Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Gặp những thủ khoa trường làng

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ khoa Học viện Quân y, Á khoa Đại học Y khoa Hà Nội là cậu bé nhút nhát, hiền lành quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Còn thủ khoa khối A, Học viện Tài chính và nữ sinh thủ khoa khối A, Học viện Ngân hàng đều ở xã Trung Giã thuộc huyện "vùng xa" Sóc Sơn (Hà Nội).

Đỗ thủ khoa Học viện Quân y và Á khoa Đại học Y khoa Hà Nội
Hoàng Xuân Tuấn Anh, SBD 2558 dự thi vào hệ Dân sự Học viện Quân y, đã trở thành thủ khoa khối A có điểm cao nhất, tính đến thời điểm hiện tại, với tổng điểm 3 môn đạt 29,25 (được làm tròn thành 29,5 điểm).  Em cũng là người đỗ Á khoa khối B Đại học Y khoa Hà Nội với 29 điểm. Ít ai ngờ rằng, cậu thủ khoa ấy lại đến từ một ngôi trường thường của vùng quê nghèo Quỳnh Lưu, Nghệ An…
Chúng tôi đến nhà Hoàng Xuân Tuấn Anh ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An khi đông đảo bà con làng xóm, bạn bè cũng đang kéo đến chia vui với niềm vui của em. Bố Tuấn Anh, anh Hoàng Xuân Công hiện đang công tác ở Công an huyện Quỳnh Lưu khi biết tin con đỗ đại học, và lại đỗ thủ khoa, đã xúc động rơi nước mắt: "Hôm qua có một anh bạn ở Hà Nội điện về báo tin Tuấn Anh đỗ thủ khoa 29,5 điểm nhưng lại đọc sai họ của cháu nên gia đình vẫn chưa tin, đến tối khi có thông tin chính xác ở trên mạng Internet thì cả nhà mới vỡ òa, vui chảy nước mắt, đây là niềm vui lớn nhất từ trước tới nay…".
Còn người mẹ Đặng Thị Tâm, cán bộ của Trung tâm Văn hóa thể dục thể thao huyện Quỳnh Lưu vui mừng kể lại: "Tuấn Anh chăm học từ nhỏ, học giỏi đều tất cả các môn nhưng nổi trội nhất ở các môn tự nhiên. Đặc biệt cháu có tính tự giác học tập rất cao, buổi tối sau khi ăn cơm xong là say sưa vào bàn học không ai phải nhắc nhở, thậm chí nhiều đêm thấy cháu học khuya quá sợ ảnh hưởng sức khỏe tôi phải khuyên cháu đi ngủ".
Anh trai Hoàng Xuân Tân, trước là học sinh chuyên Toán Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, hiện đang là sinh viên năm cuối ĐH Thương mại là một điểm tựa, một tấm gương lớn, khích lệ Tuấn Anh học hành. Không chỉ cung cấp tài liệu, thường xuyên chỉ bảo phương pháp học cho em mà Tân còn theo sát em trai trong quá trình ôn thi đại học.
Hoàng Xuân Tuấn Anh, Cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Vóc người nhỏ bé, khuôn mặt hiền lành pha đôi chút nhút nhát nhưng cậu học trò xứ Nghệ rất đam mê với sự học. Bí quyết học giỏi đều các môn theo Tuấn Anh là "nắm chắc kiến thức ngay tại lớp, về nhà ôn lại bài cũ và đọc trước bài cho ngày hôm sau". Buổi tối là quãng thời gian em tập trung giải bài tập trong các sách tài liệu tham khảo rồi chuyển qua các môn học thuộc như Sinh, Sử, Địa lý… Chính vì vậy nên ngoài Toán – Lý – Hóa, Tuấn Anh còn học đều tất cả các môn.
Cô Dương Thị Châu Lưu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 Quỳnh Lưu nhận xét: "Với tinh thần nghiêm túc và luôn cố gắng trong học tập, Tuấn Anh không những học giỏi các môn khối A mà còn đạt điểm cao các môn xã hội. Sau mỗi giờ giảng bài em thường tới gặp các thầy cô bộ môn xin bài tập về nhà để làm thêm".
Ngoài ra Tuấn Anh còn tham gia học nhóm ở một lớp học gồm 10 HS, do các gia đình tổ chức mời thầy cô giáo giỏi về dạy, lớp học bắt đầu từ năm lớp 10 nhưng đến lúc thi ĐH chỉ còn 3 – 4 em giỏi nhất trụ lại được. "Những lúc học nhóm, với những bài toán khó bọn em thường đưa ra thảo luận chung, mỗi người phải tự đưa ra một cách giải thuyết phục và hiệu quả nhất. Nếu cả nhóm không ai giải được mới hỏi thầy cô giáo". Tuấn Anh chia sẻ.
"Còn bình thường tự học ở nhà thì chúng em chia nhau tìm các dạng bài tập hay trong sách tham khảo, tự giới hạn thời gian làm bài, rồi dùng điện thoại đối chiếu kết quả. Nếu có bài nào không làm được thì em đạp xe đến nhà các bạn, đến nhà cô giáo để tìm cách giải bằng được".
Với tinh thần học tập không ngừng nghỉ, "không đầu hàng" trước cái khó, em đã mang về vinh quang cho bản thân, cho gia đình, và cho cả huyện Quỳnh Lưu nơi địa đầu xứ Nghệ.
Được biết khi đặt bút làm hồ sơ đăng ký thi ĐH, Tuấn Anh không ngần ngại chọn Học viện Quân y, hệ Dân sự làm đích. Đó là con đường mà em đã mơ ước từ lâu, bởi mong muốn của em là trở thành một bác sỹ giỏi, tạo ra những bài thuốc hữu hiệu để cứu chữa cho mọi người.
Nhà giáo Ưu tú Lương Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu I, tâm sự: "Trường THPT Quỳnh Lưu I sắp kỷ niệm 50 năm thành lập và tin vui của Tuấn Anh cũng chính là tin vui của nhà trường, thành tích đó thật đáng trân trọng và biểu dương. Đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua em cũng đã đạt 54/60 điểm, lọt tốp 5 học sinh xuất sắc của trường. Hiện chúng tôi đang đề nghị tặng danh hiệu Hoa Trạng Nguyên và tổ chức khen thưởng cho em Tuấn Anh".
Chia tay chàng thủ khoa hiền lành, chăm chỉ, chúng tôi không những cảm phục trước nỗ lực học tập của em, mà còn ước mong Hoàng Xuân Tuấn Anh sớm thực hiện được ước mơ của mình, trở thành vị "lương y" cống hiến nhiều cho xã hội.
Đến mảnh đất xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gặp hai thí sinh cùng đỗ thủ khoa của hai trường đại học tốp đầu của Thủ đô, đó là em Nguyễn Vũ Duy Hiếu, thủ khoa khối A, Học viện Tài chính với 28 điểm (đã làm tròn) và Nguyễn Khánh Linh, thủ khoa khối A, Học viện Ngân hàng 28 điểm.
Chàng thủ khoa Học viện Tài chính đa tài
Nguyễn Vũ Duy Hiếu, Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội.
Thẳng tắp quốc lộ 3 là tới, chúng tôi đang loay hoay hỏi đường đến nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuyên, chị Vũ Lan Thúy thì nghe thấy một vài người dân trầm trồ khen ngợi: "A, thằng cu Hiếu à, nhà nó kia kìa, nhà đấy có phúc quá, cả hai anh em ngoan hiền lại học giỏi, thằng cu Hiếu mới đỗ thủ khoa đại học đó". Vậy là chúng tôi không khó để tìm đến nhà em với sự nhiệt tình nồng ấm của bà con trong xóm.
Nghe hàng xóm nói vậy, Hiếu chỉ cười hiền. Em e dè kể những thành tích "tồi tệ" của mình: "Em nghĩ đó là thành tích tồi tệ, chỉ có mấy năm cấp 1 em mới được học sinh giỏi, còn từ năm cấp 2 đến cấp 3 em chỉ đạt học sinh khá thôi. Ở lớp em cũng chỉ đứng khoảng thứ 4, thứ 5 gì đó…".
Chàng thư sinh Duy Hiếu rất may mắn vì được sinh ra trong một ngôi nhà có định hướng giáo dục rất tốt. Hồi nhỏ bố mẹ em đã hướng cho em tham gia rất nhiều các hoạt động để phát triển toàn diện về văn – thể – mỹ, đặc biệt là được chơi đàn organ và accordeon, thú vui không thể thiếu trong một phần cuộc sống của em.
Năm lớp 6, em đỗ vào Học viện Âm nhạc và từ đó Hiếu bắt đầu một chiến dịch học tập gian nan. Mẹ bận bán thuốc tại cửa hàng cả ngày, bố thi thoảng phải chạy hàng cho mẹ nên mọi việc trong nhà cũng khá bận khi anh trai Hiếu đi học trường quân sự xa nhà. Nửa buổi đi học tại nhạc viện ở nội thành, nửa buổi học văn hóa tại trường dường như vắt kiệt sức lực của em. Nhưng dù vất vả, đường đi học có xa Hiếu vẫn quyết không từ bỏ.
Bố Hiếu chia sẻ: "Hồi Hiếu đi học nhạc, sáng em đến trường 11h tan học lại đi xe buýt về nhà để cho kịp 12h15 vào lớp học văn hóa. Dù ở trường nhạc có học lớp bổ túc văn hóa nhưng em nó nhất định không theo.
Hiếu có nói, âm nhạc làm con yêu đời hơn, thấy tỉnh táo trong những lúc mệt mỏi và đưa ra được những quyết định hợp lý nhất". Hiếu cởi mở, dễ gần và thường sẵn sàng hát và chơi đàn mỗi khi có dịp tặng các bạn nên em được bạn bè quý mến.
Hỏi về phương pháp học tập, Hiếu khiêm tốn: "Em học còn kém các bạn trên lớp nhiều lắm. Mỗi khi có bài khó em lại hỏi thầy cô, bạn bè, đặc biệt là bạn Khánh Linh, chúng em thường xuyên trao đổi bài vở với nhau. Em kết hợp học chuyên đề tại trường và bài vở trên lớp. Phương pháp của em là tự tổng hợp các công thức ngay trên bìa sách, hay mỗi trang cần chú ý lại đánh dấu thật to. Em thấy trên mạng là nguồn "tài nguyên" đề thi dồi dào, không thể hết được. Đặc biệt là các đề của Trường chuyên ĐH Vinh, em chưa bỏ sót một đề nào của trường này".
Nguyễn Khánh Linh, Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội.
Nguyễn Khánh Linh, cô thủ khoa tự tin
Học cùng lớp 12A1 với Duy Hiếu, Khánh Linh cũng được cho là một "kì phùng địch thủ" với Hiếu. Môn học Linh học giỏi nhất là môn Hóa, em là học sinh giỏi toàn diện 12 năm liền. Lớp 6,7,8 Linh thi học sinh giỏi Văn và Anh của huyện, lên THPT em cũng là "hạt giống" thi học sinh giỏi môn Anh của trường. Không chỉ đỗ thủ khoa khối A, Linh còn là một học sinh xuất sắc về môn tiếng Anh của trường.
May mắn được gặp Linh khi có cả bố và mẹ em ở nhà. Mở cửa cho chúng tôi, mẹ Linh, cô Nguyễn Thị Phú không giấu được niềm hạnh phúc. Chuyện Linh đỗ thủ khoa là một chuyện ngoài sức tưởng tượng của gia đình, cô Phú tâm sự: "Sức học của Linh thì cả nhà rất tin tưởng, xác định Linh đỗ đại học, nhưng là thủ khoa vẫn làm cho cả nhà ngạc nhiên lắm, vì con mình chỉ học trường làng, trong khi đó cả nước có bao nhiêu trường chuyên lớp chọn".
Cô bé Linh nhỏ nhắn, nhưng Linh lại có tính tự lập và kỷ luật rất cao. Em chưa từng nghĩ sẽ ỷ lại vào bố mẹ, tính cách đó dường như đã hình thành từ nhỏ trong em. Mẹ Linh tâm sự: "Linh là một người con ngoan, có tính tự lập rất cao, bố đi làm ca kíp. Là giáo viên dạy tiểu học, trước có chủ nhiệm Linh một năm, nhưng tôi phải chấm điểm rất khắt khe với cháu vì cho rằng không nên để con ỷ lại vào mẹ, để các bạn khác nhìn vào…".
Nói về phương pháp học tập của em, Linh hào hứng chia sẻ: "Các bạn lớp em có một thú vui là giải các đề thi thử. Chúng em thi thử rất nhiều, không những thi thử tại trường mà bọn em còn đăng kí thi tại các trường khác nữa. Em có một thói quen là không bao giờ học quá khuya, em thấy học vào lúc sáng sớm người khỏe và tỉnh táo hơn nhiều. Một tuần trước khi thi, em tự tổng hợp kiến thức và túc tắc đọc lại cho vững tâm"
Theo CAND

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)