Việc các trường ĐH được phép đào tạo cả bậc trung cấp với số lượng lớn đã góp phần khiến các trường TCCN khó tuyển sinh.
Đánh trúng tâm lý học sinh
Mặc dù Bộ GD-ĐT chủ trương cắt giảm chỉ tiêu bậc trung cấp trong trường ĐH, nhưng thực tế nhiều trường ĐH có chỉ tiêu trung cấp vẫn giữ nguyên. Theo đó, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tuyển tới 5.000 chỉ tiêu, trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội 2.350 chỉ tiêu, ĐH Đà Nẵng là 3.200, ĐH Tôn Đức Thắng 1.500, ĐH Quốc tế Hồng Bàng 1.200… Hằng năm, thí sinh không đỗ NV1 và 2 (bậc ĐH-CĐ) thì sẽ được mời gọi học TC ngay trong trường ĐH, và cứ thế các trường ĐH mặc sức gom thí sinh học TC.
Trong khi đó, các trường TCCN lại trầy trật trong việc thu hút học sinh. Dù làm mọi cách như: quảng bá, về tận trường THPT tư vấn nghề nghiệp, đổi mới cách quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo… tình hình tuyển sinh vẫn không khá hơn. Bà Đỗ Thị Thu Giang, Phó hiệu trưởng trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn chia sẻ: “Khoảng 3 năm nay, hằng năm trường chỉ tuyển được khoảng 30% trong tổng số 1.200 chỉ tiêu mà Sở GD-ĐT giao, cho dù chúng tôi quyết tâm nâng cao chất lượng mọi mặt để thu hút HS. Từ đổi mới phương pháp giảng dạy đến hiện đại hóa trang thiết bị: toàn bộ hệ thống phòng học đều lắp máy lạnh, máy chiếu LCD, lớp nhỏ còn có màn hình ti vi…”.
Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn là trường công nên học phí thấp và cơ sở vật chất cũng được đầu tư tốt, thế nhưng chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Lê Thái Dũng, Trưởng phòng đào tạo cho biết: “Hằng năm chỉ cần tuyển được 70% chỉ tiêu là đã vui lắm rồi”. Với những trường TC ngoài công lập, tình hình tuyển sinh còn buồn bã hơn.
Buổi bàn giao hồ sơ TCCN năm 2010, số hồ sơ của nhiều trường TCCN rất ít – Ảnh: Mỹ Quyên |
Chưa chắc chất lượng ở ĐH đã tốt hơn
“Đây là một cuộc cạnh tranh thiếu công bằng. Cho dù là các trường ĐH có truyền thống đào tạo TC thì khi nâng cấp lên ĐH rồi, cần phải tập trung vào nhiệm vụ đào tạo chính chứ không nên ôm đồm như vậy. Không thể nói là học TC ở trường ĐH thì tốt hơn, vì bậc học này không phải mục tiêu đào tạo chính của họ”, bà Bùi Thị Nguyệt Ánh – Hiệu trưởng trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Vạn Tường bày tỏ.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM thừa nhận: “Khi đào tạo thêm một bậc học thì phải chia sẻ nguồn lực cho nó. Việc quản lý cũng vất vả lắm. Giáo viên cũng phải kiêm nhiệm việc dạy ĐH-CĐ và TC luôn”. Điều đáng nói là có nhiều trường ĐH còn chưa trang bị đủ cơ sở vật chất, giảng viên cho ngay cả bậc ĐH, thì làm sao lo nổi cho bậc học thấp hơn.
Theo bà Đỗ Thị Thu Giang, không phải cứ trình độ cao thì dạy bậc thấp là tốt hơn. Một giảng viên ĐH dạy TC sẽ không thể tốt bằng giáo viên dạy chuyên về TC vì các em này cần được dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, từ từ từng bước và thực hành nhiều hơn.
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)