Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Theo chân cảnh sát đi “bắt”… tiếng ồn

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếng ồn đang là vấn nạn ô nhiễm tại nhiều đô thị lớn trong đó có Đà Nẵng. Nhà hàng, quán nhậu, vũ trường, cafe, karaoke kẹo kéo… đua nhau mở nhạc xập xình, hết công suất tra tấn người dân suốt ngày đêm. Để có được chứng cứ, có cơ sở xử phạt, các chiến sĩ Công an thuộc Phòng cảnh môi trường phải bí mật, xuyên đêm đo tiếng ồn một cách thầm lặng.

Các chiến sĩ làm nhiệm vụ thu thập chứng cứ vi phạm của một quán mở công suất lớn tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh

Các chiến sĩ làm nhiệm vụ thu thập chứng cứ vi phạm của một quán mở công suất lớn tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh

Chứng cứ ô nhiễm từ không trung

Đã 2 tháng nay, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Đà Nẵng) triển khai thực hiện chuyên đề để xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ quán bar, pub, phòng trà. Đến ngày 15/9, đơn vị đã lập biên bản hơn 14 trường hợp vi phạm và đang hoàn tất hồ sơ xử phạt theo quy định với tổng số tiền phạt hơn 200 triệu đồng.

Ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn nhưng để có chứng cứ không phải là chuyện dễ. Một đêm trung tuần tháng 9, chúng tôi liên hệ Công an TP để cùng được mục sở thị việc thực hiện nhiệm vụ đo tiếng ồn, xác định mức độ ô nhiễm. Để không lộ thông tin, các chiến sỹ công an bí mật thời gian địa điểm kiểm tra, đo đạc đến giờ chót mới thông tin cho phóng viên biết để lên đường theo chân.

Dù đã hơn 22h đêm, nhưng tiếng nhạc sống, tiếng hát hò vẫn vang ầm ở một quán café nằm ở đường Lê Duẩn (quận Hải Châu). Quán này hoạt động kinh doanh cả ngày, nhưng ban đêm có tổ chức chương trình nhạc sống. Vì không gian mở, lại nằm trong khuôn viên một công trình công cộng nên tiếng nhạc từ quán café này khiến người dân xung quanh mất ăn, mất ngủ và bức xúc.
Tại một căn nhà nằm trong kiệt (hẻm) của đường Nguyễn Thị Minh Khai, các chiến sĩ xin phép được vào nhà để ghi nhận mức độ ô nhiễm tiếng ồn. Chủ nhà vui vẻ mở cửa để anh em test kiểm tra. “Người dân rất mệt mỏi vì tiếng ồn. Cả ngày đi làm mệt nhọc, đêm ở nhà đóng kín cửa nghỉ ngơi cũng không yên. Con cái không học bài được. Cả nhà bị tra tấn vì nhạc ồn đến tận khuya”, chủ nhà than thở.Đứng từ tầng 3 căn nhà, dù đã khá xa quán café nhưng âm thanh vẫn dội về liên hồi. Anh em trong tổ mang thiết bị quan trắc ra bấm nút để đo mức độ ô nhiễm tiếng ồn. Theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ TN&MT ban hành, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn trong thời điểm 21 giờ đến 6 giờ ở khu vực đặc biệt là 45 decibel (dBA), khu vực thông thường là 55 dBA. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận tiếng ồn phát ra từ quán café trên đường Lê Duẩn, dù đứng cách xa khoảng 30m nhưng máy đo vẫn liên tục ghi nhận âm thanh vượt chuẩn có khi lên đến 70dBA.

Từ khi bấm nút, đến khi cho kết quả, một chiến sĩ công an được giao nhiệm vụ ghi hình toàn bộ để làm bằng chứng. Để đảm bảo khách quan, chính xác, đoàn thực hiện đo 3 lần ở một khoảng cách nhất định. Khi hoàn thành việc đo âm thanh, đại diện đoàn lập tức mời chủ cơ sở đến hiện trường thông báo kết quả quan trắc, đồng thời tiến hành làm việc, lập biên bản dưới dự chứng kiến của cảnh sát khu vực và đại diện tổ dân phố.

Kết thúc việc đo đạc và lập biên bản khi đã gần nửa đêm. Các chiến sĩ công an uống vội hớp nước rồi lại lên xe di chuyển đến khu vực đường 2/9 nơi người dân phản ánh quán bar đang mở nhạc lớn dù đã quá giờ. Công việc đo đạc và xử lý lại diễn ra tương tự. Đến gần 2h sáng hôm sau, đoàn mới kết thúc công việc. Về nhà nghỉ ngơi, chợp mắt, đúng giờ làm việc, anh em chiến sỹ phải có mặt ở cơ quan để hoàn thành hồ sơ, thủ tục trước khi ra quyết định xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Với chứng cứ khách quan, trung thực trực tiếp từ hiện trường trong đêm, các chủ cơ sở hết chối cãi, chấp nhận nộp phạt và cam kết không tái diễn.

Theo chân cảnh sát đi “bắt”… tiếng ồn - ảnh 1
Thiết bị đo, kết quả đo tiếng ồn được ghi hình để làm bằng chứng

Vì giấc ngủ của dân
Tổ trưởng tổ dân phố 37, phường Thạch Thang (quận Hải Châu) ông Lê Xuân Đài được mời làm chứng và lập biên bản xử lý sai phạm của quán café nói trên rất vui và hết sức ủng hộ các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ vì đây là vấn nạn mà bà con khối phố rất bức xúc. Việc mạnh tay xử lý các cơ sở vi phạm sẽ giúp người dân có được những buổi tối yên bình, ngủ được tròn giấc. “Âm nhạc phải có giờ có giấc và trong khuôn khổ, giới hạn để người dân còn được nghỉ ngơi. Người dân hy vọng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn sẽ không còn tái diễn”, ông Đài cho biết.
Đại úy Nguyễn Minh Hoàng – Tổ phó tổ kiểm tra chuyên đề (Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Đà Nẵng) cho hay, qua hai tháng triển khai xử lý ô nhiễm tiếng ồn, theo phân công, hàng đêm anh em vẫn phải đi đo đạc các địa điểm ồn ào khi có phản ánh của người dân. Theo tinh thần chỉ đạo của Công an TP, Phòng và Công an cấp quận huyện, xã phường đã tiến hành phổ biến quy định, tuyên truyền đồng thời yêu cầu các cơ sở ký cam kết không vi phạm.
Phần lớn các cơ sở đã thực hiện rất nghiêm túc nhưng cạnh đó vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm vì mục đích kinh doanh. Nhiều cơ sở viện cớ kinh doanh dịch vụ về đêm để phục vụ du lịch. Nhưng anh em quán triệt nhiệm vụ là phải đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Kinh doanh cũng phải đúng quy định, không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đại tá Trần Thanh Nhơn – Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Đà Nẵng, cho biết: Theo lệnh của Giám đốc Công an TP, các lực lượng quyết tâm xử lý rốt ráo vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại các quán bar, pub, quán karaoke, phòng trà ca nhạc, quán cà phê tổ chức hát nhạc sống, các điểm kinh doanh điện tử và cả những nơi không có hoạt động kinh doanh nhưng liên quan đến tiếng ồn.
Các trường hợp bị lập biên bản xử phạt là do đã được tuyên truyền, nhắc nhở và đã ký cam kết nhưng cố tình vi phạm. Hai nội dung mà lực lượng kiểm tra tập trung xử lý là tiếng ồn vượt quy định và hoạt động quá thời gian cho phép. Sau đợt cao điểm kéo dài đến hết tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương sơ kết để đưa nhiệm vụ này thành công việc thường xuyên bằng trách nhiệm của lực lượng công an đối với cuộc sống bình yên của nhân dân.
“Đối với các hành vi vi phạm tiếng ồn liên quan sẽ xử lý theo Nghị định 167 của Thủ tướng Chính phủ; liên quan đến lĩnh vực môi trường thì xử lý theo Nghị định 155 (vi phạm nhiều lần có thể kiến nghị rút giấy phép kinh doanh); liên quan đến Trật tự an toàn giao thông thì căn cứ Nghị định 46 để xử phạt”. 
Đại tá Trần Thanh Nhơn nhấn mạnh

Theo Nguyễn Thành/TPO

 

Bình luận (0)