân sinh viên K1 của EIU, để nhận học bổng từ Quỹ học bổng quốc tế Becamex IDC”. Trong quỹ học bổng này (20 tỉ đồng), nhà trường cho biết dành 6 tỉ đồng để phát trực tiếp cho thí sinh tại lễ khai giảng, mức cao nhất là 30 triệu đồng/năm. Còn lại 14 tỉ đồng dành cho tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường, để tham gia học chương trình đào tạo Anh ngữ quốc tế IELTS. Trong khi học phí của trường ở nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ 20 triệu đồng/năm và điều dưỡng 15 triệu đồng/năm.
Mức học bổng tuyển sinh (học bổng toàn phần và các học bổng một lần) của Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM công bố thoạt nhìn sẽ hấp dẫn thí sinh. Nhưng để được nhận học bổng này thí sinh phải thỏa hàng loạt điều kiện trường đưa ra không hề đơn giản.
Mỗi thí sinh chỉ có thể nhận duy nhất một học bổng trong số các loại học bổng của trường, được học bổng toàn phần (bao gồm học phí tiếng Anh) nếu thí sinh đạt cả ba điều kiện: có đăng ký nguyện vọng 1 vào trường, đạt điểm thi ĐH năm 2011 từ 21 điểm trở lên và mỗi năm học tại trường đạt điểm trung bình các môn trên 7 điểm. Đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3 nếu đủ các điều kiện tương tự cũng được học bổng toàn phần (không bao gồm học phí tiếng Anh).
Tuy nhiên, sau năm học đầu tiên sinh viên chỉ được nhà trường xét cấp học bổng “khuyến khích học tập” với số lượng khá khiêm tốn và điều kiện cũng khá “chua” là phải có điểm trung bình đạt trên 8: 100% học phí dành cho một sinh viên có kết quả đứng đầu khóa, 50% học phí dành cho hai sinh viên có kết quả cao tiếp theo và năm sinh viên có kết quả học tập kế tiếp được 20% học phí chính khóa. Trong khi học phí của trường này bình quân 6,9 triệu đồng/tháng chương trình học chính khóa và sinh viên còn phải đóng học phí tiếng Anh khoảng 2.800 USD/ 4 năm.
Cực khó
Đằng sau những thông tin chính sách học bổng năm học 2011-2012 đến hơn 444 triệu đồng/suất của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn còn kèm theo hàng loạt điều kiện cực khó. Để được xét học bổng toàn phần năm nhất, thí sinh cần đạt điểm trung bình ba năm học THPT từ 9,5 trở lên, điểm thi ĐH ít nhất là 26 (không cộng điểm ưu tiên) và có chứng chỉ TOEFL 500 PBT (61 iBT) của ETS – Hoa Kỳ không quá hai năm (đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh).
Để hưởng học bổng toàn phần các năm tiếp theo 2, 3 và 4, sinh viên phải đạt điểm trung bình chung các môn mỗi năm từ 9,5 trở lên và không có bất cứ môn nào thi lại. Trong khi học phí của trường từ 2.000-3.000 USD/năm (dạy bằng tiếng Việt) và 5.200 – 5.700 USD/năm (dạy bằng tiếng Anh).
Bà Nguyễn Thùy Trang – phó phòng marketing Trường ĐH Quốc tế miền Đông – cho biết: “Học bổng toàn phần sẽ được trao cho thủ khoa của trường đạt 27,5 điểm. Nếu năm 2 sinh viên duy trì được học lực là 3,5 điểm (theo thang điểm 4) thì mới được trao học bổng tiếp theo”. Còn cán bộ trung tâm marketing Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM giải thích: “học bổng toàn phần” dành cho thí sinh đủ điều kiện năm đầu tiên.
Những năm tiếp theo phải xét trên kết quả học tập của sinh viên. “Sinh viên phải cạnh tranh với nhau để được học bổng này chứ nhà trường không đủ khả năng để trao học bổng chính sách như Nhà nước. Thực tế hầu hết sinh viên của trường đạt điểm trung bình” – cán bộ này cho biết. Cũng theo cán bộ tuyển sinh của trường này: “Việc dành học bổng thu hút thí sinh là chuyện bình thường, các trường phải chấp nhận cạnh tranh vì chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa giáo dục. Ở đây không có gì là không lành mạnh vì chúng tôi công khai các chính sách này”.
Theo TRẦN HUỲNH – HÀ BÌNH
(TTO)

Bình luận (0)