Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới phương pháp dạy học môn hóa: Những kỹ năng cần lưu ý

Tạp Chí Giáo Dục

GV phải dự kiến câu hỏi xen kẽ với những yêu cầu HS hoạt động để hướng dẫn các em tiếp cận với kiến thức bài mới. Ảnh: N.Anh
Từ nhiều năm nay, giáo án của giáo viên (GV) hay trong hướng dẫn giảng dạy, mục tiêu bài học (mục đích yêu cầu) thường viết chung chung như: nắm được tính chất hóa học của oxit, axit, bazơ, muối, nắm được khái niệm về phản ứng trung hòa, phản ứng thế, phản ứng trao đổi… Nhiều khi mục tiêu còn được hiểu là những điều mà GV sẽ phải làm trong quá trình giảng dạy: “Cung cấp cho học sinh (HS) những kiến thức cơ bản, củng cố khái niệm các loại hợp chất vô cơ, rèn luyện kĩ năng…”. Với cách trình bày mục tiêu bài học như vậy ta không có cơ sở để biết khi nào HS đạt được mục tiêu đó.
Cần lượng hóa đúng mục tiêu của bài dạy
Với định hướng dạy học mới, mục tiêu của bài học được thể hiện bằng sự khẳng định về kiến thức, kĩ năng và thái độ mà người học sẽ phải đạt được ở mức độ nhất định sau tiết học (chứ không phải là hoạt động của GV trên lớp như trước đây). Mục tiêu của bài học sẽ là căn cứ để đánh giá chất lượng học tập của HS và hiệu quả thực hiện bài dạy của GV. Do đó mục tiêu của bài học phải cụ thể sao cho có thể đo được hay quan sát được, tức là mục tiêu bài học phải được lượng hóa. Người ta thường lượng hóa mục tiêu bằng các động từ hành động, một động từ có thể dùng ở các nhóm mục tiêu khác nhau: Nhóm mục tiêu thái độ, thường dùng các động từ như tuân thủ, tán thành, phản đối, hưởng ứng, chấp nhận, bảo vệ, hợp tác…; nhóm mục tiêu kiến thức đối với THCS ta chú trọng lượng hóa theo 3 mức độ (trong 6 mức độ) nhận thức của Bloom: mức độ nhận biết, mức độ thông hiểu, mức độ vận dụng;nhóm mục tiêu kĩ năng được tạm chia làm 2 mức độ: làm được và làm thành thạo một công việc. Các động từ thường dùng là: nhận dạng, liệt kê, thu thập, phân loại, tính toán, làm thí nghiệm, sử dụng…
Ví dụ: Khi nêu mục tiêu về kiến thức và kĩ năng của bài học “Tính chất hóa học của muối” (thuộc chương trình lớp 9), nếu ta viết: HS phải nắm vững tính chất hóa học của muối, khái niệm phản ứng trao đổi… thì mục tiêu bài học đó chưa được lượng hóa. Để lượng hóa mục tiêu đó, ta sử dụng các động từ hành động như sau:
Nhận biết tác dụng của dung dịch muối với kim loại, dung dịch axit, dung dịch bazơ, dung dịch muối, nhiều muối bị nhiệt phân hủy ở nhiệt độ cao như thế nào? (mức độ nhận biết).
Quan sát các hiện tượng trong thí nghiệm, từ các phương trình phản ứng rút ra kết luận về khái niệm và điều kiện xảy ra phản ứng trao đổi (mức độ thông hiểu).
Biết viết phương trình phản ứng hóa học minh họa tính chất hóa học của muối, vận dụng một số công thức để giải quyết một số bài tập về tính chất hóa học của muối (mức độ vận dụng và mức độ kĩ năng làm được).
Với những yêu cầu về từng nhóm mục tiêu đã trình bày ở trên, người GV dựa vào chuẩn kiến thức để xác định được phần giảm tải kiến thức để tinh giản hóa kiến thức bài dạy. Trong việc lượng hóa đúng mục tiêu giảm tải kiến thức của bài dạy GV cần lưu ý phần định tính là trọng tâm còn phần định lượng chỉ ở mức độ: biết, hiểu, vận dụng ở mức độ đơn giản (hóa học THCS chỉ chú trọng về phần định tính).
Tổ chức cho HS hoạt động
Đầu tiên là lựa chọn nội dung kiến thức để tổ chức cho HS hoạt động. Khi soạn bài GV phải xác định được phần kiến thức mà HS phải thu thập liên quan đến hình thức hoạt động nào trong các loại hoạt động: hoạt động cá thể, hoạt động theo cặp, hoạt động theo nhóm, hoạt động lớp. SGK đã trình bày các đơn vị kiến thức theo các định hướng hoạt động. Trong từng đơn vị kiến thức, GV có thể tổ chức những hoạt động khác nhau để HS chiếm lĩnh kiến thức.
Trong mỗi hoạt động, GV dự kiến hệ thống câu hỏi xen kẽ với những yêu cầu HS hoạt động để hướng dẫn các em tiếp cận, tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới. Hệ thống câu hỏi của GV nhằm hướng dẫn HS tiếp cận, phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức trong từng hoạt động giữ vai trò chỉ đạo, quyết định chất lượng lĩnh hội của lớp học. Muốn vậy, giáo viên phải: giảm số câu hỏi có yêu cầu thấp về mặt nhận thức, mang tính chất kiểm tra, chỉ yêu cầu nhớ lại kiến thức đã biết và trả lời dựa vào trí nhớ, thường chỉ có một câu hỏi trả lời đúng, ngắn, không cần suy luận. Loại câu hỏi này thường được dùng khi cần đặt mối liên hệ giữa kiến thức đã học với kiến thức sắp học, khi HS đang tiến hành, luyện tập hoặc khi củng cố kiến thức vừa mới học.
Một số kĩ năng đặt câu hỏi
Đầu tiên là câu hỏi biết ứng với mức độ lĩnh hội 1 “nhận biết”: mục tiêu của loại câu hỏi này là để kiểm tra trí nhớ của HS về các dữ liệu, số liệu, các định nghĩa, tên tuổi, địa điểm… Thứ hai là câu hỏi hiểu ứng với mức độ lĩnh hội 2 “thông hiểu”: mục tiêu của loại câu hỏi này là để kiểm tra cách HS liên hệ, kết nối các dữ liệu, số liệu… Thứ ba là câu hỏi vận dụng ứng với mức độ lĩnh hội 3 “vận dụng”: mục tiêu của loại câu hỏi là để kiểm tra khả năng áp dụng các dữ liệu, các khái niệm, các quy luật, các phương pháp… vào hoàn cảnh và điều kiện mới. Thứ tư là câu hỏi phân tích ứng với mức độ lĩnh hội 4 “phân tích”: mục tiêu của loại câu hỏi này là để kiểm tra khả năng phân tích nội dung vấn đề, từ đó đi đến kết luận, tìm ra mối quan hệ hoặc chứng minh một luận điểm…
Lưu ý: Khi đặt câu hỏi GV nên đặt câu hỏi yêu cầu HS tư duy; đặt câu hỏi phù hợp với khả năng; đặt các câu hỏi theo trình tự nội dung bài giảng kết hợp đưa thêm kiến thức sau khi trả lời câu hỏi; câu hỏi cần ngắn gọn, đầy đủ và gây sự chú ý của HS trước khi đặt câu hỏi; diễn đạt câu hỏi rõ ràng và dành đủ thời gian HS suy nghĩ trước khi trả lời. GV không nên đặt câu hỏi chỉ trả lời đúng hoặc sai, mập mờ, không xác định hay không hỏi những câu hỏi quá khó; không nên gọi tên HS trước khi đặt câu hỏi và không tập trung câu trả lời vào một số HS khá.
Nguyễn Thị Hoa Lan
(GV Trường THCS Độc Lập, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Trong từng hoạt động, GV có thể phát huy tính tích cực nhận thức của HS ở những mức độ khác nhau, kinh nghiệm cho thấy khi dạy học theo hướng tích cực hoạt động nhận thức của HS, trong một tiết học, GV thường dễ bị “cháy giáo án”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)