Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Lớp học trong bệnh viện

Tạp Chí Giáo Dục

“Cô giáo” Phạm Thị Rành đang chỉ bài cho “học sinh” Nguyễn Hoàng Bi
“Mấy bữa về quê ăn Tết, nhớ lớp học quá, đêm không ngủ được”, bệnh nhân Nguyễn Hoàng Bi (13 tuổi) đang theo học tại lớp học của Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chia sẻ. Nỗi niềm của Bi cũng là tâm sự của rất nhiều học sinh và cũng là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Có lẽ sẽ có người nghĩ rằng, Bệnh viện Nhi đồng 2 quá ôm đồm khi mở ra lớp học này. Bởi trên thực tế, chức năng của bệnh viện là khám chữa bệnh cho bệnh nhân chứ không phải dạy học. Song, xuất phát từ tình thương của những lương y như từ mẫu khi ngày ngày phải chứng kiến các bệnh nhân đang ở lứa tuổi đi học vì bệnh tật mà không có cơ hội đến trường, các bác sĩ ở đây đã mở ra lớp học này…
Những học sinh đặc biệt
Hơn 9 giờ ngày 18-2, tôi có mặt tại lớp học. Lúc này trong lớp chỉ có 6 học sinh. Theo lời Nguyễn Hoàng Bi thì những học sinh khác đang phải chạy thận tại Khoa Thận – Máu – Nội tiết. Và Bi cũng là một trong những bệnh nhi bị suy thận mãn đang điều trị tại đây.
Bi quê ở Hòn Đất, Kiên Giang. 3 năm trước, lúc đó Bi đang học học kỳ II lớp 2 thì phát hiện ra bệnh và từ đó phải nghỉ học nhập viện. Trung bình một tuần Bi phải chạy thận nhân tạo 3 lần, nếu không thay thận thì em sẽ phải chạy thận suốt đời. “Thay thận phải tốn 3-4 trăm triệu đồng, mấy tháng đầu sau khi thay phải tới tái khám và mất khoảng 8-10 triệu đồng/lần. Nhà con nghèo lắm, không có tiền để thay thận”, Bi cho biết.
Đúng vậy, gia đình Bi nghèo lắm. Từ khi Bi bị bệnh, gia đình đã phải bán hết đất đai, nhà cửa để có tiền cho em chạy thận. Những ngày đầu mới nhập viện, vì gia đình Bi chưa làm được thẻ bảo hiểm y tế diện hộ nghèo nên mỗi tháng gia đình Bi phải đóng 10 triệu đồng. Nay đã có thẻ bảo hiểm nên được giảm 95%.
Có lẽ cũng vì bệnh tật của Bi không “sáng sủa” gì nên ba của em đã bỏ mặc mẹ con em. Từ năm 2009 đến nay, Bi và mẹ là Nguyễn Thị Hương sống bằng tình thương của các mạnh thường quân ở Bệnh viện Nhi đồng 2.
Không may mắn như Bi là có mẹ đi cùng, Nguyễn Ngọc Như (SN 1997) – TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau chỉ có một mình. Trước khi nhập viện (tháng 8-2007), Như thường xuyên nôn ói, thậm chí có lúc co giật. Ba mẹ đưa em đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Cho đến khi Như bệnh quá nặng, gia đình đưa em lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và phát hiện em mắc bệnh suy thận mãn. Theo đó, Như được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 2 để chạy thận nhân tạo. Cũng từ đó, ba mẹ em phải bỏ quê lên Bình Dương làm công nhân để có tiền chữa bệnh cho con.
Như kể: “Ban ngày, ngoài thời gian chạy thận, con xuống lớp học. Buổi tối, trải chiếu ra hành lang khoa Thận – Máu – Nội tiết ngủ. Cơm thì xin của nhà bếp từ thiện, thức ăn gửi tiền nhờ mẹ bạn Bi mua và nấu”…
Trong lớp học này còn có Nguyễn Phúc Lộc (SN 1997) (quê Châu Thành, Bến Tre) cũng là bệnh nhân của Khoa Thận – Máu – Nội tiết. Đã 2 cái Tết rồi, Lộc đón Tết ở bệnh viện. Năm 2004, em trai của Lộc đã chết do căn bệnh quái ác này. Bởi vậy, dù gia đình rất ít người nhưng mẹ em đã bỏ công bỏ việc ở quê lên TP.HCM nuôi con. Mới đây, mẹ của Lộc đã xin được một chân lau dọn vệ sinh ở Công ty ITC. May mắn là công ty này sắp xếp cho mẹ của Lộc được lau dọn vệ sinh ngay tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bởi vậy, hai mẹ con cũng có thêm chút kinh phí để trang trải tiền ăn cũng như viện phí…
Lớp học cũng mới tiễn hai bạn là Nguyễn Minh Tú (SN 2000) – quê Chợ Gạo, Tiền Giang và Đặng Việt Triều (SN 1999) – quê Kiên Giang về quê. Cả Tú và Triều đều là bệnh nhân của Khoa Thận – Máu – Nội tiết. Sau gần hai năm chạy thận nhân tạo, Tú và Triều được đặt túi thẩm phân nên đã được xuất viện. Tuy nhiên, mỗi tháng đều phải tới bệnh viện tái khám một lần. Và lần nào tới tái khám, các em cũng xuống lớp học thăm cô giáo và bạn học.
Người thầy khoác áo blu

“Cô giáo” Rành và lớp học
Bác sĩ Lê Thị Đào – phụ trách Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Nhiều năm trước, khi tới Khoa Bỏng làm vật lý trị liệu cho những bệnh nhân ở đây, thấy các bé phải điều trị trong một thời gian dài, như vậy sẽ mất bài (vì hầu hết các bệnh nhân đều đang đi học – PV). Từ đó nảy sinh ý định bồi dưỡng văn hóa cho các em để mai mốt xuất viện các em vẫn theo kịp chương trình. Sau đó, chúng tôi kêu phụ huynh đem sách vở của các em vào bệnh viện và từng bác sĩ trong khoa tranh thủ dạy học. Dần dần, số học sinh đông lên (cả Khoa Bỏng và Khoa Thận – Máu – Nội tiết), bệnh viện đã mở lớp. Sĩ số của lớp học có những lúc lên tới 30 em, nhưng không ổn định. Vì hầu như ngày nào cũng có vài ba học sinh nghỉ học để đi khám bệnh, đôi ba tháng lại có em bỏ học do đã xuất viện…”.
Bác sĩ Đào cũng thừa nhận, việc mình đứng lớp dạy các bệnh nhi cũng giống như mẹ dạy con chứ hoàn toàn không có nghiệp vụ sư phạm. Người duy nhất có nghiệp vụ sư phạm ở đây là cử nhân giáo dục Phạm Thị Rành.
Năm 1991, chị Rành tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM. Vì không có hộ khẩu ở thành phố (quê chị ở Bến Tre) nên chị không xin được vào bất kỳ trường công lập nào. Song, vì muốn ở lại thành phố nên chị đành đi dạy hợp đồng, dạy tại các trường tư thục – dân lập. Đến năm 1999, Hội Hữu nghị Việt – Nhật và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở lớp Cử nhân giáo dục đặc biệt. Đối tượng là những người đã tốt nghiệp ĐH sư phạm, thế là chị đăng ký tham gia. Năm 2002, chị ra trường và cũng đi dạy tại một số trường tiểu học có lớp hòa nhập. Đến tháng 3-2004, chị về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tháng 2-2009, khi lớp học ra đời, do có nghiệp vụ sư phạm nên chị được phân công là người phụ trách chính. Theo đó, mỗi ngày từ 7 giờ 30 đến 9 giờ chị khám bệnh cho các bệnh nhân, từ 9 giờ đến 11 giờ thì dạy học. Buổi chiều, từ 1 giờ đến 3 giờ 30 dạy học, từ 30 giờ 30 đến 5 giờ khám bệnh cho bệnh nhân. Bệnh nhân của chị là các bé bị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, tăng động… Trung bình mỗi ngày chị tiếp nhận từ 4 đến 8 bệnh nhân.
Riêng công việc ở lớp học, vì đây là việc phụ của bệnh viện nên ngân sách không cấp kinh phí hoạt động. Theo đó, chị gặp một số phụ huynh có con đã và đang điều trị vật lý trị liệu ngôn ngữ với chị xin từng cuốn sách giáo khoa, cuốn truyện tranh cũ, những cuốn tập, cây bút để tặng học sinh của mình. “Mỗi khi có đoàn công tác từ thiện mang quà vào bệnh viện là tôi chạy theo để xin quà cho học sinh”, chị Rành cho biết.
Không chỉ chị mà cả bác sĩ Đào và rất nhiều bác sĩ ở Khoa Vật lý trị liệu, ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đều tham gia “xin” quà cho học sinh của lớp học. Theo đó, sau hơn hai năm ra đời, lớp học đã được trang bị rất nhiều đồ chơi, truyện tranh, máy vi tính, ti vi, máy lạnh, quạt. Còn mỗi học sinh, ngoài sách giáo khoa, tập vở, bút còn cả một chiếc ba lô xinh xắn…
“Ở đây các em chỉ học hai môn là toán và tiếng Việt. Việc học chủ yếu là để các em không quên chữ, nhưng trên hết là để các em thấy vui vẻ mà quên đi sự đớn đau của bệnh tật”, bác sĩ Đào cho biết.
Bài, ảnh: Hòa Triều

“Vì các em là bệnh nhân nên việc dạy cũng gặp một số khó khăn. Do phải vừa học vừa điều trị bệnh nên khả năng tiếp thu bài của các em khá chậm, học trước quên sau. Một bài, cô phải giảng tới 4-5 lần. Thậm chí ngay cả bài thi lên lớp, cô giáo cũng phải giải thích. Nhưng chúng tôi không thấy buồn lòng vì từ khi tham gia lớp học, các em vui vẻ hẳn lên, không còn u sầu như trước nữa”, chị Phạm Thị Rành tâm sự.

 

Bình luận (0)