Người ta thường nói tác phẩm văn chương là một công trình nghệ thuật ngôn từ. Mà ngôn từ vốn là để mọi người sử dụng để giao tiếp và ứng xử với nhau. Vì thế tác phẩm văn chương suy cho cùng chính là “ngôn từ” mà nhà văn dùng để “giao tiếp” và “ứng xử” với độc giả, với công chúng. Một tác phẩm văn chương hay và có giá trị là một công trình nghệ thuật ngôn từ đẹp, một cách giao tiếp hay và có ý nghĩa.
Thói quen dạy theo công thức
Lâu nay, có một thực tế là giáo viên khi giảng dạy những tác phẩm văn chương cho học sinh thường ít khi chú ý đến vấn đề trên. Nói cách khác, thông thường trước một bài thơ hay một truyện ngắn… giáo viên gần như chỉ làm mỗi công việc là khai thác theo một công thức, một mô hình chung là cố tìm xem chủ đề tư tưởng, nội dung của tác phẩm ấy là gì; hình thức thể hiện tác phẩm ấy ra sao (nhà văn, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì…). Cụ thể, công thức ấy được thực hiện qua các bước như sau (các sách giáo khoa, sách hướng dẫn thiết kế bài giảng dành cho giáo viên văn ở phổ thông hiện nay… đều theo mô hình này):
1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm
2. Nêu chủ đề chính của tác phẩm
3. Phân tích nội dung (nội dung tác phẩm là gì)
4. Phân tích các biện pháp nghệ thuật (có các thủ pháp gì đặc sắc)
5. Kết luận: đưa ra một vài nhận xét rất chung chung
Dĩ nhiên việc khai thác và chỉ cho học sinh hiểu tác phẩm văn chương như thế là không sai nhưng nếu ngẫm kĩ lại thì đó không phải là cái đích đến cuối cùng của việc giảng dạy một tác phẩm văn chương. Vì tìm hiểu tác phẩm văn chương như vậy vốn rất chủ quan, võ đoán và chỉ mang tính tương đối. Bởi ai dám bảo rằng mình hiểu như thế là đúng, là thuyết phục là phù hợp với suy nghĩ của nhà văn đã gửi gắm vào tác phẩm? Cho nên, do quá chú trọng việc khai thác làm sao cho đúng những vấn đề về nội dung và hình thức thể hiện trong tác phẩm văn chương nên hầu như lâu nay giáo viên dạy văn đã quên đi việc giúp học sinh cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương từ một góc nhìn rất quen thuộc, đó là: tác phẩm văn chương ở phương diện nào đó cũng chính là những lời ăn tiếng nói mà nhà văn dùng để “giao tiếp” và “ứng xử” với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Dĩ nhiên sự “giao tiếp” ấy được nói bằng những chi tiết, những tình huống, những hình tượng nghệ thuật…
Tác phẩm văn học: Kho giao tiếp ứng xử
Trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao, có chi tiết con trai Lão Hạc không đủ tiền cưới vợ (vì gia đình người yêu thách cưới quá cao), con trai lão lúc đầu cũng định bán hết ruộng vườn để cưới cho bằng được, nhưng nghe cha khuyên để từ từ rồi tìm đám khác, con trai lão tuy rất buồn nhưng cuối cùng đã nghe theo lời cha không nghĩ đến chuyện ấy nữa. Nam Cao viết: “Lạy trời lạy đất! Nó cũng là thằng khá, nó thấy bố nói thế thì nó thôi ngay, nó không đá động đến việc cưới xin nữa”.
Có thể nói đây là một chi tiết nghệ thuật tuy nhỏ nhưng là một bài học về cách “giao tiếp” “ứng xử” rất hay. Giáo viên nếu tinh tế khai thác chi tiết này giảng dạy cho học sinh sẽ giúp các em cách nhìn nhận về cuộc sống, bồi dưỡng thêm cho các em những tình cảm cao đẹp về ứng xử. Giáo viên có thể liên hệ đặt vấn đề cho học sinh thảo luận bằng câu hỏi: “Các em suy nghĩ gì về bộ phận thanh thiếu niên ngày nay hay đua đòi bắt cha mẹ phải mua sắm cho mình những vật dụng rất đắt tiền (quần áo, xe máy, điện thoại di động… cho bằng bạn bè) dù biết hoàn cảnh gia đình mình không đáp ứng nổi? Cách cư xử đó so với con trai Lão Hạc (vốn là một nông dân nghèo lại không được đi học) ai hơn ai?
Dạy Truyện Kiều mà chỉ nói Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời bất hạnh, Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo, sử dụng điêu luyện, thuần thục thể thơ lục bát của dân tộc thì cũng… bằng thừa. Cần thiết qua tác phẩm này giáo viên phải chỉ ra cho học sinh những cách cư xử giữa người với người trong cuộc sống. Đó là cách cư xử của Thúy Kiều với gia đình và các người yêu của cô (với Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải trong từng hoàn cảnh cụ thể); cách cư xử của Thúc Sinh với Kiều (vợ lẽ) và Hoạn Thư (vợ chính thức); cách cư xử của Từ Hải với triều đình phong kiến lúc bấy giờ; hay những lối cư xử của các nhân vật như: Mã Giám Sinh, mụ Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư… Chắc chắn điều này sẽ giúp cho học sinh nhiều bài học rất bổ ích khi các em bước vào đời sau này.
Khi giảng dạy những tác phẩm thơ thuộc Phong trào Thơ mới trước 1945, đa phần những tác phẩm này đều có chung một đặc điểm (hay tính chất) là: nói lên tâm trạng buồn, cô đơn, bơ vơ lạc lõng của một “cái tôi” nào đó. Nếu dạy những tác phẩm này theo kiểu nêu lên chủ đề, nội dung, các biện pháp nghệ thuật gì đó suy cho cùng sẽ không tác dụng hay bồi bổ gì cho các em về mặt cảm xúc, tình cảm. Ở tuổi các em mà chỉ nói buồn, cô đơn, lạc lõng, chán chường… liệu các em có còn thích học văn nữa không? Thiết nghĩ, với những tác phẩm này bên cạnh việc giảng giải cho các em tìm hiểu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm điều quan trọng nhất là phải dạy cho các em cách cư xử hay “ứng xử” của các nhà thơ mới với cuộc đời mà họ đang sống. Cách ứng xử đó là gì? Đó là, (khi sáng tác những tác phẩm ấy) các nhà thơ cũng chỉ trạc tuổi các em bây giờ nhưng họ dám khẳng định mình trước cuộc sống; dám thể hiện cá tính riêng của mỗi người (cái tôi); bằng những suy nghĩ độc lập và chân thành tha thiết họ dám nói lên những điều họ suy nghĩ về cuộc sống xung quanh để chia sẻ với mọi người, với cuộc đời… Rõ ràng nếu giáo viên chỉ ra cho học sinh những bài học ứng xử này chắc chắn các em sẽ thích thú hơn, sẽ phát huy, sẽ kích thích sự sáng tạo, lối suy nghĩ độc lập của học sinh không những trong học tập mà còn những vấn đề của cuộc sống hiện tại.
***
Tóm lại, dạy văn chương giáo viên không nên khai thác tác phẩm một cách quá cứng nhắc theo công thức: tìm hiểu chủ đề, nội dung, hình thức… Vì vẻ đẹp của một tác phẩm văn chương còn là những bài học về “giao tiếp” và “ứng xử” của nhà văn với mọi người và cuộc đời. Dạy cho các em những bài học ứng xử là rất quan trọng bởi trước khi các em rời mái trường sư phạm để bước vào đời ngoài kiến thức chuyên môn thì cách giao tiếp, ứng xử đẹp, chân thành với mọi người và xã hội là vô cùng cần thiết.
Nguyễn Trọng Bình (Trường Đại học Cửu Long)
Cần Thơ, 8-2008
Bình luận (0)