Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT ngày 10/3 gửi Chính phủ, học kỳ 1 năm học 2008 – 2009, cả nước có 86.269 HS bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,56% trong hơn 15,3 triệu HS cả nước. Đứng đầu bảng là nguyên nhân "học lực yếu kém" (38,03%), tiếp đến là do hoàn cảnh gia đình khó khăn (30,36%).
Số liệu này được tính từ khai giảng năm học đến 31/12/2008.
Cụ thể, tỷ lệ HS bỏ học ở tiểu học là 0,13% (gần 9.000 HS); THCS 0,7% (gần 40.000 HS) và THPT là 1,29% với hơn 38.000 HS.
Đồng bằng sông Cửu Long có số HS bỏ học cao nhất cả nước với gần 25.000 HS, chiếm tỷ lệ 0,88%.
Nhưng Tây Nguyên lại có con số về tỷ lệ cao nhất 0,96% với hơn 11.000 HS.
HS Trường THCS Liên Châu, Vĩnh Phúc (Ảnh minh họa: Bảo Anh)
|
Theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ HS phổ thông bỏ học kỳ 1 năm học 2008-2009 đều giảm so với cùng kỳ năm trước (0,94%) và năm học 2006-2007 (0,9%).
Tương tự như vậy, tỷ lệ này cũng giảm ở các vùng. Đặc biệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ HS bỏ học giảm còn 0,88%, trong khi năm học 2007-2008 là 3,1%, cao nhất cả nước.
Có 5 nguyên nhân chủ yếu để thống kê số HS bỏ học: hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; học lực yếu kém; xa trường đi lại khó khăn; do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh (đột xuất ảnh hưởng đến cả địa phương) và nguyên nhân khác.
Bộ GD-ĐT cũng nói rõ, mỗi HS bỏ học được thống kê theo một hoặc nhiều nguyên nhân. Do đó, số HS phổ thông bỏ học sẽ nhỏ hơn hoặc bằng tổng số HS phổ thông bỏ học chia theo các nguyên nhân trên.
Theo cách thống kê này, HS phổ thông bỏ học do học lực yếu kém chiếm 38,03%, có tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân với hơn 33.000 trường hợp; tiếp đến là do hoàn cảnh gia đình khó khăn 30,36% (26.300 trường hợp) và thấp nhất là do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh (1,13%) với 977 trường hợp.
Bộ đã hướng dẫn các Sở GD-ĐT tính HS bỏ học theo khái niệm: là HS có trong danh sách của trường, nhưng đã tự ý nghỉ học quá 45 buổi (cộng dồn), tính đến thời điểm báo cáo. Không tính HS chuyển từ trường phổ thông này sang trường phổ thông khác hoặc chuyển sang học bổ túc văn hóa, học nghề, học TCCN.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, các địa phương đều đã tiến hành kế hoạch và tăng cường giúp đỡ, bồi dưỡng HS học lực yếu kém ngay từ đầu năm học. Với HS có hoàn cảnh khó khăn, Bộ chỉ đạo vận động HS trong trường, các tổ chức xã hội hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, miễn giảm học phí… Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên đã có những biện pháp tốt để hạn chế tình trạng HS THCS bỏ học làm ảnh hưởng đến kết quả phổ cập giáo dục THCS.
Bảo Anh (Vietnamnet)
Bình luận (0)