Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảng viên đại học thiếu và yếu

Tạp Chí Giáo Dục

(Tiếp theo và hết)

Ngày 28-11-2008 Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 64 về chế độ làm việc của giảng viên trong đó đã quy định về tổng quỹ thời gian của giảng viên được phân chia theo chức danh và cho từng nhiệm vụ. Thế nhưng đối với lĩnh vực công tác nghiên cứu khoa học (nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên) xem ra không mấy giảng viên… mặn mà vì mải lo “chạy sô” để kiếm tiền.
Thích “chạy sô” hơn nghiên cứu khoa học
Theo quy định mỗi giảng viên phải nghiên cứu khoa học ít nhất 500 giờ/năm. Như vậy, bên cạnh việc giảng dạy thì nhiệm vụ nghiêu cứu khoa học cũng là nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên. Qua nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho giảng viên tự đào tạo bồi dưỡng và từng bước nâng cao năng lực về chuyên môn của mình. Tuy nhiên thực tế hiện nay công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên tại các trường đại học Việt Nam như thế nào? Vì sao giảng viên không thích nghiên cứu khoa học?
Xuất phát từ việc nhu cầu người học cao, trong khi nguồn cung người dạy thấp, điều này ắt dẫn đến việc các giảng viên vì thu nhập sẽ ra sức giảng dạy thêm tại các trường khác là tất yếu. Chưa dạy xong trường này đã chuẩn bị chạy sang trường khác và cả ngày cá biệt có thầy, cô dạy hơn 8 tiết và như thế thì thời gian đâu để nghiên cứu khoa học? Bên cạnh đó, hầu hết giảng viên không thích nghiên cứu khoa học vì vấn đề kinh phí và cơ chế thanh, quyết toán đề tài. Nếu xét về thu nhập một đề tài cấp trường với thời gian ròng rã một năm học sau khi nghiên cứu, báo cáo và được nghiệm thu (kinh phí thực hiện sẽ do quy chế từng trường quy định) thầy, cô giáo sẽ được trả thù lao nghiên cứu giả thiết một đề tài được 10 triệu đồng. Thực tế cho thấy số tiền này chỉ bằng thu nhập của hai học phần giảng dạy của giảng viên. Việc nghiên cứu khoa học để được nghiệm thu đề tài phải thông qua hội đồng, phải bị phản biện, đóng góp của đồng nghiệp do đó nếu không thực hiện nghiêm túc thì danh dự chuyên môn của người thầy sẽ bị đánh giá. Để được quyết toán kinh phí thật không đơn giản với thủ tục hành chính của một số trường. Công tác nghiên cứu khoa học một khi chưa được đặt đúng vị trí điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng của giảng viên.
Bồi dưỡng thường xuyên bị… bỏ quên
Trong khi các thầy, cô giáo ở các bậc học phổ thông hàng năm đều được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên đề (Chúng ta chưa phân tích đến nội dung và hiệu quả của công tác này) nhưng ở bậc học đại học các thầy, cô giáo không được bồi dưỡng. Khi đặt vấn đề này không có nghĩa là phải tổ chức các lớp học như ở các bậc học khác mà mong muốn ở đây là nguồn ngân sách phân bổ cho việc đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ. Nguồn kinh phí này nếu có và sử dụng đúng mục tiêu sẽ là nguyên nhân để nâng cao chất lượng thầy, cô giáo đặc biệt các thầy, cô giáo còn trẻ.         
Giáo dục đại học vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Vì thế chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học là nhiệm vụ trọng tâm của ngành hiện nay và theo tôi để bắt đầu chúng ta hãy bắt đầu từ việc đổi mới các nhà quản lý giáo dục đại học, đừng để lợi nhuận chi phối tất cả.
ThS. Hoàng Hữu Lượng

 

Bình luận (0)