Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Biến trường làng thành trường chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù rất bận rộn nhưng thầy Nguyễn Hữu Hạnh vẫn thường xuyên đến lớp thăm hỏi học trò để biết được các em cần thêm những gì cho việc học

Nói chuyện về đổi mới giáo dục, về dạy học bằng công nghệ thông tin (CNTT) có lẽ là nguồn cảm hứng bất tận của thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh.

Trăn trở với học sinh nghèo
Năm 2002, thầy Hạnh được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa. Nhiệm kỳ sau, thầy được tín nhiệm lên làm Hiệu trưởng. Hồi đó, Trường THCS Đống Đa được người dân xung quanh gọi là “trường làng giữa thành phố” bởi ngoài cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn thì vị trí mà trường tọa lạc lại nằm ngay trong một vùng trũng, cứ mùa mưa đến là nước ngập lên tận đầu gối, thầy và trò phải “bơi” vào trường. Trường chỉ có bảy lớp học nhưng năm nào cũng tuyển không đủ chỉ tiêu, có năm tuyển 200 học sinh (HS) mà đến đầu tháng 9, mới nhận được 60 bộ hồ sơ. Khó khăn là vậy nhưng thầy vẫn luôn động viên các thầy cô trong trường: “Muốn HS không bỏ học giữa chừng, muốn các phụ huynh không quay lưng lại với nhà trường, muốn chất lượng dạy – học được nâng lên thì tự mình phải cứu lấy mình, tự đổi mới phương pháp giáo dục để HS hăng hái đến trường chứ chúng ta không thể buông tay để trường học tự đóng cửa được”.
Nhiều HS khi mới vào trường đã muốn nghỉ học, nhiều năm liền trường có hơn 10% HS lưu ban, bỏ học. Vì thế, khi còn ở cương vị là một phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, ngoài việc đảm bảo công tác chuyên môn thì nhiệm vụ trọng tâm của thầy là chống lưu ban, bỏ học. Thầy Hạnh chia sẻ: “Sở dĩ HS bỏ học nhiều là bởi khi phụ huynh đăng ký cho con em vào học thấy cơ sở vật chất quá nghèo nàn, đội ngũ giáo viên (GV) thưa thớt nên họ cũng bỏ mặc chuyện học hành của con cái luôn, em nào học được thì cho học tiếp còn không thì nghỉ học. Hơn thế nữa, hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc quần áo còn không có mặc nên ngại đến trường cũng phải”. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của HS, thầy và giáo viên xuống từng nhà động viên, khuyên bảo các em. Mặc dù cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn nhưng năm nào thầy cũng góp ý với toàn bộ tập thể CB – GV- CNV nhà trường dành khoảng 150 ngàn/học kỳ để giúp các em trang trải cuộc sống.
Bên cạnh việc động viên HS đến trường, thầy còn kêu gọi các GV quan tâm nhiều hơn đến các em để chống tình trạng lưu ban, bỏ học. Chính vì vậy, với những HS yếu, thầy tổ chức dạy phụ đạo cho các em mà không hề thu thêm một khoản lệ phí nào. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh việc áp dụng CNTT vào dạy học là việc mà thầy đặc biệt lưu tâm.
Đam mê công nghệ thông tin
Tốt nghiệp Khoa Văn Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai năm 1978, làm công tác quản lý một trường học ở Đồng Nai được 5 năm thì về Trường PTCS Tầm Vu, quận Bình Thạnh dạy học. Nhưng vì quá đam mê CNTT nên ngày đứng lớp, tối thầy lại tự mày mò. Năm 1985, thầy thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cơ sở tại TP.HCM. Vậy là, sáng đến lớp giảng dạy, chiều thầy đạp xe đến giảng đường như bao sinh viên khác để nghe giảng.
Cũng chính vì niềm đam mê với CNTT mà khi đảm nhận vai trò Hiệu trưởng ở Trường THCS Đống Đa, thầy một mình lặn lội đến cửa hàng mướn chỗ học vi tính và đích thân thầy hướng dẫn cho các GV trong trường học bởi lúc bấy giờ cả trường không có chiếc máy tính nào. Thầy Hạnh cho rằng: “Đời sống GV có thể thấp nhưng trình độ không thể thấp. Vì vậy, tôi luôn tìm cách động viên anh em nâng cao trình độ chuyên môn, học thêm CNTT để đưa công cụ này vào dạy học, góp phần giúp các tiết học sinh động hơn”. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với Ban giám hiệu nhà trường và Ban đại diện CMHS, thầy liên hệ với Công ty Sản xuất trang thiết bị trường học TP.HCM xin mua trả góp trong ba năm liền chiếc máy Projector 3M. Ông Lê Đức Kế, Giám đốc công ty quyết định bán máy cho Trường THCS Đống Đa mà không hề thu lãi suất. Khi một GV được trang bị kiến thức cơ bản về tin học, thầy chỉ đạo cho người đó dạy cho GV chưa biết. Ngoài ra, thầy còn dạy cách soạn giáo án điện tử cho GV toàn trường. Nhờ vậy mà ở thời điểm nhiều GV còn chưa biết đến giáo án điện tử thì GV Trường THCS Đống Đa đã thực hiện được nhiều tiết dạy sinh động nhờ sự hỗ trợ của CNTT.
Năm 2005, Trường THCS Đống Đa được xây dựng mới với cơ sở vật chất khá khang trang. Có thêm nhiều thiết bị, thầy tiếp tục khuyến khích GV trong trường đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo sự hứng thú cho HS. Đến nay, cùng với sự đồng thuận của phụ huynh và ban lãnh đạo, thầy đã đưa hệ thống CNTT của trường đi đầu toàn quận khi nhà trường có tới hai phòng máy, 14 phòng học đều được trang bị máy chiếu, trang bị đầy đủ các phòng chức năng như phòng lap, phòng nghe nhìn, phòng tin học… Đặc biệt, khi toàn quận chưa có trường học nào trang bị bảng activboard – một hệ thống dạy học tương tác có giá hơn 100 triệu đồng – thì nhà trường đã có tới hai cái bảng này để mỗi tuần các em HS đều có một buổi học hết sức lý thú.
Cách đây chỉ 6-7 năm, Trường THCS Đống Đa còn là “trường làng”, nhưng nhờ sự lãnh đạo tài tình của thầy Hạnh và chuỗi nỗ lực không ngừng của tập thể sư phạm nhà trường, trường đang tiến tới chuẩn quốc gia. Nhưng thầy còn có nhiều tham vọng lớn hơn, đó là xây dựng trường trở thành trường hiện đại chất lượng cao. Để làm được điều này, thầy đã lên bản kế hoạch hết sức chi tiết cho các chương trình hành động của nhà trường.
Mặc dù chưa qua độ tuổi ngũ tuần nhưng mái tóc thầy đã bạc phơ vì những năm tháng thức thâu đêm suốt sáng bên chiếc máy tính để tìm tòi, nghiên cứu về những ứng dụng của CNTT và những phương pháp đổi mới trong dạy học. Có lẽ niềm đam mê tiếp nhận kiến thức nhân loại, đặc biệt là những kiến thức trong ngành giáo dục sẽ không bao giờ ngừng chảy trong huyết mạch bởi triết lý sống của thầy Hạnh là “Có nghiên cứu, có học hỏi thì bản thân mới không lạc hậu với thời đại, mới xứng đáng là “đầu tàu” mà các đồng nghiệp đã tín nhiệm”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)