Nhiều ngành chỉ tuyển vài trăm thí sinh (TS) nhưng số lượng hồ sơ nộp vào lên đến cả ngàn. Tuy nhiên cũng có một số ngành không tuyển đủ chỉ tiêu, các trường phải kéo dài hạn xét tuyển.
Tuy đã “chốt sổ” đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung đầu tiên ngày 7-9 nhưng nhiều trường vẫn tiếp tục chờ TS vì không tuyển đủ chỉ tiêu dự kiến.
Trên chục ngàn hồ sơ vẫn… thiếu
Ngành “hot”, tâm lý ưa chuộng ngành “hot” mà điển hình nhất là khối ngành kinh tế dường như đã biến cuộc đua vào NV2 trở thành “sân chơi” duy nhất của nhóm ngành kinh tế. Có trường tuyển đến trên chục ngàn hồ sơ, vượt xa rất nhiều lần chỉ tiêu mà vẫn ngậm ngùi xét tuyển tiếp. Lý do, TS dồn hết vào nhóm ngành kinh tế và… bỏ lơ những ngành còn lại.
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) đơn cử, con số 7.000 hồ sơ hệ ĐH và 5.000 hồ sơ CĐ mà trường nhận được là khá đẹp, vượt ngưỡng chỉ tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng tuy nhiên phân nửa lượng hồ sơ tập trung vào khối ngành kinh tế (quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán). Điều này dẫn đến hai hệ lụy, điểm chuẩn nhóm ngành kinh tế tăng, theo đó, nhiều em trót lựa chọn nhóm ngành này vẫn sẽ ngậm ngùi ra về với điểm số khá cao. Đồng thời, khá nhiều ngành khác phải tiếp tục… xếp hàng chờ TS bởi thiếu trầm trọng chỉ tiêu. Cụ thể, ngành tài chính – ngân hàng chỉ lấy 150 chỉ tiêu nhưng có đến gần 1.000 hồ sơ đăng ký. Điểm chuẩn NV1 ngành này chỉ lấy mức 13 với khối A nhưng NV2 lại lên đến 15,5; tăng tới 2,5 điểm.
Trong khi đó, nhóm ngành cơ khí, điện tử mỗi ngành lấy 80 chỉ tiêu NV2 nhưng chỉ nhận được chưa đến phân nửa, đành phải tiếp tục xét tuyển bổ sung với số lượng 50 chỉ tiêu mỗi ngành. Ở hệ CĐ, hàng loạt ngành: Du lịch, may, giày da, công nghệ vật liệu, đông lạnh, điện tử, cơ khí… cũng mới chỉ tuyển được xấp xỉ 1/3 chỉ tiêu và phải tiếp tục xét tuyển bổ sung với mức điểm chỉ bằng sàn.
Tương tự, tại Trường ĐH Sài Gòn trong khi chỉ tiêu cả hai hệ ĐH và CĐ chỉ trên 2.000 nhưng riêng số TS nộp vào ngành quản trị kinh doanh đã lên đến 4.000, vượt cả tổng chỉ tiêu toàn trường. Dù vậy, ngành này chỉ lấy 260 TS cho NV2.
Không chỉ vậy, hai ngành tài chính – ngân hàng và kế toán cũng lấy 260 chỉ tiêu nhưng lượng đăng ký cũng không thua kém với khoảng 3.000. Như vậy, mỗi em để đậu được nhóm ngành này phải “chọi” một lượng TS khá lớn.
Theo TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM), kết quả tuyển sinh 3 năm gần đây cho thấy nhóm ngành kinh doanh chiếm thứ hạng cao nhất trong sự lựa chọn của TS. Tuy vậy, thực tế những ngành có đông TS dự thi lại thường có điểm trung bình không cao. Nhiều ngành như quản trị kinh doanh, kế toán, điều dưỡng, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin… thuộc top 20 ngành thu hút đông TS nhất trong số 290 ngành học có tổ chức tuyển sinh nhưng điểm trung bình của TS chỉ đạt 8 đến 10. Thậm chí, so với nhóm ngành khác, điểm trung bình của các TS dự thi những ngành “thời thượng” này chỉ đứng ở tốp giữa.
Giãn thời hạn xét bổ sung
Để tuyển đủ, nhiều trường tiếp tục gia hạn xét tuyển. Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển bổ sung đến 18-9 với các ngành: Công nghệ sinh học (60 chỉ tiêu, điểm xét tuyển 17); kỹ thuật y sinh (36 chỉ tiêu; 17,5 điểm); kỹ thuật điện tử – truyền thông (30 chỉ tiêu; 16 điểm); quản lý nguồn lợi thủy sản (5 chỉ tiêu; 16 điểm).
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM nhận hồ sơ đến ngày 10-9. Hai trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM và ĐH Mở TP.HCM nhận đến 28-9. Ở khối ngoài công lập, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM xét tuyển tiếp từ ngày 8-9. Trường ĐH Lạc Hồng xét tuyển thêm 800 chỉ tiêu tất cả các ngành đến hết ngày 15-9. Đặc biệt, do tỷ lệ nhập học ít, nhiều trường vốn không tuyển NV bổ sung đến nay phải mở đợt xét tuyển. Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM từ nay đến 14-9 xét tuyển thêm 30 chỉ tiêu mỗi ngành, gồm: Luật Thương mại quốc tế, Luật Kinh doanh, kinh doanh quốc tế, kinh tế học, kế toán, kinh tế và quản lý công, hệ thống thông tin quản lý. Trường ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM từ ngày 10 đến 13-9 sẽ nhận hồ sơ của những TS đạt điểm sàn trở lên thuộc các khối A, A1 và D vào 4 ngành. Trong đó, ngành du lịch khách sạn (30 chỉ tiêu), Đông phương học (95 chỉ tiêu); công nghệ thông tin (10 chỉ tiêu) và ngôn ngữ Trung Quốc (30 chỉ tiêu)…
Mê Tâm
Bình luận (0)