Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm hiệu trưởng: Dễ hay khó?: KỲ 2: Đau đầu với các vấn đề xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Để có được cơ sở vật chất khang trang như thế này, không ít hiệu trưởng đã tự mình bỏ tiền túi (hình chỉ mang tính chất minh họa)

Bên cạnh những nỗi niềm riêng, hiệu trưởng không chỉ chịu áp lực từ phía nhà trường mà còn chịu nhiều điều tiếng về mặt xã hội.
Nan giải… bệnh thành tích
Tháng 9-2006, Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ thị số 33/2006/CT-TTg về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và cuộc vận động hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Nhưng thực tế cho thấy căn bệnh chạy theo thành tích vẫn âm thầm tồn tại. Các trường chạy theo thành tích vì một lẽ rất đơn giản và… khôi hài: cấp trên dựa trên thành tích đạt được để đánh giá thi đua, người ngoài nhìn vào thành tích để thấy được sự phát triển của ngôi trường. Và một bộ phận không nhỏ phụ huynh cũng dựa vào đó để quyết định việc chọn trường cho con em mình. Tất cả những lý do đó đủ thấy thành tích có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển và uy tín của một trường học. “Không trường nào lại không chạy theo thành tích. Chúng ta rất cần thành tích nhưng đó phải là thành tích thực, được xây dựng bởi chính thực lực và sự chung tay của toàn tập thể. Thành tích đó mới đáng quý và lâu bền”, thầy Phạm Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức chia sẻ.
Lời tâm sự của thầy Tâm cũng chính là tâm tư của nhiều hiệu trưởng về vấn đề thành tích trong trường học. Bản thân họ khi đề cập đến vấn đề này cũng đều tế nhị “ngụy trang” theo kiểu “trường tôi không chạy theo thành tích”. Nhưng đằng sau câu nói đó là cuộc chạy đua âm thầm không ngừng nghỉ. Có hiệu trưởng nào bằng lòng với thành tích trường mình năm nay kém hơn năm trước? Và có ai lại không đau lòng khi nhìn thấy tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, ĐH chỉ bằng một nửa của năm trước?… “Tất nhiên chẳng có ai chỉ trích gì về kết quả của mình nhưng thành tích kém thì tự bản thân người hiệu trưởng cảm thấy buồn thôi. Nhất là trong các cuộc họp với lãnh đạo, với các hiệu trưởng trường khác. Thậm chí có người còn chẳng muốn đi họp nữa”, thầy Trần Thanh Huấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương cho biết.
Tuy nhiên, tất cả mọi công sức sẽ “tan thành mây khói” nếu chẳng may trường trở thành tiêu điểm của báo chí vì một vụ việc “ngoài tầm kiểm soát”. “Có rất nhiều người đưa ra những luận điểm, đánh giá rất hay dù họ không phải là nhà giáo. Nhưng đó cũng là “con dao hai lưỡi”, vừa giao thiệp lại vừa phải đề phòng. Một câu nói vô tình nhiều khi cũng làm nên sóng gió”, một hiệu trưởng thổ lộ. Khi xét duyệt thi đua, khen thưởng, vụ việc đó cũng sẽ được xem xét, trường sẽ bị “tụt bậc”. Chính vì lẽ đó, người hiệu trưởng cũng phải là người khéo léo trong vấn đề “ngoại giao” với báo chí, phải biết nên và không nên trả lời những gì. Trong bất cứ cuộc tiếp xúc nào với phóng viên, họ luôn phải cân nhắc kĩ lưỡng để không bị “lỡ lời”. Có hiệu trưởng đã tâm sự rằng: “Nhiều lúc tôi thầm ước: phải chi phóng viên cũng là những nhà giáo để hiểu hết nỗi khổ của người đứng trên bục giảng, của người làm công tác quản lý trường học”.
Bài toán “xã hội hóa giáo dục”
Làm thế nào để có được những thành tích thực trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội? Điều này bắt buộc mỗi hiệu trưởng phải liên tục đổi mới cách nghĩ, cách làm để tìm ra giải pháp phù hợp, nhằm nâng thành tích trường mình lên.
Một vấn đề mà các trường thường xuyên gặp phải đó là các khoản chi tiêu tài chính. Đây không chỉ là chuyện riêng của bất cứ trường công lập hay tư thục nào. Bởi vì nguồn kinh phí mỗi trường đều có giới hạn do ngân sách Nhà nước chi ra chỉ nằm trong một chừng mực nhất định. “Nhiều lúc chúng tôi có làm đề nghị lên cấp trên, nhưng nói thật “được vạ thì má cũng sưng”. Chỉ vì một khoản tiền mà phải làm đơn từ, xác nhận đến chục lần. Xong xuôi đâu đấy lại tiếp tục… mỏi cổ ngồi chờ. Mà đâu phải lần nào cũng được phê duyệt”, hiệu trưởng một trường tiểu học tâm sự. Nguồn kinh phí eo hẹp, trong khi có nhiều khoản tiền “chưa rõ mặt” cần “đặt tên” như: tiền trang bị cơ sở vật chất, tiền thưởng cho học sinh và giáo viên, tiền mua thuốc men trong mùa dịch bệnh… tất cả đều trông chờ vào các khoản tiền đóng góp từ phụ huynh (xã hội hóa giáo dục). Ngoài ra, vấn đề quỹ hội cùng một vài khoản phụ thu khác luôn được “tế nhị” đề cập tại các cuộc họp thường kì đầu năm ở mỗi trường nhưng không phải ở trường nào vấn đề “tế nhị” này cũng diễn ra “xuôi chèo mát mái”. Đằng sau bức tranh xã hội hóa đó còn biết bao chuyện “cười ra nước mắt” mà hiệu trưởng là người đầu tiên phải chịu tai tiếng. “Nhà trường thu tiền từ phụ huynh để lo cho công tác giáo dục, lo cho chuyện học hành của con em họ. Nhưng nhiều khi chỉ vài phụ huynh có thái độ không bằng lòng và phản ánh với báo chí về khoản phụ thu do nhà trường đề ra (trong khi nhiều phụ huynh khác đồng ý) thì hiệu trưởng phải mệt mỏi giải trình với lãnh đạo, với báo chí và với cả những phụ huynh đó nữa”, một hiệu trưởng chua chát nói.
Vì vậy đã có không ít hiệu trưởng phải tự mình bỏ tiền túi để xây dựng, mua sắm các trang thiết bị trường học. Chúng tôi đã được một hiệu trưởng kể về sự đóng góp của mình từ những ngày đầu về làm hiệu trưởng một ngôi trường. Thầy đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn (so với mức sống ngày đó) để tu bổ một góc sân vườn tồn tại mấy chục năm nhưng không được ai nhòm ngó bởi cây cối um tùm, nước và rác thải đầy rẫy. Mười mấy năm gắn bó với ngôi trường, không biết bao nhiêu lần thầy thay phụ huynh làm công tác xã hội hóa giáo dục ngay trong trường mình. Và còn có rất nhiều những hiệu trưởng như thế, dốc trọn lòng mình cả về vật chất lẫn tinh thần cho sự phát triển của ngành giáo dục nhưng mấy ai biết được.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Nhất cử nhất động, mọi việc tốt hay xấu đều có thể ảnh hưởng tới thành tích của nhà trường. Bởi vì có quá nhiều yếu tố tác động như: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năng lực học sinh, hoạt động ngoại khóa…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)