Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

20 năm, những bước chân không mỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Chiến sĩ Mùa hè xanh  Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nạo vét kênh mương  tại một xã vùng sâu ở ĐBSCL
Những chuyến đi, công trình, những cuộc gặp gỡ…, hành trình trải nghiệm của các chiến sĩ qua các chiến dịch tình nguyện cứ dài mãi qua từng năm tháng. Mỗi một dấu chân đi qua đều để lại những kỷ niệm, ký ức khó phai trong lòng người dân địa phương và các chiến sĩ.
20 năm, chặng đường không quá dài nhưng cũng đủ để nhiều thế hệ chỉ huy, chiến sĩ từ các chiến dịch tình nguyện hè trưởng thành, thu nhận được những hành trang quý giá để làm đẹp thêm cho cuộc sống của mỗi người.
Đâu khó, có thanh niên!
Được khởi đầu từ chiến dịch “Ánh sáng tình nguyện hè” do sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện từ năm 1994, các chiến dịch tình nguyện đã trở thành điểm sáng và là niềm tự hào của nhiều thế hệ tuổi trẻ thành phố. Anh Lê Xuân Sinh, Trưởng bộ môn thể chất và quốc phòng Trường ĐH Mở, một trong những nhân vật tiên phong thời kỳ đầu phong trào Mùa hè xanh tại xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) nhớ lại: Xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được chiến dịch đề ra và quyết tâm thực hiện. Người dân xã đảo rất giỏi đánh bắt cá, lưới nặng mấy cũng kéo lên được nhưng lại rất lúng túng khi cầm bút. Để có thể xóa mù chữ cho các ngư dân, ngoài việc bố trí các điểm dạy trên đảo, SV thời đó còn… giấu cả chỉ huy, lênh đênh trên biển cả tuần để dạy chữ cho 17 thuyền viên trên thuyền đánh cá. Lần đầu tiên được cầm bút, được biết mặt chữ, có cô còn ngồi cặm cụi suốt đêm, nắn nót viết mãi dòng chữ “em yêu anh” để gửi cho chồng cũng là thuyền viên đánh cá trên biển. Từ Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, phong trào xóa mù chữ của các chiến sĩ Mùa hè xanh đã lan rộng tới các địa bàn lân cận, nhiều địa phương sau thời gian được ngành GD-ĐT xác nhận hoàn thành phổ cập công tác xóa mù chữ.
20 năm đi qua, những dấu chân tình nguyện vẫn tiếp tục được nối dài tới các vùng quê còn nhiều thiếu thốn. Với trái tim tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết, các thế hệ trẻ thành phố mang tên Bác đã không ngại gian khó, tiên phong mở đường để cho  các thế hệ sau bước tiếp. Cùng với công tác phổ cập xóa mù chữ, nhiều hoạt động khác đã được các chiến sĩ tình nguyện triển khai nhằm cải thiện chất lượng, đời sống sinh hoạt của người dân. Già làng Đinh Yek (làng Ktu, xã Kon Chiêng, huyện Yang Mang, tỉnh Gia Lai) thừa nhận: Mỗi lần tiếp nhận chiến sĩ tình nguyện là mỗi lần làng có sự đổi thay. “Từ trẻ con đến người lớn đều biết cái chữ, biết chăm sao cho bắp, lúa đầy bồ. Đường đã được mở rộng, cầu đã được xây, mỗi nhà còn có một hố xí để đi vệ sinh chứ không còn bừa bãi như trước đây nữa”, già kể.
Cùng với anh chị SV, các chiến sĩ Hoa phượng đỏ tại các trường THPT trên địa bàn TP.HCM cũng hăng hái, tích cực giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với bạn bè từ những con heo đất, phong trào kế hoạch nhỏ… Nhiều căn nhà tình bạn kiên cố đã được ra đời thay cho những căn chòi tạm bợ, nhà dột cột xiêu trước đây. Được đi, được trải nghiệm cuộc sống mới là điều mà bất cứ chiến sĩ Hoa phượng đỏ nào cũng háo hức mỗi khi hè về.
Thắm tình dân – chiến sĩ tình nguyện
Không chỉ góp phần cải thiện chất lượng đời sống, các chiến sĩ tình nguyện còn để lại những dấu ấn thật khó quên trong lòng mỗi người dân nơi chiến dịch đóng quân. Mỗi một hành trình “cho đi” là một lần “nhận lại” những tình cảm, nghĩa cử đẹp của những bà má, chị Tư, chú Út… khi chăm lo cho chiến sĩ từ những bữa cơm nóng, canh ngọt, chỗ ngủ tươm tất. Không thương sao được khi các chiến sĩ không quản ngại trời nắng nóng như đổ lửa, đêm tối thui còn dầm mình ngoài trời để kịp hoàn thành những con đường, cây cầu trước khi mưa lũ đến. Cô Nguyễn Thị Thẳng (xã Thanh Hải, Thạnh Phú, Bến Tre), người nhận nuôi chiến sĩ từ năm 2000 tới nay không nhớ nổi bao nhiêu lần mình phải mang cơm ra tận “công trường” bởi “chờ hoài mà hổng thấy tụi nhỏ về”. “Dân ở đây thương chiến sĩ lắm! Lần nào mấy đứa về dân cũng mừng, có nồi khoai, củ sắn nào cũng để dành cho tụi nhỏ. Nhà nào có chiến sĩ là y như rằng xôm tụ hẳn lên”. Nhà của Trưởng ấp Phạm Văn Đặng cũng là một địa chỉ quen thuộc của các chiến sĩ mỗi lần hoạt động ở mặt trận xã đảo Thạnh An. “Tui đi từ đầu ấp đến cuối ấp, đến các điểm tụi nhỏ dạy học để canh chừng lỡ có chuyện gì xảy ra. Mỗi đêm đi đủ 3 vòng cũng là lúc thầy trò xong buổi học”. Bản thân cũng chỉ là một người dân đánh cá, nhà nghèo nhưng Tư Đặng (tên thân mật của ông) không ngần ngại nhận nuôi chiến sĩ, thậm chí còn đi vay tiền để khao quân mỗi lần kết thúc chiến dịch. Những kỷ niệm ấy, tình cảm ấy cũng mộc mạc, chân chất như chính con người ở vùng quê nghèo khó, nhưng chắc chắn sẽ được lưu giữ trong lòng của mỗi chiến sĩ tình nguyện như hành trang không thể thiếu trên bước đường lập thân lập nghiệp.
Bài, ảnh: Linh Vy
Từ chiến dịch tình nguyện đầu tiên chỉ với 774 SV, phong trào tình nguyện của tuổi trẻ thành phố đã lan rộng và trở thành hoạt động của SV khắp cả nước, lan rộng sang cả nước bạn Lào và Campuchia. Nhiều công trình, thành quả mang tên gọi gắn liền với trường học, SV đã được ra đời từ các chiến dịch tình nguyện. 
 

Bình luận (0)