Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

37 năm với… nghiệp dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Kiên (bìa phải) và ba người em
Để viết về một con người mà ta trân quý không phải là điều dễ dàng. Tôi đã thai nghén, đã trăn trở một thời gian rất dài để hôm nay có thể tạm gọi là ghi chép lại chút cảm nhận của mình về một người bạn, một đồng nghiệp hay có thể là gì đó!
Tôi quen và biết thầy Trần Trung Kiên không lâu – nhưng đó là một quãng thời gian tạm đủ cho tôi hiểu chút chút một con người. Với tôi điều trân trọng nhất ở thầy Kiên là sự thủy chung của một người chồng, người bạn; luôn dành hết tình yêu thương cho gia đình nhỏ và các em; là sự cần mẫn lẫn quyết đoán trong công việc và hơn hết ở thầy còn là con người sống rất tình cảm.
Sinh ra và lớn lên ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, tuổi thơ của thầy Kiên gắn bó không chỉ với lớp học mà cả với mảnh vườn, bờ ruộng, những đìa cá… cùng những ngày rong chơi bên lũ bạn.
Sau khi học xong chương trình đệ nhất cấp (bậc THCS hiện nay) ở Trường Trung học Thanh Khiết, Trần Trung Kiên lên Sài Gòn học tiếp chương trình đệ nhị cấp (bậc THPT), rồi sau đó là sinh viên Trường ĐH Khoa học lớp chứng chỉ dự bị toán lý hóa (MPC) (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên).
Cha thầy là ông Trần Kim Nhi – một cán bộ hoạt động cách mạng, người nằm trong nhóm Hội thề Rừng Rong (Trảng Bàng) do Trung tướng Nguyễn Thới Bưng chủ xướng – bị địch bắt giam; và sau đó mẹ của thầy cũng bị bắt giam. Trong một lần trò chuyện, thầy Kiên kể: “Thời điểm cha và mẹ tôi bị bắt giam là khoảng thời gian khó khăn nhất của mấy anh em chúng tôi. Để chia sẻ bớt nhọc nhằn với cậu, chú, bản thân tôi ngoài giờ đi học phải làm thêm rất nhiều công việc từ bỏ báo đến đẩy xe củi và nhiều công việc khác. Chính từ sự khó khăn đó là những thử thách cho tôi và giúp tôi nung nấu nhiều ước nguyện”.

Thầy Kiên cùng vợ và hai con

Tốt nghiệp ĐH tháng 7-1977, thầy Trần Trung Kiên được phân công về Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh và được bổ nhiệm làm giáo viên rồi Phó hiệu trưởng Trường Trung học Trảng Bàng và đến năm 1984 là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Trảng Bàng). Nếu không có biến cố là sự hy sinh của đứa em trai duy nhất (cựu học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM) đã tình nguyện tham gia chiến trường Campuchia thì thầy Kiên xin mãi mãi phục vụ việc dạy học ở quê nhà Tây Ninh. Sau khi đứa em trai hy sinh, thầy phải khăn gói xuống TP.HCM để chăm sóc cha mẹ.
Năm 1988, thầy Trần Trung Kiên được Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp nhận và phân công làm Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, đến 1994 được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu. Rồi năm 2007 thầy về THPT Mạc Đĩnh Chi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng cho đến lúc nghỉ hưu. Tâm sự với chúng tôi trong những ngày cận Tết, thầy Kiên chân tình nói: “Tôi không nghĩ mình sẽ đứng trên bục giảng, nhưng có thể nghề dạy học đã trở thành nghiệp của mình. Bởi ngay từ đầu tôi đã chọn theo học ĐH Khoa học. Nhìn lại, mới đó thôi mà tôi đã gắn bó với ngành GD-ĐT 37 năm. Kỷ niệm thì vô cùng, không thể nào kể hết”.
Còn đối với công tác quản lý, “Trong những năm đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng và Hiệu trưởng, ở mỗi trường tôi có hạnh phúc riêng của nơi đó. Tuy nhiên, do đặc thù của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi có nhiều thuận lợi từ đội ngũ giáo viên đến đầu vào lẫn sự cố gắng của học sinh. Yếu tố đó đã phần nào giúp tôi thỏa ước nguyện là tập trung đầu tư mũi nhọn vào việc đào tạo học sinh giỏi để tìm kiếm nhân tài, chất xám”, thầy Kiên thổ lộ. 
Được biết, những năm học trước, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi có đầu tư cho công tác đào tạo học sinh giỏi và đạt nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt càng về sau, chất lượng lẫn số lượng học sinh nhà trường đạt các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và thành phố cùng các kỳ thi Olympic… mỗi năm mỗi tăng. Trong đó các bộ môn sinh vật, tiếng Anh, địa lý… luôn đạt giải cao ở các kỳ thi. Và Trường THPT Mạc Đĩnh Chi nằm trong tốp 6 của TP.HCM.
Bài viết chắc còn nhiều thiếu sót, người viết phải tự lục tìm tư liệu do thầy Trần Trung Kiên thường xuyên nói: “Anh đừng viết về tôi” mỗi khi tôi hỏi han hay đề cập. Tuy nhiên, điều tôi tin chắc mọi sự thành công của thầy Kiên không thể thiếu vắng sự sẻ chia và giúp đỡ của cô Du Thị Mười – người vợ của thầy.
Tết Ất Mùi 2015
T.T.Q

Bình luận (0)