Đề kiểm tra Tập làm văn học kỳ II, năm học 2010-2011 (Tả cảnh trường em sau buổi học) dành cho học sinh lớp 5 của sở GD-ĐT TP.HCM đang tạo ra một cuộc tranh luận với nhiều ý kiến khác biệt.
Với tư cách là người tham gia đào tạo giáo viên giảng dạy môn tiếng Việt ở tiểu học, tôi cũng suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Bản chất của vấn đề nằm ở đâu và như thế nào?
Phụ huynh hay giáo viên hãy học cách vui với việc con trẻ của chúng ta đạt được giá trị nhân cách nào đó, hơn là vui chỉ vì đạt được điểm 9 hay 10…
Nếu so với đề tập làm văn của bốn năm học liên tiếp trước thì có thể thấy năm nay sở GD-ĐT TP.HCM đã thực hiện chủ trương đổi mới cách ra đề:
– Hãy tả lại quang cảnh một nơi em đã có dịp đến thăm (như khu du lịch, khu di tích lịch sử, nơi triển lãm, hội chợ, cánh đồng, dòng sông…) (2006-2007)
– Mỗi ngày ở trường học tập, ngoài hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên đang dạy trên lớp, em còn đươc sự chăm sóc, dạy dỗ của những người khác (như thầy cô tổng phụ trách Đội, phụ trách thư viện, bảo mẫu, các cô chú ở phòng y tế, bảo vệ…). Hãy tả lại một người đã để lại cho em một kỷ niệm đáng nhớ trong số những người ấy. (2007-2008).
– Tả một người bạn thân đang học cùng trường hoặc gần nhà em ở (2008-2009).
– Trong các con vật mà em có dịp quan sát, có một con vật đã làm em chú ý và yêu thích. Hãy tả lại con vật đó và bày tỏ những suy nghĩ cùng hành động của em nếu như em được nuôi dưỡng (2009-2010).
– Tả trường em sau buổi học. (2010-2011).
So với đề năm học này, bốn đề tập làm văn trước có tính chất mở hơn. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm như tạo điều kiện cho học sinh vận dụng sáng tạo, thể hiện khả năng diễn đạt…, đề tự luận dạng mở rộng ở cấp học nào cũng luôn hàm chứa một khoảng thoáng gợi cho giáo viên kiểu ôn luyện học “tủ” cho học sinh. Trong trường hợp này, giáo viên có thể đã cho học sinh chuẩn bị một số bài viết bằng cách dựa vào văn mẫu hay dựa vào giúp đỡ của người lớn. Hoặc nếu không có những bài chuẩn bị kiểu ấy, thì học sinh cũng có thể nhớ và viết lại bài văn thuộc thể loại liên quan mà mình đã từng làm trong năm học. Và như thế, với kiểu đề như của bốn năm trước, học sinh hoàn toàn có thể an tâm rằng mình không lạc đề, thậm chí có thể đạt điểm cao nhờ văn phong đã được trau chuốt. Và cũng như thế, ý định tốt đẹp của người ra đề không được thực hiện, và phần bản chất tốt đẹp của loại đề tự luận cũng bị bóp mép lệch lạc do những động cơ hay lý do nào đó.
Đề tập làm văn năm này giới hạn hơn, song lại không tạo nên “cơ hội luồn lách” như các đề trước bởi vì học sinh phải biết hiểu ý nghĩa ngôn từ của đề, hiểu yêu cầu thực hiện, và có thể cũng để nhận ra rằng nó giống nhưng lại thật không giống với đề tập làm văn đã được ôn luyện trong sách giáo khoa (“Tả cảnh trường em trước buổi học”, trang 144 sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2). Làm được điều này, con em của chúng ta chứng tỏ rằng mình đã đạt được các kĩ năng viết văn cơ bản, điều cần cho các em học tốt không chỉ môn Tiếng Việt mà cả các môn học khác bậc học kế tiếp (lớp 6), bởi vì theo chương trình tiểu học, đọc kĩ đề và xác định yêu cầu đề, trên cơ sở đó phát triển ý tưởng phù hơp với một thể loại đã học để viết thành một bài văn khoảng 20-25 dòng là những chuẩn kĩ năng mà học sinh lớp 5 phải đạt được sau năm học tiểu học.
Hơn nữa, chúng ta hãy lấy làm vui hơn bởi nếu con em chúng ta làm được đề văn này, các em còn cho người lớn thấy rằng mình đã được rèn luyện thành một học sinh kĩ lưỡng, kiên nhẫn và có tiềm năng lao động trí óc tốt, làm việc gì cũng suy nghĩ cân nhắc.
Còn việc cho rằng từ “buổi” trong đề tập làm văn “Tả cảnh sân trường sau buổi học” là không rõ ràng dẫn học sinh đến chỗ lạc đề thì tôi nghĩ khác. Trong trường hợp này, theo tôi, “buổi” có thể được hiểu là một phần học của một môn học nào đó kéo dài trong vài ba tiết, vì vậy hay được diễn đạt như “buổi học toán, buổi học tiếng Anh”. Tuy nhiên cách hiểu này có lẽ chỉ xuất hiện trong trí của người học lớn như học sinh trung học hay sinh viên đại học. Thực tế đang tồn tại hai loại đối tượng học tập: “học sinh học một buổi (hoặc buổi sáng hoặc buổi chiều) và học sinh học hai buổi” trong trường tiểu học hiện nay có lẽ không có cơ sở cho trẻ suy luận rằng “buổi” trong “sau buổi học” là sau một phần học gồm khoảng 2 tiết học của một buổi học, nghĩa là “sau giờ chơi”.
Bất cứ nỗ lực cải cách nào trong giáo dục đều hướng đến việc giúp trẻ phát triển năng lực và nhân cách của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các cải cách ấy có thể không hoàn toàn thành công vì những lý do chủ quan, khách quan nào đó. Để hướng đổi mới này đi đến đích của nó, tôi thiết nghĩ nhân dịp này, các nhà giáo dục TP.HCM hãy khảo sát thống kê xem bao nhiêu phần trăm trên 90.000 học sinh lớp Năm lạc đề, và mức độ lạc đề như thế nào. Trên kết quả ấy, xây dựng kế hoạch điều chỉnh phương pháp dạy học và cách thức tổ chức quản lý dạy và học cho phù hợp để quá trình đánh giá kết quả học tập thật sự trở thành động lực thúc đẩy học sinh học tập và phát triển, trở thành công cụ kiểm soát chất lượng dạy học. Quan điểm, đường hướng thay đổi này không chỉ được tiến hành ở lớp Năm mà phải được thực hiện ngay từ lớp đầu cấp. Trách nhiệm học sinh lớp Năm không làm được bài không hoàn toàn là của giáo viên lớp Năm. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh lớp Năm là của toàn bộ quá trình giáo dục học tập suốt 5 năm của bậc tiểu học, trong đó có cả vai trò của phụ huynh và các thành viên liên quan khác trong xã hội.
Hãy cùng nhìn về một hướng: giúp trẻ phát triển nhân cách và tiềm năng và chung tay thực hiện sứ mệnh nhân văn ấy. Có lẽ phụ huynh hay giáo viên hãy học cách vui với việc con trẻ của chúng ta đạt được giá trị nhân cách nào đó, hơn là vui chỉ đơn giản vì các em đạt được điểm 9 hay 10 và vào được trường chuyên, trường chọn.
Theo Hoàng Tuyết
(Khoa Giáo dục tiểu học – ĐH Sư phạm TP.HCM)
SGTT
Bình luận (0)