Thay vì than thở với nỗi ám ảnh mang tên "hóa đơn tiền điện", nhiều hộ gia đình rục rịch tăng công suất mạng lưới điện mặt trời để thu về khoản tiền điện dư bán lại cho nhà nước.
Nhiều hộ gia đình đang đầu tư nâng công suất điện mặt trời để bán lại điện cho nhà nước. H.MAI
Trống chỗ nào lắp vào chỗ ấy
Quán cà phê trên tầng thượng một khách sạn tại quận 5 (TP.HCM) hôm nay thông báo nghỉ bán, với lý do sửa chữa. Bà Trần Thị Hồng Vân, chủ khách sạn cho biết năm ngoái, khi thấy hàng xóm triển khai lắp đặt điện mặt trời, bà cũng có tìm hiểu và thấy sử dụng điện mặt trời tiết kiệm điện hơn rất nhiều. Tận dụng 90 m2 mái bằng, bà Vân đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời gói 10 Kw trên điện tích 62 m2, tương đương công suất 10.260 Kw, mỗi tháng cung cấp ~1.200 kWh. Các tấm pin năng lượng này được bà Vân sáng tạo thành mái che để mở thêm quán cà phê sân thượng, vừa đa dạng dịch vụ cho khách, vừa kiếm thêm thu nhập.
Vì là hộ kinh doanh, đóng tiền điện theo 3 giá chia theo từng khung giờ thấp điểm, bình điểm và cao điểm. Trong đó, khung giờ cao điểm là từ 9 rưỡi – 11 rưỡi, mức giá điện cao nhất, cũng là thời điểm nhiều nắng nhất nên từ khi chuyển sang điện mặt trời, khách sạn này tiết giảm được hoàn toàn chi phí tiền điện giờ cao điểm.
"Vừa rồi chúng tôi có nhận được hóa đơn thanh toán từ Công ty Điện lực Sài Gòn thông báo được thanh toán hơn 2,5 triệu đồng từ hơn 1.000 kWh điện mặt trời phát lên lưới. Quá bất ngờ vì xưa nay toàn è cổ lo trả tiền điện, nay lại được tiền từ việc bán điện cho nhà nước. Trừ đi số tiền điện lưới phải đóng thêm do sử dụng ban đêm, ước tính cũng tiết kiệm được tới gần 2 triệu đồng tiền điện mỗi tháng so với trước đây" – bà Vân hào hứng kể và khoe vừa liên hệ với công ty điện mặt trời lắp đặt thêm 1 gói 3 Kw phủ thêm tại 20 m2 trên mái để thêm điện dư bán lại cho nhà nước.
Tương tự, một hộ gia đình tại quận 3 cho biết đang chuẩn bị đầu tư thêm hệ thống điện mặt trời để nâng công suất lên hơn 6.000 Kw mỗi tháng. "Nhà tôi hiện nay đã có hệ thống điện mặt trời 5 Kw, còn dư khoảng gần 10 m2 diện tích mái, tôi đã tham khảo công ty điện rồi, họ sẽ đến đo đạc rồi lắp thêm số tấm pin cho phù hợp. Giờ dùng điện mặt trời lợi quá nên trống chỗ nào tôi lắp vào chỗ ấy, tiền điện bán lại nhiều, có khi còn dư trả cho tiền điện lưới xài ban đêm" – vị này nói.
Hệ thống điện mặt trời của một hộ gia đình tại TP.HCM. MAI VỌNG
Đầu tư bán điện mặt trời
Chuyên gia năng lượng mặt trời – TS. Trần Văn Bình – thành viên Ban chấp hành Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới cho rằng việc người dân muốn tăng công suất điện mặt trời là quá tốt, đúng xu hướng phát triển năng lượng tái tạo thế giới và chương trình an ninh năng lượng toàn cầu, trong đó có Việt Nam đang ủng hộ.
Theo TS Bình, hiện mức lắp điện mặt trời thấp nhất với công suất 2,5 kWp, một ngày trời nắng khoảng 5 tiếng cho ra 12 kWh điện. Trên thực tế, hiệu suất có thể chỉ đạt 75% nếu chỉ số nắng không ổn định nhưng cũng có thể thu về ít nhất 9 kWh mỗi ngày. Thông thường, gia đình có 4 người thường lắp hệ thống năng lượng mặt trời công suất 5 kWp, cho ra khoảng 20 – 25 kWh mỗi ngày. “Với chỉ số điện sản xuất ra hơn 20 kWh mỗi ngày, 1 gia đình nhỏ không thể dùng hết nên giải pháp đầu tư bán lại cho ngành điện lực là quá khả thi và là điều cần khuyến khích người dân có điều kiện tham gia” – ông nhận định.
Hiện tại, khi bắt điện mặt trời gắn đồng hồ điện hai chiều rồi, lượng điện dư được EVN thu mua lại từ người dân giá 9,35 cent/kWh (tương đương 2.134 đồng/kWh). TP.HCM đã có 58 nóc nhà đang sản xuất điện mặt trời để sử dụng trong nhà và bán lại cho EVN. Chương trình phát triển điện mặt trời của Chính phủ theo TS Bình là phủ xanh 2 triệu nóc nhà trong 5 năm tới. Với các doanh nghiệp đang nỗ lực mang giải pháp năng lượng mặt trời đến cho người dân, hy vọng phủ xanh được 4.000-5.000 nóc nhà khu vực phía nam và Nam Trung bộ. Chuyên gia này cũng thông tin thêm, ông đang tư vấn cho hai vườm ươm hoa lan tại Tây nguyên lắp hệ thống điện mặt trời công suất 10 kWp (cho ra 40-50 kWh điện mỗi ngày).
Không chỉ các hộ gia đình, hiện nay đã xuất hiện mô hình doanh nghiệp thuê mặt bằng, đầu tư điện mặt trời rồi bán lại cho người dân với giá rẻ. Điều này nếu phát triển rộng rãi có thể xóa bỏ dần tình trạng độc quyền ngành điện hiện nay.
Ông Trần Bình Minh, đại diện Công ty cổ phần năng lượng Mặt Trời Đỏ thông tin việc nâng hệ suất đối với hệ thống điện mặt trời rất đơn giản. Chỉ cần có đủ diện tích lắp đặt, công ty sẽ tới kiểm tra và tư vấn số lượng tấm pin có thể lắp thêm. Chi phí chỉ tính theo giá tấm pin và tiền công lắp đặt. Đối với những hộ gia đình đã sử dụng bộ inverter chuyển đổi dòng điện cho gói 3 Kw, nếu lắp đặt thêm nâng công suất lên dưới 5 Kw vẫn có thể sử dụng bộ inverter này. Nếu trên 5 Kw sẽ phải chuyển bộ inverter lớn hơn.
Nguyên Nga – Hà Mai/TNO
Bình luận (0)