Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường lợi nhuận hay phi lợi nhuận: Chưa ngã ngũ

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu bỏ phiếu bầu HĐQT Trường ĐH Hoa Sen tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức vào đầu tháng 8. Ảnh: Mê Tâm
Ngay cả các trường ĐH ngoài công lập (NCL) cũng chưa ngã ngũ được thế nào là lợi nhuận và phi lợi nhuận (PLN). Đó là những gì diễn ra tại Hội thảo điều lệ trường ĐH tư thục PLN do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL tổ chức vừa qua tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Mỗi trường một ý
Theo GS. Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, về mô hình trường PLN thì cứ theo định nghĩa của Luật Giáo dục ĐH năm 2013 mà thực hiện. Bên cạnh đó, GS. Trần Phương khẳng định có 2 điều kiện để chuyển từ trường LN sang trường PLN đó là trả lợi tức hàng năm cho các nhà đầu tư bằng với lãi suất của trái phiếu Chính phủ và các nhà đầu tư lớn từ bỏ vị thế của mình, lùi xuống như một cổ đông bình thường, không biểu quyết theo trọng lượng vốn. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH khác cho rằng với cách làm này chỉ… một mình GS. Trần Phương làm được trường PLN. Còn PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL có đưa ra bản dự thảo quy chế về mô hình trường ĐH tư hoạt động PLN của ĐH Phan Chu Trinh và đánh giá: Nếu quy chế này được chấp nhận thì sẽ nhân rộng thí điểm. Theo quy chế này, mô hình trường ĐH PLN sẽ là trường sử dụng nguồn vốn do hiến tặng và tài trợ. Trường sẽ do hội đồng quản trị điều hành nhưng không phải do những người góp vốn bầu ra mà hội đồng này sẽ bao gồm những người sáng lập, cùng những người uy tín trong các lĩnh vực khoa học giáo dục với các thành viên ngoài nhà trường chiếm tỷ lệ không dưới 15%. Hội đồng này sẽ có quyền đề cử và bàn giao việc quản lý trường cho hội đồng kế tiếp chứ không bầu theo cơ chế đại hội đồng cổ đông. GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL cũng cho rằng mô hình này sẽ khắc phục được những mâu thuẫn và tranh chấp quyền lực giữa các nhà đầu tư và nhà giáo trong các trường ĐH tư hiện nay. Mặc dù vậy, xét từ góc độ thực tế, GS. Trần Phương cho hay ở Việt Nam làm như thế là nguy hiểm. Có thể trong tương lai, những loại hình trường PLN thực sự như của nước ngoài, giống như mô hình mà ĐH Phan Châu Trinh đang theo đuổi, sẽ xuất hiện, nhưng hiện nay thì không. 
Bài học nhãn tiền
Trong khi các đại biểu tranh luận gay gắt về thế nào là LN, thế nào là PLN thì bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen lại chia sẻ vấn đề mấu chốt đã gây ra cơn bão trong ĐH Hoa Sen hiện nay. Bà Phượng cho biết, nếu Luật Giáo dục ĐH và các văn bản pháp quy của Nhà nước không đảm bảo cho giáo dục PLN thì sẽ có nguy cơ chết hàng loạt các trường, mà những trường tốt, trường mạnh sẽ chết trước. Quy tắc dồn phiếu phải được sửa, bởi chính những quy tắc này đã khiến cho trách nhiệm trở thành tiếng nói của tiền bạc. Nhà đầu tư hiện nay rất mạnh do pháp luật cho phép. Điều này đã lý giải tại sao ĐH Hoa Sen hình thành từ một ý tưởng PLN, với sự tài trợ của Pháp, sự đóng góp tài chính và cơ sở vật chất của TP.HCM lại có nguy cơ trở thành tài sản cá nhân. Thực tế là đã trở thành tài sản cá nhân bởi chính những quy định của Nhà nước. 
Không chỉ có Hoa Sen mà trước đó những ĐH NCL khác cũng gặp sóng gió do liên quan đến tiền bạc như ĐH Đông Đô (Hà Nội), ĐH Hùng Vương (TP.HCM)… Ông Trương Quang Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, đề xuất  cần phải có cơ sở pháp lý cho mô hình trường ĐH tư PLN và phải có quy định rạch ròi. Nếu thực hiện PLN nhưng vẫn quy định tổ chức đại hội đồng cổ đông và biểu quyết theo số vốn góp là mâu thuẫn và sẽ không thể thực hiện được.
Trước những ý kiến này, ông Phạm Xuân Hậu, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, cho biết hiện bộ đang soạn thảo điều lệ trường ĐH và sẽ dành một chương quy định về trường ĐH tư PLN. Mô hình này sẽ không còn cơ chế đại hội đồng cổ đông như hiện nay và sẽ là đại hội đồng toàn trường, trong đó bao gồm nhà đầu tư, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, đại diện cán bộ giảng viên… Điều quan trọng tại quy định này là nhà trường phải cam kết hoạt động không vì LN theo tiêu chí được quy định. Đặc biệt, khi đã cam kết thì nhà trường không được chuyển ngược mô hình từ PLN sang LN. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn nhiều tranh cãi. Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cho rằng cam kết PLN là cần thiết. Bởi người Việt Nam rất “linh hoạt”, nay thế này, mai lại thế khác. Bên cạnh đó, ông Hậu cũng giải thích thêm tôn chỉ mục đích của trường thể hiện ở ngay quyết định thành lập trường do Thủ tướng ký và nếu chuyển đổi mô hình thì cũng phải do Thủ tướng quyết định.
Nghiêm Huê
“Quy tắc dồn phiếu phải được sửa, bởi chính những quy tắc này đã khiến cho trách nhiệm trở thành tiếng nói của tiền bạc. Nhà đầu tư hiện nay rất mạnh do pháp luật cho phép. Điều này đã lý giải tại sao ĐH Hoa Sen hình thành từ một ý tưởng PLN, với sự tài trợ của Pháp, sự đóng góp tài chính và cơ sở vật chất của TP.HCM lại có nguy cơ trở thành tài sản cá nhân. Thực tế là đã trở thành tài sản cá nhân bởi chính những quy định của Nhà nước”, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen Bùi Trân Phượng nói.  
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)