Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học theo sở thích hay theo ý bố mẹ?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi lựa chọn tương lai cho mình, các em học sinh dám chịu trách nhiệm trước gia đình về con đường mà mình quyết dấn thân (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh

Một học sinh ở Triệu Sơn, Thanh Hóa gửi tôi bức thư nhờ tư vấn về chuyện mâu thuẫn giữa em với bố mẹ trong định hướng chọn ban học và khối thi.
Em bức xúc thổ lộ: Từ nhỏ tới giờ em luôn nghe theo lời bố. Bố muốn em làm gì em đều làm theo! Lên THPT, bố muốn em học ban tự nhiên em cũng đồng ý, mặc dù em thích ban xã hội hơn và cũng học tốt hơn.
Trong thời gian em học THPT, mặc dù bạn em học toán – lí – hóa – sinh nâng cao nhưng em lúc nào cũng đâm đầu vào học văn với sử. Em cũng không biết mình sao nữa! Đã nhiều lần em định chuyển sang lớp khối C nhưng nhà em có chị gái đã từng học ban C và hiện  tại đang học Trường ĐH Sư phạm nên gia đình bắt em tuyệt đối không được. Giờ em rất băn khoăn vì sang năm em đã bước vào kì thi ĐH. Em định sẽ thi một trường khối A (theo ý bố em) và một trường khối C hoặc D theo sở thích của em. Nhưng vừa rồi bố nói muốn em thi kinh tế hoặc tài chính và thi hai khối A, B. Nghe xong, em không biết nói gì.
Chuẩn bị lên lớp 12 rồi mà các kiến thức về lí – hóa – sinh em chẳng biết gì cả. Ngay cả những kiến thức cơ bản nhất em cũng không biết. Trong khi văn thì em rất thích học. Các tài liệu về văn em còn giữ từ năm lớp 8. Em đang rất lúng túng. Em không biết nên làm thế nào thưa thầy?
Tôi đã chia sẻ với em rằng, việcTừ nhỏ tới giờ em luôn nghe theo lời bố. Bố muốn em làm gì em đều làm theo”, xét về đạo làm con theo truyền thống em là đứa con ngoan, hiếu thảo. Song em biết đấy: Mỗi người là một tiểu vũ trụ. Khi thoát thai khỏi lòng bố mẹ ta trở thành một cơ thể độc lập với đầy đủ những đặc thù sinh lý, tâm lý, năng lực, sở trường riêng biệt không giống ai. Đúng là lúc còn măng sữa thơ ngây bố mẹ là vành nôi, là khoảng trời bình yên dịu ngọt, là điểm tựa vô giá, là cô bảo mẫu, là người thầy tuyệt vời vô tư giúp ta tồn tại và lớn thêm mỗi ngày. Trong giai đoạn này muốn nên người, đứa con nào cũng phải biết “lắng tai nghe thấu những lời mẹ cha”.

Các em HS cần thể hiện quyết tâm lớn trước sự lựa chọn cho tương lai. Ảnh: N.Anh

Chim non khi đã đủ lông đủ cánh, chim bố mẹ thoải mái để con bay đi kiếm mồi. Lộ trình bay thế nào là do tự nó quyết định chứ chẳng chim bố mẹ nào có thể “can thiệp” được. Vậy thì lẽ nào ở tuổi vị thành niên, cái tuổi đầy mộng mơ, khát khao chiếm lĩnh, khám phá và khẳng định em lại không được như chú chim non kia, không được tự quyết hướng đi cho mình! Ở cái nút thắt phi quy luật này có lỗi từ cả hai phía. Bản thân em vừa yếu mềm, ngoan ngoãn một cách thụ động vừa thiếu bản lĩnh, sự khéo léo và kỹ năng thuyết phục người khác hiểu rõ mình. Bố em đã sai lầm khi nghĩ em vẫn còn con nít. Không lắng nghe, không chịu hiểu con, không tôn trọng con. Với đầu óc gia trưởng lại bị nhiễm tư tưởng thực dụng thời @ ông đã áp đặt em phải chọn học ban tự nhiên dù em chỉ thích ban xã hội và học ban này tốt hơn. Khi học ban tự nhiên rồi, càng học em càng thấy chán. Trong khi “bạn em học toán – lí – hóa – sinh nâng cao nhưng em lúc nào cũng đâm đầu vào học văn với sử. Đã nhiều lần em định chuyển sang lớp khối C nhưng gia đình bắt em tuyệt đối không được”.
Sự khắt khe, độc đoán ấy của gia đình, của bố em vô tình đã làm tiêu động lực, ý chí học tập của em. Hậu quả đáng buồn đã đến: “Chuẩn bị lên lớp 12 rồi mà các kiến thức về lí – hóa – sinh em chẳng biết gì cả. Ngay cả những kiến thức cơ bản nhất em cũng không biết”. Thực tế đau lòng này em phải mau chóng nói thật với bố tất cả. Nếu bố vẫn khăng khăng bảo thủ không chịu cho em chuyển sang học ban xã hội, bắt em tiếp tục học ban tự nhiên để thi khối A và B thì em phải khẩn trương cầu viện sự “trợ giúp” của thầy cô chủ nhiệm và người thân quen có uy tín với gia đình, nhờ họ trao đổi với bố để bố tỉnh ngộ, kịp thời “rút lui” sự áp đặt để em được là chính mình trong việc chọn lựa định hướng học tập mà em có sở trường và yêu thích, em khát khao mơ ước bấy nay.
Song song với đó em phải thể hiện một quyết tâm lớn, một bản lĩnh vững, một tinh thần đầy tự tin; dám làm, dám chịu trách nhiệm trước gia đình về con đường mà mình quyết dấn thân. Chỉ có vậy, em mới khẳng định được mình, mới hy vọng tìm được thành công trên đường học vấn. Chúc em luôn kiên nhẫn để sớm tìm ra phép mầu “Vừng ơi mở cửa ra!” nhé!
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Lẽ nào ở tuổi vị thành niên, cái tuổi đầy mộng mơ, khát khao chiếm lĩnh, khám phá và khẳng định em lại không được tự quyết hướng đi cho mình!
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)