Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành học “không đụng hàng”

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên ngành công nghệ đất trong buổi thực tập

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay, nhiều trường thông báo mở thêm những ngành học mới. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường đào tạo những ngành học “lạ”.
Nhiều ngành học mới
Năm 2009, trong số 17 ngành đào tạo của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhân học là ngành lần đầu tiên được tuyển sinh, đang thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều thí sinh. Nhân học (Anthropology) là một khoa học tích hợp kiến thức của các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn và nghệ thuật để nghiên cứu một cách toàn diện về con người. Năm 2008, điểm trúng tuyển của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn áp dụng theo ngành, thấp nhất là 18 điểm; cao nhất: 20,5 điểm.
Ông Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) kỳ tuyển sinh này cũng có thêm ngành khoa học vật liệu, thuộc khoa Vật lý. Ngoài ra, trường cũng có hai ngành học nghe khá… lạ tai là công nghệ biển và khoa học đất. Ngành công nghệ biển (với các chuyên ngành công nghệ bờ biển, công nghệ biển khơi, công nghệ môi trường biển) từ năm 2008. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, làm việc tại các doanh nghiệp trực tiếp quy hoạch, xây dựng, quản lý và vận hành các hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ biển thuộc các lĩnh vực kinh tế xã hội, môi trường, đảm bảo an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển. Người học cũng có thể làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, quản lý… Ngành khoa học đất (thi khối A, B) nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học đất, kiến thức cơ sở về địa chất, khoáng vật, phân tích các đối tượng đất, nước, phân bón, thực vật… Sinh viên sau khi tốt nghiệp, có thể giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý tại các trường ĐH, CĐ, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, các bộ, ngành… ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) năm 2009 cũng thông báo mở thêm các chuyên ngành như tiếng Anh quản trị kinh doanh, tiếng Anh kinh tế đối ngoại, tiếng Anh tài chính – ngân hàng. Các ngành học này thi khối D1 với 620 chỉ tiêu. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết, năm học tới, sẽ đào tạo thêm sinh viên ở hai ngành mới là kỹ thuật trắc địa và quy hoạch xây dựng, nâng số ngành đào tạo trình độ ĐH lên 14 ngành. Năm 2009, ĐH Xây dựng dự kiến tuyển mới 3.400 chỉ tiêu. Theo thông báo của ĐH Huế, trường dự kiến tuyển 8.940 chỉ tiêu hệ chính quy ĐH. Các trường thành viên trực thuộc ĐH Huế năm nay cũng mở một số ngành học mới. Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm mở ngành sư phạm công nghệ thiết bị trường học, với 50 chỉ tiêu (thi khối A, B). Trường ĐH Nông lâm có thêm ngành quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản, thi khối A, B với 50 chỉ tiêu. ĐH Nghệ thuật lần đầu tiên tuyển sinh 20 chỉ tiêu (thi khối H) cho ngành đồ họa (chuyên ngành đồ họa tạo hình). Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị cũng có thêm các ngành: công nghệ kỹ thuật môi trường thi khối A, B với 60 chỉ tiêu và kỹ thuật trắc địa – bản đồ thi khối A (60 chỉ tiêu). Năm học 2008 – 2009, ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên có thêm ngành kinh tế nông nghiệp (thi khối A với 60 chỉ tiêu); công nghệ chế biến lâm sản (thi khối A, 50 chỉ tiêu); địa chính môi trường (thi khối B, 50 chỉ tiêu); công nghệ thực phẩm (thi khối B, 50 chỉ tiêu). Khoa học Tự nhiên và Xã hội là khoa trực thuộc ĐH Thái Nguyên, vừa được nâng cấp thành ĐH Khoa học. ĐH Khoa học còn thông báo tuyển sinh thêm cho hai chuyên ngành cử nhân công tác xã hội (thi khối C, 60 chỉ tiêu) và cử nhân Việt Nam học (thi khối C, 60 chỉ tiêu). Sau một năm bị gián đoạn, năm nay, Trường ĐH Hà Nội sẽ tiếp tục mở lại ngành học tiếng Bồ Đào Nha. Năm 2007, điểm trúng tuyển ngành học tiếng Bồ Đào Nha là 18 điểm.
Ngành học “không đụng hàng”
Đây là những ngành học nghe rất “lạ” tai và mới xuất hiện tại Việt Nam. Công nghệ spa là một ngành còn rất trẻ và mới mở tại ĐH DL Hồng Bàng. Thực chất, công nghệ spa gắn liền với y sinh học giúp duy trì sức khỏe, giảm stress, kiến thức về sử dụng nước nóng, nước lạnh như thế nào, kỹ thuật massage, bấm huyệt… Ngành quản trị logistic và vận tải đa phương thức là một ngành học có tên gọi khá lạ, vừa được mở tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM. Ngành học này trang bị những kiến thức để SV sau khi tốt nghiệp có khả năng tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác các dịch vụ về logistic và vận tải đa phương thức như: phân phối, kho vận dịch vụ khách hàng, quản trị chiến lược của doanh nghiệp vận tải, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Một môn học nữa nghe có vẻ rất “duy tâm”, đó là ngành phong thủy học, nằm trong ngành xây dựng kiến trúc và mỹ thuật công nghiệp của Trường ĐH dân lập Hồng Bàng. SV sẽ được học các kiến thức về phong thủy một cách khoa học, vận dụng khi thiết kế một không gian sống phù hợp với môi trường tâm lý và thiên nhiên.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)