Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Câu chuyện giáo dục: Ép học trò gian lận thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Một lần tôi đến nhà thăm người bạn học cũ là anh Hùng, thấy cháu Tuấn – con anh – đang  chơi ngoài sân, tôi hỏi: “Năm nay con học lớp mấy rồi. Con ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 2 chưa?”. Cháu liền trả lời: “Thưa bác, năm nay con học lớp 3. Dạ, con không cần chuẩn bị gì cả. Có năm nào con học bài đâu mà cũng đạt danh hiệu học sinh (HS) giỏi”. Tôi nhíu mày: “Sao lạ vậy con?”, thì cháu nói: “Dạ, tại lúc thi cô giáo hay xếp chỗ ngồi, cứ một bạn học giỏi thì ngồi chung bàn với bạn học yếu. Bạn học giỏi phải cho bạn học yếu coi bài. Cô còn nói nếu em nào biết làm bài mà không cho bạn chép thì sẽ bị cô phạt quì gối. Bởi vậy nên năm nào con cũng không có học nhưng vẫn đạt HS giỏi”.
Nghe những gì cháu Tuấn nói, tôi thấy thẫn thờ. Thật sự điều cháu nói có đúng không? Lẽ nào lại có thầy cô ép học trò mình gian lận trong thi cử? Tôi hỏi anh Hùng về việc này thì anh khẳng định điều cháu Tuấn nói là đúng sự thật. Trước đây khi nghe con nói chuyện này anh hết sức bất ngờ nhưng sự thật là như vậy. Hiệu trưởng nhà trường ra chỉ tiêu cho giáo viên (GV) phải dạy làm sao mà tất cả HS đều phải lên lớp và có chỉ tiêu HS đạt loại giỏi càng cao, càng tốt. Bởi tỉ lệ HS giỏi là tiêu chí đánh giá thi đua của GV vào cuối năm học. Nếu GV nào dạy mà có HS bị thi lại hay lưu ban thì bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ. Vì chỉ tiêu mà nhiều em giỏi phải ngồi chung bàn với em yếu. Thầy cô hăm he bắt buộc em học giỏi phải cho em học yếu coi bài nếu không sẽ bị phạt nặng. Bởi vậy mà mấy năm nay cháu Tuấn luôn đạt danh hiệu HS giỏi trong khi anh Hùng biết năng lực học của con không phải như vậy. Mỗi lần thấy con ôm phần thưởng về nhà khoe là anh Hùng và vợ rất buồn. Làm sao vợ chồng anh Hùng không buồn khi con đạt danh hiệu HS giỏi mà nhiều bài toán cộng, trừ, nhân chia làm còn chưa rành. Chữ viết thì sai chính tả rất nhiều. Dù con học giỏi nhưng anh chị không dám treo giấy khen của con trong nhà vì thấy ái ngại làm sao. Anh Hùng còn tiết lộ “cuối năm lớp 2, lớp của cháu có 30 HS giỏi và 5 em tiên tiến. Không có em nào bị xếp loại trung bình!”…
Tôi tự hỏi: Bệnh thành tích tại sao cứ tồn tại mãi và vì bệnh này mà nhiều thầy cô đã mất đi lòng tự trọng. HS sẽ nghĩ sao khi thầy cô dạy chúng giả dối khi kiểm tra?
Tôi nhớ lại thời còn học phổ thông bao giờ số HS giỏi trong lớp cũng chiếm rất ít so với số HS trung bình và yếu. Bây giờ thì nhiều thầy cô dạy quá giỏi khi trong lớp có 100% là HS giỏi. Chẳng lẽ thời trước thầy cô dạy dở hơn thời nay? Tôi thì nghĩ ngược lại, thời trước thầy cô mới dạy giỏi hơn bây giờ. Dù bây giờ đã là thầy giáo nhưng nhiều bài học ngày xưa tôi vẫn còn nhớ thì không thể nói thầy cô dạy dở được.
Hiện tôi là thầy giáo dạy toán bậc THCS. Dù môn toán là môn học chính nhưng các em HS vẫn cứ thờ ơ trong giờ học. Nhiều em cứ quen cái kiểu “chẳng cần học vẫn được điểm cao vì được “rèn luyện” cái tài xem bài của bạn”. 
Không thuộc bài, không làm bài đã trở thành căn bệnh mãn tính của nhiều HS mà thầy cô đành chào thua.
Nguyễn Thanh Dũng (Long An)

Bình luận (0)