Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Chạy nước rút” đến nông thôn mới

Tạp Chí Giáo Dục

Đời sống người dân thay đổi thấy rõ nhưng các xã nông thôn mới của TPHCM phải đối mặt với nhiều khó khăn phát sinh trong khi hạn cuối chương trình đã đến gần

Từ ngày 11 đến ngày 13-10, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã tổ chức phúc tra kết quả thực hiện chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) và xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ). Đây là ba địa bàn có xuất phát điểm thấp trong sáu xã tham gia xây dựng thí điểm nông thôn mới của TPHCM.
Nửa đoạn đường
Hơn một năm rưỡi tham gia chương trình thí điểm, đến nay xã Tân Nhựt đã đạt được 9/19 chỉ tiêu, Nhơn Đức đạt 12/19 chỉ tiêu, trong đó các chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch, cơ cấu lao động, hình thức sản xuất… đều đã hoàn thành. Ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết dù có lúng túng ban đầu nhưng đến nay địa phương đã quen việc nên mọi hoạt động đi vào khuôn khổ, đời sống người dân vươn lên và bộ mặt nông thôn thay đổi thấy rõ.
 
Dẫu vậy, ông An vẫn còn khá nhiều băn khoăn: Đến tháng 8- 2011, đồ án quy hoạch xây dựng xã Nhơn Đức và đề cương nhiệm vụ lập dự án mới được phê duyệt khiến đề án xuất phát chậm và thiếu định hướng triển khai. Ông An đơn cử việc mở rộng hẻm trong tiêu chí giao thông: Ban đầu xác định chủ trương “dân hiến đất làm đường” nên chỉ tính suất đầu tư để trình duyệt kinh phí, trong khi thực tế lại phát sinh các khoản bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau đó TP đã chấp nhận duyệt thêm chi phí bồi thường, hỗ trợ nhưng khi triển khai lại gặp khó khăn mới, đó là sự so bì giữa các hộ dân đã hiến đất với các hộ dân nằm trong các dự án giai đoạn sau. Đó cũng chính là lý do vì sao các công trình hạ tầng cơ sở – xã hội tại Nhơn Đức đầu tư dàn trải nhưng chỉ một công trình “về đích”.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, một hộ dân ở  xã Nhơn Đức – Nhà Bè được tạo điều kiện vay vốn nuôi tôm. Ảnh: QUÝ HIỀN
Xã Tân Nhựt cũng mới hoàn thành đồ án quy hoạch phát triển hạ tầng – kinh tế – xã hội trong tháng 7-2011, để có thể tiến hành phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Không gặp khó trong giải phóng mặt bằng nhưng Tân Nhựt “đau đầu” với nạn ô nhiễm khi xã này có đến 280 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân đang là điểm nóng ô nhiễm của TP. Vấn nạn này không chỉ “ngáng chân” tiêu chí về môi trường mà liên đới đến một loạt tiêu chí khác về an sinh đời sống, sản xuất, thu nhập…
Khó khăn đang chờ phía trước
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, nhận định: Dù đã đi vào khuôn khổ nhưng thời gian còn lại rất ít, các địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn để hoàn tất đủ bộ tiêu chí và giữ vững các tiêu chí ấy trong bối cảnh kinh tế  – xã hội có nhiều thay đổi.
Còn theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, các xã nông thôn mới đang đứng trước hiện trạng đất nông nghiệp teo tóp và  nông dân chuyển đổi ngành nghề do tốc độ đô thị hóa. Tại Nhơn Đức, số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn 414/6.933 người, chiếm 6% dân số xã. Tỉ lệ này ở Tân Nhựt tuy có khá hơn nhưng cũng chỉ đạt 22% dân số xã. Bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, nhấn mạnh: “Đối với những người không còn đất sản xuất, các xã nông thôn mới cần quan tâm nhiều đào tạo nghề, không chỉ là nghề nông nghiệp mà còn là tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ… phù hợp thực tế. Những hộ còn đất cần được đào tạo nghề chuyên sâu, đặc biệt là tổ chức liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã… để có thể cạnh tranh trong cơ chế thị trường hiện nay”.
Tiền đào tạo nghề dồi dào
Hầu hết các xã nông thôn mới đang lo lắng về kinh phí đào tạo nghề. Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, cho biết hơn năm nay xã mắc nợ Trường Trung cấp Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh hơn 130 triệu đồng vì đào tạo nghề cho hơn 78 trường hợp.  Xã đã nhiều lần kiến nghị TP giải quyết số tiền này nhưng  vẫn chưa được quyết toán. Tuy nhiên, bà Lê Hồng Hoanh khẳng định không phải TP thiếu tiền mà do báo cáo của các xã chưa đầy đủ và rõ ràng về những khoản chi như học nghề gì, ngắn hạn hay trung hạn… “Kinh phí để đào tạo nghề hơn 7 tỉ đồng. Các địa phương không nên quá lo lắng, cứ tiếp tục việc đào tạo nghề cho người lao động”- bà Hoanh nói.
Theo MINH KHANH
(NLĐ)

Bình luận (0)