Những hoạt động văn nghệ như thế này (ảnh) không nhất thiết phải có “bàn tay” của hiệu trưởng nhúng vào hò hét, đốc thúc học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Đội ngũ trí thức, một bộ phận rất sáng tạo nhưng cũng rất nhạy cảm khi đối diện với cách quản lý máy móc vô cảm. Quản lý con người phải đưa mệnh lệnh từ trái tim đến trái tim, làm thế nào để mỗi mệnh lệnh đưa ra đều có sức khơi dậy lòng nhiệt tình mong muốn cống hiến của tất cả mọi người.
Tôi xin được nêu lên cảm nghĩ của mình sau khi biết được tính cách của hiệu trưởng trường A và hiệu trưởng trường B qua đề thi.
1. Trước hết xin nói về ông hiệu trưởng A. Hình như ông không tin ai cả nên trong trường bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn ông đều tham gia, thậm chí bộ môn chính giảng dạy là ngoại ngữ mà ông vẫn cứ đâm sầm vào dự giờ các môn khác và sau đó “góp ý chỉ đạo xem ra rất bài bản!”. Việc chuyên môn đã vậy, chuyện học sinh xếp hàng chào cờ ông vẫn cứ “hò hét đốc thúc từng lớp chỉnh đốn đội ngũ”… Như trên tôi đã nói, hiệu trưởng A là người không tin ai cả nên bất cứ việc gì cũng can dự nhúng tay vào, từ chỗ đó sẽ dẫn người ta đến suy luận: Những người chung quanh ông đều có mặt hạn chế về năng lực (điều này chỉ là suy luận, chắc chắn sẽ không đúng!) hoặc suy nghĩ sâu hơn một chút, ông hiệu trưởng này được bổ nhiệm nhưng không qua lớp quản lý giáo dục, đang rơi vào giải pháp tình thế vừa làm vừa học việc… cho nên lĩnh vực nào cũng lăn xả vào… học. Chưa kể trong thực tế tôi đã từng thấy hiệu trưởng đi quét màng nhện vì phân công không đúng người đúng việc nên người này đùn đẩy người kia, cuối cùng không ai làm. Tôi vẫn hy vọng, trong công cuộc đổi mới như hiện nay mẫu người như ông hiệu trưởng trường A sẽ không tồn tại nếu có chỉ là một dạng của đề thi.
Còn ông hiệu trưởng trường B lại là dạng đối lập hoàn toàn với ông A. Ông quản lý theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý, báo cáo. Nếu ông đã quản lý theo kế hoạch và phân công, phân nhiệm cụ thể mà vẫn còn bị than phiền là quan liêu thiếu sâu sát thì ta có thể hiểu ông đã quản lý con người một cách máy móc. Có tầm nhưng thiếu tâm.
2. Theo tôi, tiêu chí một hiệu trưởng trong đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện: điều kiện cần có lẽ hiệu trưởng phải là người yêu nghề dạy học và cư xử thân ái với con người. Chỉ có yêu nghề mới mong mỏi đội ngũ nâng cao tay nghề và khơi dậy lòng hiếu học nơi học sinh. Thân ái với con người không chỉ hiểu nỗi thống khổ niềm đau mà còn biết phát hiện tài năng để bồi dưỡng họ trở thành con người hữu ích cho xã hội. Điều kiện đủ là người hiệu trưởng phải có lý tưởng phục vụ xã hội, phục vụ đất nước không vì những cản ngại tạm thời mà nhạt phai lý tưởng. Và để phục vụ tốt người hiệu trưởng phải có tri thức, trình độ nắm bắt cái mới, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu trước đó.
Là giáo viên lăn lộn với nghề nhiều năm tôi nhận thấy mình cần hưởng ứng và tham gia tích cực những điều mà nhà trường yêu cầu đổi mới như tự nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, suy nghĩ tìm tòi để áp dụng rộng rãi những sáng kiến kinh nghiệm của mình hoặc của đồng nghiệp; qua đó tạo hứng thú trong học tập của học sinh và điều quan trọng hơn là tạo ra từ trường thu hút niềm say mê của đồng nghiệp, họ ra sức thi đua phát hiện cái mới và tham gia đổi mới phương pháp một cách tích cực. Mong sao mỗi giờ trên bục giảng là những giờ sáng tạo tìm tòi, không thể hài lòng với cách dạy cũ. Hằng năm thầy cô giáo đều đối diện với học sinh mới, chúng ta phải trăn trở tìm phương pháp mới sao cho khi giảng dạy phải đem lại hiệu quả tốt nhất.
Phạm Kim Sơn
(GV Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Tân Bình)
Bình luận (0)