Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phân luồng hướng nghiệp sau THCS: Tránh “đứt gánh giữa đường”

Tạp Chí Giáo Dục

HS THCS huyện Củ Chi có dịp tham quan Trường TC Bách khoa Sài Gòn trong Ngày hội hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM vừa tổ chức

Sau THCS, học sinh (HS) có nhiều con đường để lựa chọn, nhưng nếu chọn không đúng với năng lực hay với hoàn cảnh gia đình, nhiều em sẽ nghỉ, bỏ học giữa chừng…
Chọn trường phù hợp
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2011-2012, tổng số HS nghỉ, bỏ học ở bậc THPT là 6.558 em (tỷ lệ 3,31%); trong đó lớp 10 có 2.392 em, lớp 11 có 1.611 em và lớp 12 có 2.555 em. Ngoài hoàn cảnh gia đình, lý do HS bỏ học chính là việc lựa chọn cho mình một chương trình học không vừa sức. Chính vì thế, ngay từ thời điểm này (tháng 4 – PV), các trường THCS trên địa bàn TP đã có kế hoạch tư vấn hướng nghiệp cho HS gửi về phòng GD-ĐT 24 quận/huyện. Theo đó, ngay sau khi thi học kỳ 2, các trường sẽ triển khai tư vấn cho HS và cả phụ huynh. Mỗi đợt tư vấn này mất khoảng 5 đến 6 buổi, đó là chưa kể giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm còn hướng dẫn thêm nhằm giúp HS chọn trường phù hợp với năng lực của mình, tránh sự hối tiếc về sau khi phải bỏ học giữa chừng hoặc chọn trường quá cao nên bị rớt các nguyện vọng.
Thầy Cao Đức Khoa (Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1) cho hay: “Chúng tôi sẽ dựa vào năng lực HS, điểm chuẩn các năm của các trường THPT và khoảng cách từ nhà HS đến trường THPT để tư vấn cho các em. Sau khi có kết quả thi học kỳ 2, chúng tôi sẽ dựa vào điểm số môn toán, văn, tiếng Anh cộng với kết quả học tập cả năm lớp 9 để tư vấn cho các em. Thông thường, chúng tôi chia các trường THPT thành nhiều tốp như tốp trên, tốp giữa, tốp dưới để phụ huynh và HS thấy có khả năng thi đỗ trường nào sẽ chọn trường đó”.
Ngoài ra, nhiều trường THCS còn mời đại diện các trường THPT về trường giới thiệu cho các em HS. “Bắt đầu từ tuần này, chúng tôi mời các trường THPT trên địa bàn quận như Gia Định, Võ Thị Sáu, Thanh Đa… về giới thiệu vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần. Đại diện các trường THPT sẽ giới thiệu về trường của mình như điểm chuẩn các năm, chương trình dạy có gì đặc biệt so với những trường khác, ngoài việc học ra các em còn có thể tham gia những câu lạc bộ nào ở trường để rèn luyện kỹ năng và ôn luyện kiến thức… Với hình thức này, các em sẽ có cách nhìn toàn diện hơn về trường mà mình dự tính thi tuyển”, thầy Nguyễn Hữu Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh) chia sẻ.
Cùng với nhà trường, lãnh đạo phòng GD-ĐT cũng sẽ vào cuộc để giúp HS có sự lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất. Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11, cho biết: “Công tác phân luồng hướng nghiệp cho HS sau THCS trên địa bàn quận đã được thực hiện ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, những tháng liền kề với tuyển sinh vào lớp 10 và xét tuyển vào TCCN, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ hơn. Ngoài sự tư vấn của nhà trường và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, cuối tháng 5 này các lãnh đạo phòng sẽ dành 3-4 buổi để xuống các trường trò chuyện, hướng dẫn HS cách thi tuyển, chọn trường phù hợp với năng lực của mình”.
Không quên hướng nghiệp
Song song với công tác tư vấn cho phụ huynh và HS chọn trường THPT phù hợp với năng lực, các quận/huyện cũng không quên đẩy mạnh việc hướng nghiệp.
Ông Lê Nguyên Vịnh chia sẻ: “Trước hết, chúng tôi triển khai cho các trường THCS phụ đạo HS có sức học yếu để các em có được tấm bằng tốt nghiệp. Sau đó, tiếp tục tư vấn cho các em này vào trường nghề vì hiện nay các trường nghề đều xét học bạ, lấy điểm từ cao xuống thấp. Ngoài ra, những năm qua các trường THCS trên địa bàn quận làm khá tốt công tác hướng nghiệp bằng cách mở rộng quan hệ với các trường dạy nghề để HS có dịp tham quan các trường này hoặc các trường nghề về trường THCS giới thiệu… Mỗi năm quận có khoảng 80% HS vào THPT và hơn 10% vào trường nghề”.
Theo ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp: “Nhiều HS có hộ khẩu tạm trú ở Q.Gò Vấp, không thi đỗ trường THPT công lập đã chuyển về quê học. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng tôi quên nhiệm vụ hướng nghiệp. Chúng tôi đã bàn bạc với UBND quận không chỉ cho HS có hộ khẩu mà kể cả HS tạm trú trên địa bàn quận cũng được cấp học bổng hoặc cho các em mượn tiền học nếu quyết định chọn trường nghề sau tốt nghiệp THCS. Ngoài ra, chúng tôi đang đầu tư mạnh về cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy học ở Trường TC Nghề Quang Trung trên địa bàn quận nhằm thu hút HS hơn”.
Trong khi đó, ông Dương Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, cho biết: “Huyện Cần Giờ đang rất cần nguồn nhân lực tay nghề cao. Mỗi năm, chúng tôi đều đẩy mạnh công tác phân luồng hướng nghiệp cho HS sau THCS. Tuy nhiên, số lượng HS sau lớp 9 ở huyện nhà vào trường nghề rất ít mặc dù hoàn cảnh gia đình các em có nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do trên địa bàn huyện chưa có các trường nghề. Nếu muốn học nghề, các em sẽ đi một quãng đường khá xa như đi phà qua huyện Nhà Bè để học trong khi ở độ tuổi các em bố mẹ vẫn chưa yên tâm khi để con em một mình đi học xa như vậy”.
Bài, ảnh: Dương Bình 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)