GV Trung tâm GDTX Q.4 hướng dẫn giáo sinh cách thức thực hành môn hóa. Ảnh : P.N.Q
|
Muốn gắn bó với nghề sư phạm, phần đông giáo viên (GV) chấp nhận dạy bất cứ lớp nào, cấp nào hay ở đâu. Tuy nhiên, vẫn có một số sinh viên sư phạm mới ra trường cứ “kén cá chọn canh” không chấp nhận dạy ở vùng sâu, vùng xa và cả hệ GDTX dù ngay trong nội thành.
Thiếu GV trầm trọng
Mặc dù nằm ở khu vực nội thành (TP.HCM) nhưng từ nhiều năm nay Trung tâm GDTX Q.10 có số giáo viên rất… khiêm tốn. Cô Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc trung tâm – cho biết: “Năm học 2012-2013, tính cả bổ túc (BT) tiểu học và BT trung học, toàn trung tâm có 41 lớp với 1.362 học viên nhưng chỉ có 23 GV đứng lớp”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong con số 23 GV đó chỉ có 11 GV biên chế, còn lại hơn 50% là thuộc diện chưa chính thức như hợp đồng dài hạn, tập sự, thỉnh giảng. Thực tế cho thấy, trung tâm đang thật sự “khủng hoảng thiếu” đội ngũ GV cơ hữu.
Cô Trần Thị Thu Huyền – GV Trung tâm GDTX Q.Phú Nhuận – cho biết: “Dù rất bận rộn vì phải dạy nhiều tiết ở Trung tâm GDTX Q.Phú Nhuận nhưng tôi cũng chia sẻ với sự khó khăn của Trung tâm GDTX Q.10 nên nhận dạy thêm 2 lớp ở đây”. Mặc dù hàng năm đều có sự điều động GV từ Sở GD-ĐT TP.HCM nhưng hiện nay các trung tâm GDTX tại các quận/huyện vẫn thường xuyên “đói” GV. Trung tâm GDTX Q.Tân Bình tuy số lượng GV không thiếu nhiều so với tỷ lệ học viên nhưng nếu xét cục bộ thì vẫn còn “nhiều khoảng trống” cho các thầy cô dạy những môn khoa học tự nhiên như toán, hóa, lý, sinh. Đây cũng là tình trạng chung của các trung tâm GDTX Q.1, Q.3, Gia Định…
Thực tế cho thấy, tuy đội ngũ GV lúc nào cũng “thiếu trước hụt sau” nhưng không bao giờ các trung tâm GDTX để xảy ra tình trạng không có thầy đứng lớp. Giải pháp hay nhất là các trung tâm tự “nhường cơm sẻ áo” mà trường hợp cô Thu Huyền là một ví dụ điển hình. Tương tự, thầy Triệu Quang Thanh tuy là GV dạy vật lý ở Trung tâm GDTX Q.3 nhưng lại có “hộ khẩu” ở Trung tâm GDTX Q.4. Tuy cực trong quá trình “chạy sô” nhưng các thầy cô cũng an tâm vì có thêm thu nhập chính đáng và cơ hội giúp đỡ đồng nghiệp…
Nguyên nhân do đâu?
Cô – trò tại TTGDTX quận Tân Bình, TP.HCM trong một giờ học. Ảnh: A.Khôi
|
Một câu hỏi được đặt ra là hàng năm ngành giáo dục tuyển dụng rất nhiều ứng viên từ các trường sư phạm về nhưng tại sao vẫn thiếu GV tại các trung tâm GDTX? Trả lời câu hỏi này thực ra không khó. Trong kỳ thi tuyển dụng GV năm 2013, mặc dù có thời gian hai năm gắn bó với một trung tâm GDTX nhưng ứng viên H.N vẫn ghi chữ “không” ở mục nguyện vọng khác trong phiếu thông tin đăng ký dự tuyển. H.N thú thật: “Khi thất nghiệp thì phải xin vào dạy GDTX vì không còn con đường nào khác. Nhưng bây giờ được đăng ký tuyển dụng và nhiều cơ hội xin được việc làm chính thức thì xin dạy ở trường phổ thông cũng hay hơn nhiều”. Đây cũng là đích ngắm của nhiều ứng viên trong mùa tuyển dụng năm nay. Vì thế trong phần bài làm của mình khi gặp câu hỏi: “Nếu không được tuyển dụng vào trường THPT thì anh/ chị có chấp nhận công tác ở trung tâm GDTX không?”, Minh T. (có hộ khẩu tại Q.6) đã trả lời thẳng là “không”. Rõ ràng việc nhận công tác tại các trung tâm GDTX đang là điều “bất đắc dĩ” của một số sinh viên mới ra trường. Minh T. tiết lộ: “Nếu năm nay không được tuyển dụng thì em sẽ tiếp tục quay trở lại dạy trường tư thục để sang năm thi lại”. Mặc dù chưa từng dạy ở GDTX nhưng Minh T. cho rằng về trung tâm GDTX sẽ ít cơ hội hơn bên phổ thông(?)
Không chỉ “người ngoài cuộc” mà ngay cả những người đã từng gắn kết với GDTX cũng “dứt áo ra đi” với nhiều lý do khác nhau. Cách đây hai năm, một cô giáo trẻ đã bỏ Trung tâm GDTX T. chuyển sang một trường THPT trên địa bàn Q.Bình Thạnh để làm công tác giám thị. Vì theo cô: Nếu công tác ở GDTX thì vài năm nữa theo chồng về Bình Dương rất khó xin vào dạy ở các trường phổ thông, trong khi vốn dĩ cô không thích dạy GDTX…
Thực tế, những năm gần đây do cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng đổi mới và thực hiện nhiều chuyên đề ứng dụng CNTT nên đã xuất hiện nhiều GV giỏi tại các trung tâm GDTX. Chính nhờ sự nổi tiếng này mà số GV mạng lưới cũng như tổ trưởng chuyên môn tại các trung tâm GDTX có cơ hội “rẽ ngang” để chuyển về trường phổ thông giảng dạy.
Nhưng… không muốn tuyển
Trong những cuộc họp giao ban tại Sở GD-ĐT, nhiều giám đốc trung tâm GDTX than thở là thiếu giáo viên. Và thực tế thì đúng là như vậy. Không phải là Sở GD-ĐT TP không quan tâm phân công giáo viên về các trung tâm GDTX mà phân công thì nhiều nhưng… giáo sinh đến nhận nhiệm sở lại chẳng bao nhiêu.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD-ĐT thì: “Mặc dù thiếu giáo viên nhưng không ít giám đốc trung tâm GDTX đã không báo cáo nhu cầu tuyển dụng lên sở. Phần lớn là do ở những trung tâm này đã có giáo viên dạy hợp đồng, giám đốc trung tâm không muốn tuyển người mới sợ làm đảo lộn hoạt động dạy – học. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Giám đốc sở thì trong đợt tuyển giáo viên lần này phải ưu tiên cho các trung tâm GDTX”.
Cũng theo ông Hiếu, trong đợt tuyển dụng giáo viên cho năm học 2013-2014, đối với bậc THPT có khoảng 1.000 ứng viên tham gia phỏng vấn. Tất cả các trường hợp này đều đạt chuẩn về bằng cấp chuyên môn, đặc biệt có không ít ứng viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi, xuất sắc, nhiều người có trình độ thạc sĩ. Điều đáng nói là phần lớn đều tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn. “Nguồn cung cấp giáo viên cho các trung tâm GDTX rất dồi dào”, ông Hiếu khẳng định.
Để đảm bảo giáo viên cho các trung tâm GDTX, Sở GD-ĐT TP đã yêu cầu các giám đốc trung tâm GDTX nhanh chóng thống kê số giáo viên đang dạy hợp đồng tại đơn vị báo cáo cho sở. Nếu những giáo viên này đảm bảo về thủ tục hồ sơ, bằng cấp chuyên môn và có xác nhận của tổ bộ môn là dạy tốt, đặc biệt giáo viên này phải làm cam kết phục vụ cho đơn vị thì Sở GD-ĐT TP sẽ tuyển chính thức cho các trung tâm GDTX.
Sở dĩ, Sở GD-ĐT TP phải yêu cầu những giáo viên đang dạy hợp đồng tại các trung tâm GDTX làm cam kết phục vụ lâu dài tại đơn vị thì mới tuyển dụng là nhằm tránh tình trạng sau khi được tuyển dụng một thời gian những người này sẽ xin sang các trường THPT và như vậy thì các trung tâm GDTX lại tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.
Hoàng Anh – Kim Anh
Một lãnh đạo trung tâm GDTX chia sẻ: “Không biết bao giờ hệ GDTX hết tình trạng “đói” GV. Và làm thế nào để GV bám trụ với GDTX vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời”. |
Bình luận (0)