Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hoạt động của HĐND TPHCM quy mô và chất lượng hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2008, hoạt động của HĐND TPHCM khá tất bật với 44 cuộc giám sát, 124 cuộc khảo sát, 21 cuộc tham vấn, 3 hội thảo, 2 hội nghị thông tin, 2 cuộc điều trần, 12 lần chương trình “Nói và làm” trên đài truyền hình, 12 lần chương trình “Đối thoại với chính quyền TP” trên đài phát thanh…

Trong những ngày cuối năm, người đứng đầu hoạt động điều hành của HĐND TPHCM – Chủ tịch Phạm Phương Thảo – vẫn bộn bề với núi công việc. Tranh thủ lắm bà cũng chỉ dành được khoảng 20 phút để trao đổi cuối năm với PV Báo SGGP.

– Phóng viên: Thưa bà, số lượng đầu việc của hoạt động HĐND TPHCM trong năm rất nhiều. Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của những hoạt động này?

Chủ tịch HĐND TPHCM PHẠM PHƯƠNG THẢO: Hoạt động của HĐND TPHCM được triển khai trên diện rộng quy mô hơn và cũng có chất lượng. Các hoạt động khảo sát và giám sát đã dần đi vào chiều sâu. Người đại biểu ngày càng phát huy hơn vai trò đại diện của mình và tính dân chủ trực tiếp của người dân cũng được thể hiện rõ qua các cuộc tham vấn, điều trần nên không khí dân chủ như được khơi dậy nhiều hơn, nổi bật hơn.

Tất cả những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy cho sự phát triển chung của TP. Với sự quyết liệt của HĐND, nhiều vấn đề tưởng như “thâm căn cố đế” cũng lần lượt được giải quyết. Kết quả rõ nét nhất là vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò gây khổ sở cuộc sống người dân gần chục năm trời đã được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.

Tình hình ô nhiễm môi trường của TP được đánh giá lại một cách hệ thống, toàn diện hơn. Hầu hết đơn vị gây ô nhiễm môi trường đã được đưa vào danh sách để xử lý. Ô nhiễm môi trường từ nước thải, rác thải y tế mà dư luận vô cùng quan ngại thời gian qua cũng được đưa chỉ tiêu xử lý vào Nghị quyết của HĐND TPHCM.

Tình trạng lãng phí kho bãi sau nhiều lần khảo sát, giám sát và được đại biểu “làm nóng” ở nghị trường với những bằng chứng thuyết phục, qua kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa 7, trước mắt đã có 6 kho bãi bỏ trống được UBND TPHCM thu hồi. Như vậy, nhiều vấn đề ngổn ngang của TP đã có lối ra…

– Cách đo chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ công do HĐND thực hiện cũng được người dân khá quan tâm, thưa bà?

– Lần thứ 3 khảo sát chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công được tiến hành trên diện rộng (8 lĩnh vực liên quan rất nhiều đến người dân). Trước đây, các cơ quan có khảo sát chỉ số hài lòng khách hàng nhưng do tự làm nên kết quả không phản ánh đúng sự thật.

Với cách đo chỉ số hài lòng mà HĐND TP đã “đặt hàng” cho một đơn vị chuyên môn, độc lập thực hiện, dù cách làm còn có điều này điều nọ phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh nhưng kết quả là có thể tin cậy, thuyết phục được cơ quan cung cấp dịch vụ và khách hàng. Nhiều ngành chỉ số hài lòng của người dân còn thấp dưới 50%, cho thấy người dân còn bị phiền hà không ít bởi hoạt động hành chính công.

Giá trị của việc khảo sát còn mang ý nghĩa khác khi nó tạo thêm kênh cho người dân phản ánh chính kiến của mình về các dịch vụ công mà không ngại “đụng chạm”. Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ công, đây là dịp để nhìn lại thực chất cung cách phục vụ của mình để điều chỉnh, hoàn thiện mình hơn. Một khi tất cả đều thừa nhận những khiếm khuyết, cùng tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục thì cơ hội và triển vọng tốt hơn là có thể.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo thăm gia đình các hộ tái định cư tại quận 2 TPHCM.

– Nét mới trong hoạt động của HĐND TPHCM trong năm là đã sử dụng thêm 2 công cụ tham vấn và điều trần để phục vụ cho hoạt động giám sát. Ô nhiễm môi trường, giải tỏa – tái định cư, chất lượng dịch vụ công… đang là những vấn đề gây bức xúc lớn trong nhân dân đã được chọn để thực hiện thí điểm. Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của những công cụ mới này?

– Tham vấn và điều trần là 2 trong hàng loạt công cụ được sử dụng trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Với VN nói chung và TPHCM nói riêng, hoạt động này còn mới nhưng các nước đã sử dụng nhiều.

Việc chất vấn sẽ làm cho nghị trường “nóng” lên nhưng người bị chất vấn dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng. Còn hoạt động tham vấn là dịp để cơ quan giám sát, ngành chức năng – chính quyền lắng nghe kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của người dân.

Qua các cuộc tham vấn cho thấy, người dân mình góp ý rất thẳng thắn, rất xây dựng, kể cả hiến kế với chính quyền. Còn điều trần là để “ba mặt một lời” làm rõ đâu là trách nhiệm của nhà nước, kể cả của người dân nhằm tìm tiếng nói chung để giải quyết vấn đề một cách đúng hướng, thấu đáo.

Ví dụ, vấn đề thu gom rác có trách nhiệm của người dân khi có nhiều người không đưa rác ra theo giờ quy định mà lại tập kết tùy tiện ra đường gây nhếch nhác đường phố. Các hoạt động này dù mới nhưng đã đem lại kết quả bước đầu. Tuy nhiên, dù vận dụng công cụ nào đi nữa nhưng kết quả mới là quan trọng nhằm giúp cho việc điều hành của chính quyền ngày càng tốt hơn.

– Các công cụ này sẽ được tiếp tục “đột nhập” vào những lĩnh vực nào trong thời gian tới, thưa bà?

– Do mới thí điểm nên cách làm cũng có những hạn chế nhất định khi cùng lúc chúng ta đưa ra đến 8 nội dung trong buổi điều trần khiến nhiều vấn đề đặt ra chưa được trả lời đến nơi đến chốn. Có thể ngành chức năng cảm thấy còn nhiều điều chưa giãi bày hết mà người dân cũng cảm thấy chưa thỏa mãn.

Thời gian tới HĐND TPHCM sẽ xây dựng quy chế, quy trình cụ thể về hoạt động điều trần để triển khai linh hoạt hơn. Nội dung điều trần có thể làm nhuyễn hơn, đi sâu từng vấn đề đáng quan tâm. Có những nội dung do các ban của HĐND tự làm.

Thường trực HĐND sẽ tham gia vào những vấn đề có tầm lớn hơn. Khi vấn đề có liên quan trách nhiệm đến các bộ – ngành, HĐND TPHCM sẽ mời lãnh đạo các bộ – ngành cùng tham gia (cụ thể là tình trạng lãng phí kho bãi). Nếu có điều kiện thì tham gia trực tiếp còn không thì có thể qua cầu truyền hình. Cách làm này sẽ được thực hiện thường xuyên, linh hoạt để giải quyết vấn đề kịp thời chứ không đợi đến các kỳ họp của HĐND mới đem ra chất vấn, mổ xẻ, truy trách nhiệm.

Còn rất nhiều lĩnh vực cần phải lắng nghe ý kiến của dân. Vì vậy, các nội dung tham vấn, điều trần tiếp tục bám sát đời sống của dân như: vấn đề chăm lo sức khỏe cho người dân, đặc biệt là dân nghèo; giáo dục; cách tiết kiệm chi tiêu công trong tình hình suy giảm kinh tế, cách xây dựng thành phố sống tốt…

– Xin cảm ơn bà!

Vân Anh (Theo SGGP)

Bình luận (0)