Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Số lượng thí sinh tăng-thêm nhiều sự lựa chọn

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi đại học, cao đẳng vào các học viện, trường quân đội năm 2011 kết thúc với số lượng thí sinh dự thi tăng so với năm trước đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực, các trường có thêm nhiều sự lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng tuyển chọn những thanh niên có phẩm chất chính trị, trình độ, sức khỏe tốt để đào tạo trở thành cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiệu quả của sự chủ động tiếp cận tư vấn
Mặc dù kỳ thi tuyển sinh năm nay, Bộ Quốc phòng quyết định tạm dừng tuyển sinh đào tạo một số trường, nhưng lượng thí sinh dự thi vào các trường quân đội vẫn tăng 22,78% so với năm 2010. Đây là kết quả phản ánh thực tế môi trường học tập, rèn luyện trong quân đội vẫn có sức hấp dẫn đông đảo thanh niên hiện nay.
Các thí sinh Học viện Phòng không – Không quân làm bài thi môn toán năm 2011.
Có được kết quả đó phải kể đến hiệu quả của công tác tuyên truyền hướng nghiệp quân sự của Ban Tuyển sinh Quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng và sự chủ động của các học viện, trường quân đội, địa phương. Đầu mùa tuyển sinh, chúng tôi đã có dịp cùng đoàn công tác do Trung tướng Phạm Xuân Hùng, Phó Tổng Tham mưu trưởng – Phó trưởng ban thứ nhất Ban TSQS Bộ Quốc phòng – dẫn đầu đến các địa bàn trọng điểm, qua công tác tuyên truyền hướng nghiệp tuyển sinh quân sự cho thấy việc tư vấn kịp thời với những nội dung tuyên truyền sinh động, sát thực đã tác động rất lớn đến tâm tư tình cảm của các “cô, cậu” học trò, giúp họ sớm định hướng, lựa chọn đăng ký thi vào các trường quân đội.  
Rút kinh nghiệm năm trước tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi giảm, năm nay, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn đã đẩy mạnh tuyên truyền để thu hút nguồn đào tạo. Trung tướng Nguyễn Văn Việt, Chính ủy Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, phấn khởi cho biết: “Nhà trường đã tổ chức tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cả trong và ngoài quân đội. Đặc biệt, nhà trường còn làm phim tài liệu cấp đến các đầu mối đăng ký tuyển sinh các địa phương, đưa thông tin về nhà trường vào mặt sau tờ giấy báo dự thi… Kết quả số thí sinh dự thi của nhà trường năm 2011 tăng 107% so với năm 2010. Trong những ngày thi, trường còn tổ chức tuyên truyền truyền thống nhà trường qua hệ thống truyền thanh nội bộ, qua lực lượng thanh niên tình nguyện “tiếp sức mùa thi”, chiếu phim, cho thí sinh và người nhà cùng xem tại nhà truyền thống".
Cùng với Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, một số học viện, trường cũng có số thí sinh đăng ký dự thi cao như: Học viện Kỹ Thuật quân sự, Đại học Nguyễn Huệ, Học viện Biên phòng… nhờ làm tốt công tác tuyên truyền hướng nghiệp. Đại tá Trần Hữu Phúc, Giám đốc Học viện Biên phòng, cho biết: “Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ngoài việc thí sinh đăng ký dự thi tăng, năm nay, còn có cả thí sinh là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia đăng ký dự thi vào học viện”. Đây là những tín hiệu vui vì số lượng, chất lượng thí sinh là yếu tố quan trọng bảo đảm chất lượng đầu vào của các trường.
Tạo ấn tượng… trong kỳ thi
Trước tình hình lạm phát, giá cả thị trường tăng cao càng tạo áp lực cho gia đình và thí sinh trong kỳ thi; nơi ăn, ở sinh hoạt luôn là mối lo thường trực của thí sinh và người thân đi cùng, các học viện, nhà trường đã chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm nơi ăn ở cho thí sinh về trường dự thi.
Khác hẳn với những năm trước, cổng Học viện Phòng không-Không quân trong những ngày thi năm nay yên tĩnh. Chỉ có hơn mười phụ huynh nhà ở gần học viện ngồi chờ đưa đón con. Hầu như các thí sinh và người nhà đi cùng ở xa được học viện đón vào ở trong khu vực quản lý với giá phù hợp: 80.000 đồng/người/ngày (tiền điện, nước, sinh hoạt và ăn ba bữa).
Thiếu tướng Trần Văn Thanh, Giám đốc học viện, chia sẻ: "Ấn tượng của thí sinh và người nhà khi đến học viện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bởi vậy chúng tôi xác định tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng để bố trí nơi ăn ở cho 100% thí sinh và người nhà đi cùng".
Đến Tiểu đoàn 5, một trong những đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm nơi ăn ở cho thí sinh của học viện, chúng tôi nhận được nhiều lời khen ngợi về công tác phục vụ. Chị Trần Thị Thảo (42 tuổi) ở phường Quang Trung, thành phố Thái Bình (Thái Bình), bày tỏ: "Nơi ăn ở, sinh hoạt khang trang, sạch đẹp; cán bộ, học viên học viện tận tình, chu đáo, phụ huynh chúng tôi rất an tâm khi gửi gắm con em mình vào học tại đây". Em Nguyễn Văn Dũng, quê Từ Sơn, Bắc Ninh tâm sự: “Những ngày đến dự thi, được ăn ở sinh hoạt trong học viện em càng thêm yêu mến, tin tưởng, quyết tâm thi đỗ để được gắn bó với mái trường này”.
Một số trường do số lượng thí sinh đông, tổ chức thi ở nhiều điểm khác nhau cũng đã làm tốt việc phối hợp với địa phương, bảo đảm nơi ăn ở cho các thí sinh. Trường Đại học Trần Quốc Tuấn đã vận động được 200 gia đình cho thí sinh ở trọ miễn phí, 300 gia đình cho thí sinh ở trọ giá rẻ 20.000 đồng/ngày. Phương tiện giao thông phục vụ thí sinh cũng được các trường quan tâm tổ chức tốt. Những việc làm đó thể hiện sự chu đáo, trách nhiệm và tạo ấn tượng tốt đối với thí sinh, người nhà khi đến trường dự thi.
Theo Duy Hồng-Xuân Dân
(QĐND Online)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)