Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Chạy trường” qua lớp tăng cường

Tạp Chí Giáo Dục

Một giờ học của học sinh lớp 1 tăng cường tiếng Pháp Trường TH Lương Định Của (Q.3)

Với chủ trương nhận tất cả trẻ trong độ tuổi, có hộ khẩu hoặc KT3, các trường có lớp tăng cường tiếng Pháp (TCTP) đang là đích ngắm của nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Đây được coi là một kiểu “chạy trường” hợp pháp…
Ép con đi “luyện thi” tiếng Pháp
TP.HCM hiện có 5 trường tiểu học (TH) tổ chức dạy TCTP, đó là Trường TH Lương Định Của (Q.3), Trường TH Kết Đoàn (Q.1), Trường TH Minh Đạo (Q.5), Trường TH Bông Sao (Q.8) và Trường TH Trần Quốc Toản (Q.Tân Bình). Mỗi trường có từ 1 đến 3 lớp TCTP. Trước đây, các lớp này tương đối ế ẩm, thậm chí có trường phải khảo sát tới đợt 2 mới đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên từ năm học 2008-2009, khi UBND TP chỉ đạo Sở GD-ĐT cương quyết không nhận học sinh (HS) trái tuyến thì các lớp TCTP bắt đầu “có giá”…
Chị Vy (đường Phạm Văn Chiêu, P.13, Q.Gò Vấp) có con đang học lớp lá Trường Mầm non Bé Ngoan (Q.1) cho biết: “Nếu đúng tuyến, con tôi sẽ học ở Trường TH Hồng Gấm (Q.Gò Vấp) nhưng kẹt là không có người đưa rước nên phải cho học ở Q.1. Hiện tại cả hai vợ chồng tôi đều công tác ở Q.1. Song, bây giờ xin trái tuyến khó quá, có tiền cũng không chạy được. Mấy người làm cùng cơ quan tiết lộ với tôi là cho bé học lớp TCTP thì nghiễm nhiên được học ở Q.1. Nghe nói cũng có nhiều người có ý định đăng ký cho con vào lớp TCTP, trong khi Trường TH Kết Đoàn chỉ có 1 lớp nên tôi quyết định cho bé đi “luyện thi”…”.
Và bắt đầu từ ngày 7-3 đến nay, chưa tới 7 giờ sáng các ngày thứ 7, chủ nhật, vợ chồng chị thay nhau chở con tới Trường TH Kết Đoàn tham gia “luyện thi” tại lớp Mẫu giáo Pháp văn do nhà trường tổ chức. “Ngày nào đi học, bé cũng khóc. Bởi trước đây, thứ bảy, chủ nhật bé được ngủ đến 8 giờ sáng nay mới 6 giờ đã phải dậy. Vợ chồng tôi cũng mệt nữa, được ngày nghỉ lại phải đưa con đi học. Nhưng phải chấp nhận thôi, có vậy mới hy vọng được học ở Q.1…”, chị Vy tâm sự.
Phần lớn các bậc phụ huynh cho con “luyện thi” tại lớp Mẫu giáo Pháp văn của Trường TH Kết Đoàn đều có chung “quyết tâm” như chị Vy.
Chơi sang nên chị Thảo (đường Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Tây, Q.2) thuê hẳn một sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về dạy tiếng Pháp cho con. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tuần 3 buổi (thứ 2, thứ 4, thứ 6) từ 6 giờ đến 8 giờ tối, bé Hạnh phải ngồi vào bàn học và bập bẹ phát âm các chữ tiếng Pháp. Chị Thảo cho biết, hiện nay vợ chồng chị chỉ có một mong muốn là làm sao bé Hạnh được học ở Trường Tiểu học Lương Định Của…
Thương con hay hại con?
Mong muốn cho con học tại những trường chất lượng là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Song điều đó không đồng nghĩa với việc cha mẹ có quyền bắt con làm những gì chúng không muốn.
Việc phải thức dậy từ 6 giờ sáng vào ngày thứ 7, chủ nhật để tới Trường TH Kết Đoàn là một cực hình đối với bé Tuấn (con chị Vy). Trước đây những ngày này bé được ngủ tới 8 giờ, khi thức dậy được ba mẹ chở đi ăn sáng rồi đi công viên chơi nhưng nay lại bị nhốt vào phòng để học. Vào lớp, cũng như những bé khác, Tuấn cứ ngọ nguậy như con sâu. Bao nhiêu kiến thức cô giáo “nhét” vào tai này đều qua tai kia rồi đi ra ngoài…
Bé Hạnh (con chị Thảo) cũng vậy, đáng lý cái giờ đó bé được coi phim hoạt hình thì nay phải ngồi ngay ngắn để học. Tiếng Việt bé phát âm còn chưa rành, vậy mà bây giờ ba mẹ lại ép bé học tiếng Pháp…
Thầy Nguyễn Đạt Sử – Hiệu phó Trường Tiểu học Lương Định Của cho biết: “Việc khảo sát đầu vào các lớp TCTP dựa trên nguyên tắc trẻ chưa biết gì mà chủ yếu là kiểm tra kỹ năng tự có của các em. Đó là khả năng nghe, khả năng phát âm, sự nhanh nhẹn. Tôi xin khẳng định rằng, trẻ không cần phải biết tiếng Pháp trước vẫn có thể trúng tuyển vào các lớp TCTP”…
Điều đó có nghĩa việc cho bé đi học tiếng Pháp trước là lãng phí, thậm chí còn có tác dụng ngược. Bởi chưa hẳn những bé học tiếng Pháp trước sẽ qua được “cửa” khảo sát… Và nếu không trúng tuyển thì “các bé sẽ trở về địa phương để nộp hồ sơ vào lớp 1 theo đúng tuyến”, thầy Nguyễn Quang Vinh – Phó phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP cho biết.
Nếu trúng tuyển, đương nhiên các bé được học tại trường “điểm” mà phụ huynh không mất đồng tiền nào để “chạy trường”. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng có năng khiếu học tiếng Pháp. Từ đó đã xuất hiện tình trạng chán học, đặc biệt là ở những khối lớp lớn…
Hiện nay, ở một số trường THCS, trường THPT đã có không ít HS phải xin ra khỏi lớp tăng cường ngoại ngữ (chủ yếu là TCTP và tăng cường tiếng Nhật) vì không theo kịp chương trình.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)