Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chè dưỡng nhan, có phải là thánh dược?

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, giới văn phòng ‘rần rần’ về một loại món nước có tên chè dưỡng nhan, với lời giới thiệu là dùng thường xuyên sẽ đẹp da giữ dáng. Nhu cầu mua ngày càng tăng dẫn đến hiện tượng nhà nhà bán, người người mua.

Chè dưỡng nhan: thánh dược dưỡng nhan?

Gõ từ khóa “chè dưỡng nhan” lên Google, ngay lập tức, chúng ta nhận được 8.120.000 kết quả, một con số không nhỏ cho một món nước mới xuất hiện thời gian gần đây.

Chè dưỡng nhan được bán với giá từ 35.000-40.000 đồng/chai. Ảnh: Linh Anna.

Theo giới mua bán chè này, chè có nguồn gốc từ xưa ở Trung Quốc, được các phụ nữ trong cung dùng thường xuyên, để bảo trì nhan sắc.

Trên thị trường hiện nay, chè thường được nấu từ 7 loại nguyên liệu như yến tuyết, nhựa đào, hạt chia, hạt sen, long nhãn, kỷ tử, táo đỏ. Giá bán khoảng 35.000-40.000 đồng/chai nhựa hay thủy tinh nhỏ. Một số cửa hàng, để tăng giá trị dưỡng nhan, sẽ cho thêm nhụy hoa nghệ tây và tổ yến, khiến giá bán lên đến vài trăm ngàn, thậm chí là cả triệu đồng. “Chè có màu vàng, có độ sánh. Khi ăn, có vị ngọt thanh của đường, chua chua của kỷ tử và thơm thơm của lá dứa. Chè lại được ướp lạnh nên rất dễ ăn”, một người mua kể.

Có thật sự dưỡng nhan?

Nghe người bán quảng cáo, chị Cẩm Các (Q.9, TP.HCM) đã mua hẳn 1 bộ 6 chai chè dưỡng nhan để uống cả tuần, theo cách người bán nói – mỗi ngày uống một chai khoảng 350ml. Khi uống đến chai thứ 4, chị đau bụng nhẹ. Lúc đó, chị không nghĩ gì, vẫn tiếp tuc uống đến hết chai thứ 6 thì bị tiêu chảy nặng. Đi khám, bác sĩ cho biết, chị bị rối loại tiêu hóa. Truy tìm nguyên nhân, chị phát hiện vấn đề có thể xuất phát từ chè dưỡng nhan – loại nước chị dùng thường xuyên nhất trong thời gian qua.

Đặt câu hỏi chè dưỡng nhan có thật sự dưỡng nhan không, lương y Nguyễn Công Đức cho biết: “Nếu thành phần trong món chè này thực sự gồm yến tuyết, nhựa đào, hạt chia, hạt sen, long nhãn, kỷ tử, táo đỏ… thì đây có thể xem là bài thuốc dưỡng nhan và công dụng này đến từ việc nhuận tràng là chính”.

Chè dưỡng nhan được nấu từ 7 nguyên liệu (lá dứa và đường phèn) – Ảnh: Linh Anna.

Lương y Nguyễn Công Đức cũng cho biết, tuy có tác dụng dưỡng nhan, song vì việc khiến cho da sáng, mịn lại đến từ công dụng nhuận trường nên đây không phải là món mà mọi người đều có thể dùng hay nên dùng thường xuyên.

“Mỗi người, tốt nhất chỉ nên dùng khoảng 100ml dung dịch này, nấu thành nước, theo liều hai ngày dùng một lần. Nếu dùng mỗi ngày với cùng liều lượng hay nhiều hơn, sẽ dẫn đến việc tiêu chảy. Không có lợi”, lương y Đức nhận định.

Ông cũng lưu ý, trẻ em dưới 12 tuổi và người bệnh tuyệt đối không được dùng món chè này, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến đường ruột của trẻ. Trường hợp người bệnh, phương thuốc dưỡng nhan này sẽ khiến bệnh tật kéo dài và khó điều trị hơn.

Chưa kể, các vị thuốc được kết hợp trong sản phẩm "chè dưỡng nhan" cũng cần được sử dụng đúng liều, không nên sử dụng quá nhiều hoặc dùng tùy tiện, sẽ gây ra hậu quả khó lường. Không chỉ cách dùng, nguyên liệu chè dưỡng nhan hầu hết là các dược liệu Đông y đang được bán trôi nổi, đóng gói sơ sài, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thực tế, mới đây, tại chợ Đông Kinh (TP.Lạng Sơn), nhiều mặt hàng dược liệu và thuốc Đông y không rõ nguồn gốc đã bị lực lượng chức năng thu giữ. Loại dược liệu này được ghi tên nhãn là “Đông trùng hạ thảo” – một loại dược liệu quý, nhưng chủ quầy hàng này khai nhận, đây chỉ là “nấm thiên môn” hay còn gọi là “nấm trùng thảo” – một loại dược liệu khác, có cái tên na ná.

Chưa nói đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, sự mập mờ trong việc dán tem nhãn trên sản phẩm cũng khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi. Tem nhãn không đúng bản chất sản phẩm, dẫn đến thực tế, không ít khách hàng đã mua phải sản phẩm kém chất lượng với giá cao. Đặc biệt, đối với các mặt hàng Đông dược, nếu mua phải hàng trôi nổi, người bệnh uống vào còn có thể nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Nhằm siết chặt quản lý các mặt hàng dược liệu và thuốc Đông y, thời gian qua, Đội quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với các ngành liên quan như công an, y tế, tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh Đông dược trên địa bàn. Qua kiểm tra gần 10 vụ, đã tạm giữ gần 200kg thuốc Đông dược và 200 chai rượu thuốc xoa bóp đóng chai, cùng một số nguyên liệu làm thuốc không có nhãn sản phẩm.

Theo Đình Nhật/PNO

 

Bình luận (0)