Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nhiều quốc gia: Học miễn phí trên net

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Một doanh nhân Israel có ý định mở một trường đại học đầu tiên không vụ lợi lấy tên là Trường Đại học Nhân dân. “Đây là sự áp dụng ý tưởng xã hội hóa mạng trong giảng dạy đại học – theo lời giải thích của Shai Reshef, người sáng lập nhiều chương trình giáo dục trên internet: Chúng ta đã có sẵn nhiều phần mềm về giáo dục với giao tiếp tự do, nhờ các trường đại học cung cấp miễn phí giáo trình trên mạng. Và giáo dục trên mạng đã đi vào cuộc sống. Liên kết tất cả những điều đó lại, chúng ta có thể hình thành một trường đại học miễn phí cho tất cả sinh viên trên toàn thế giới, chỉ cần họ biết tiếng Anh và có nối mạng internet”.
Lợi ích từ những bài giảng trên mạng
Giảng dạy trên mạng phát triển trong nhiều bối cảnh khác nhau. Vì vậy trong khuôn khổ của tổ hợp giáo trình mở, do Viện Kỹ thuật Massachusetts đưa ra năm 2001, nhiều trường đại học trên khắp thế giới đã đưa lên mạng nhiều tài liệu giảng dạy gồm hàng nghìn giáo trình, từ kỹ thuật nuôi bò (Đại học Quốc gia Utah) đến cơ học lượng tử về trường tương đối (MIT), mọi người được tự do tiếp cận. Hơn nữa ngày nay nhiều trường đại học đưa giáo trình lên mạng iTunes. Nhiều đại học tư của Mỹ với mục đích bất vụ lợi như Phoenix và Kaplan cũng đã có một catalo trên mạng rất phong phú. Và dù đại học tư hay công, trường nào cũng có đưa giáo trình lên mạng, nhiều hay ít. Ở Anh đã có 160 ngàn sinh viên năm thứ nhất học trên mạng của đại học mở.
Theo cách như các trường đã thực hiện trên internet, Trường Đại học Nhân dân sẽ có những cộng đồng sinh viên và người giảng dạy, những vấn đề thảo luận hàng tuần, bài làm và kiểm tra. Sinh viên không phải đóng học phí mà chỉ đóng tiền lệ phí đăng ký (từ 15 đến 50 USD), tiền dự kiểm tra (từ 10 đến 100 USD), là chi phí rẻ nhất cho sinh viên nước nghèo.
Nhưng theo các nhà chuyên môn, dự án này cũng làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Ông Jonh Bourne, Giám đốc điều hành của Tổ hợp Sloan, một tổ chức không vụ lợi nhằm phát triển việc giảng dạy trên mạng nói: “Rõ ràng phong trào giảng dạy trên mạng rất vững chắc, có rất nhiều tài liệu học có chất lượng trên mạng, nhưng đằng sau đó không có một sự hỗ trợ nào của con người. Tôi muốn biết làm cách nào người ta đã tìm và đào tạo cán bộ giảng dạy, đảm bảo chất lượng mà không thu tiền”. Nhiều người khác tự hỏi: về cơ sở lý luận của một đề án như vậy (về mặt sư phạm, tâm lý…). Ông Philip Altbach, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đại học Quốc tế, ở Trường Trung học Boston nói: “Nếu liên kết tất cả những gì đã đưa lên mạng, tôi không thấy có gì đảm bảo rằng chúng đã đem lại kết quả mong muốn. Làm sao đánh giá được sinh viên? Làm sao biết được những chương trình, giáo trình của Mỹ, Anh được sinh viên Mali tiếp thu tốt?”.
Shai Reshef lập luận rằng “sẽ nhờ đến các giáo sư đang dạy hoặc đã về hưu – có nhận thù lao hoặc tình nguyện cũng như những thủ thư, những sinh viên cấp 2 và nhiều giáo sư khác đánh giá nội dung giáo trình trước khi đưa lên mạng”. Bước đầu cũng có yêu cầu khiêm tốn thôi: số sinh viên chỉ giới hạn khoảng 300 vào lúc mở trường đại học vào mùa thu năm sau, và mở hai khoa là quản lý xí nghiệp và tin học. Sau này khi trường được công nhận chính thức sẽ mở rộng. Trong vòng 5 năm, ông hy vọng đạt 10.000 người đăng ký, là lúc có thể tự túc được tài chính. Chi phí ban đầu khoảng 5 triệu USD, trong đó người tổ chức phải bỏ ra 1 triệu.
Sẽ là xu thế chung?
Vượt qua mọi hoài nghi, Shai Reshef vẫn cứ tiến hành kế hoạch giảng dạy trên net. Năm 1989 ông lãnh đạo Kidum, một “tổ chức kinh doanh giáo dục” Israel giúp sinh viên chuẩn bị thi tốt nghiệp (năm 2005 bán lại cho Kaplan), là một trong những nhóm giảng dạy đầu tiên trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của ông, Kidum đã liên kết với Trường Đại học Liverpool lập ra một trường đại học trên mạng, lôi kéo được sinh viên của 100 nước, và vào năm 2004 bán lại cho một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Hội Laureate.
 Hiện nay Reshef lãnh đạo trang web cramster.com, một cộng đồng giáo dục trên mạng, nhằm hỗ trợ giảng dạy cấp cao. Ông nói: “Ở Cramster, hàng ngàn sinh viên giúp đỡ nhau”. Hiện ông sống ở California, nơi đặt trụ sở của cramster.com và trường đại học mới của ông. Ông khẳng định: “Nhờ mô hình đại học có tính xã hội cao của tôi mà sinh viên nghèo toàn thế giới, chủ yếu là các nước thứ ba, có điều kiện học. Tôi chưa thấy ai chỉ trích mô hình này”.
Phan Thanh Quang
 (Theo Courrier international số tháng 3-2009)

Bình luận (0)