Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều cơ hội lấy bằng ĐH nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên có thể lựa chọn học toàn phần tại VN hoặc học hai năm ở VN, hai năm tại trường nước ngoài (2+2) để tiết kiệm chi phí, không phải xa gia đình mà vẫn có thể lấy được bằng cử nhân do ĐH nước ngoài cấp.
Các chương trình liên kết đào tạo hiện nay được tuyển sinh với hai hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển (tuyển những thí sinh vừa trúng tuyển ĐH). Do đó, điều kiện tuyển sinh mỗi chương trình có một số khác biệt về điểm đầu vào, ngoại ngữ…
Đa dạng liên kết
Với những hình thức thi tuyển, ĐH Đà Nẵng có nhiều chương trình liên kết dành cho sinh viên đã trúng tuyển vào trường. Theo đó, khi đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa, sinh viên có cơ hội học các chương trình liên kết với Nhật, Úc. Sau khi học hai năm tại trường, sinh viên có nguyện vọng sẽ làm bài kiểm tra ngoại ngữ và chuyên ngành để được tuyển chọn. Các trường ĐH nước ngoài sẽ cấp bằng.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM liên kết với ĐH Katholieke Leuven (Bỉ) đào tạo ngành thiết kế đô thị. Sinh viên sẽ học ba năm tại ĐH Kiến trúc TP.HCM và năm cuối được chọn học tại trường hay ĐH Katholieke Leuven. Đối tượng tuyển sinh của trường giới hạn là sinh viên các trường, ngành kiến trúc như ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội.
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế) cũng liên kết đào tạo với ĐH Rennes 1 (Cộng hòa Pháp) đào tạo ngành tài chính – ngân hàng. Chương trình tuyển sinh các thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên khối A hoặc khối D trong kỳ thi tuyển sinh ĐH (không bắt buộc thí sinh dự tuyển phải biết tiếng Pháp). Khi hoàn tất chương trình đào tạo này sinh viên sẽ đồng thời được cấp hai bằng cử nhân chính thức của ĐH Kinh tế và ĐH Rennes 1. PGS-TS Nguyễn Đức Hưng, phó giám đốc ĐH Huế, nhấn mạnh: học các chương trình liên kết sinh viên sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể và có thể hội nhập rất nhanh khi quay về nước.
Du học tại chỗ
Nhiều trường ĐH liên kết với các trường ĐH nước ngoài đào tạo trình độ ĐH theo phương thức 2+2 hoặc học hoàn toàn ở VN với điều kiện xét tuyển tương đối mở mà nhiều sinh viên gọi là du học tại chỗ. Trung tâm Đào tạo quốc tế (ĐHQG TP.HCM) có nhiều chương trình đào tạo theo hình thức này.
Nhiều trường ĐH khác như ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM… đều có các chương trình liên kết đào tạo 2+2 như trên. Đa số ngành đào tạo đều thuộc nhóm ngành kinh tế. Chương trình liên kết đào tạo ngành quản trị kinh doanh giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Curtin (Úc) tuy đối tượng tuyển sinh khá đa dạng nhưng cũng có chọn lọc: học sinh tốt nghiệp THPT với điểm trung bình của bốn môn cao nhất trong sáu môn thi tốt nghiệp đạt từ 8 điểm trở lên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, sinh viên đang học tại các trường ĐH công lập và sinh viên có bằng diploma được quốc tế công nhận kèm các điều kiện về ngoại ngữ. Thời gian học của chương trình cử nhân kéo dài ba năm. Sinh viên có thể học toàn bộ chương trình tại VN hoặc học hai năm cuối ở Úc.
Nhiều chương trình đầu vào rất thoáng như không yêu cầu ngoại ngữ (học bổ sung khi đã nhập học), có thể học bằng tiếng Việt… Tuy nhiên sinh viên có thể gặp khó khăn khi đến giai đoạn chuyển tiếp do các điều kiện về ngoại ngữ không đảm bảo, vì thế sinh viên cần cân nhắc.
Một sinh viên học chương trình liên kết ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH N cho biết: “Trường tuyển đầu vào yêu cầu thí sinh đạt TOEFL 450 điểm. Trong mấy năm qua, chúng tôi phải tự đi học tiếng Anh bên ngoài để có điểm nộp về trường. Sau ba năm, giờ đây học trực tuyến (không phải đến trường nữa) theo chương trình của ĐH liên kết. Nhiều bạn có trình độ tiếng Anh kém không thể theo kịp chương trình. Giáo viên cũng có người nước ngoài nhưng dạy chuyên ngành toàn đọc theo giáo trình. Lúc đầu gia đình cho đi học liên kết vì cứ nghĩ đào tạo sẽ tốt hơn nhưng thực tế lại không như mong đợi”.
Theo MINH GIẢNG / Tuổi Trẻ
“Trung tâm” liên kết
Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) được nhiều người biết đến là một trong những trường có nhiều chương trình liên kết nhất hiện nay. Trường đã có quan hệ hợp tác đào tạo với 22 trường ĐH tại Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Thái Lan… Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường tổ chức thi tuyển NV1, xét tuyển NV2 đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Học sinh là người nước ngoài hoặc học sinh VN theo học các chương trình THPT nước ngoài sẽ được xét tuyển.
Khi đăng ký thi vào trường, thí sinh có thể chọn chương trình do Trường ĐH Quốc tế cấp bằng hoặc chương trình do trường liên kết cùng các ĐH nước ngoài cấp bằng với chín lựa chọn: ĐH Rutgers (New Jersey, Mỹ), ĐH Binghamton (New York, Mỹ), ĐH New South Wales (Úc), ĐH Nottingham (Anh), ĐH West of England (Anh), ĐH Công nghệ Auckland (New Zealand), Học viện Công nghệ châu Á (AIT) (Thái Lan), ĐH Auckland (New Zealand), ĐH Catholic University of America (Washington D.C, Mỹ).
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)