Hôm nay, các thí sinh thi toán; chiều học sinh lớp chuyên thi môn chuyên.
Ngày đầu tiên thi tuyển sinh lớp 10, TP.HCM có 351 thí sinh lớp 10 thường. Lớp 10 chuyên có 166 em bỏ thi. Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, sở dĩ thí sinh bỏ thi nhiều là do có đăng ký dự thi nhưng sau đó chọn học trường ngoài công lập, hay thí sinh thuộc các quận, huyện xét tuyển đăng ký dự thi sợ không đỗ vào trường mong muốn nên quay về địa phương xét tuyển để được học trường công lập.
Thầy Hồ Kỳ Thuận, giáo viên văn Trường THPT tư thục Đông Du, cho rằng đề thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT TP.HCM năm nay không dành cho học sinh (HS) khá, mức độ phân hóa cao nằm ở câu số 3: “Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con…” (Theo Lí Lan, Cánh cổng trường mở ra). Từ việc mẹ không “cầm tay” dắt con đi tiếp mà “buông tay” để con tự đi, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) bàn về tính tự lập. Câu này đòi hỏi HS giỏi, đủ khả năng lập luận và có kiến thức xã hội mới làm được.
Thí sinh dự thi tại HĐT Trường THCS Lam Sơn, quận Bình Thạnh. Ảnh: QV
Còn cô Dương Thu Trang, giáo viên văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cho rằng đề thi rất hay, người ra đề nắm được tâm lý lứa tuổi, đòi hỏi HS giỏi thật sự mới vào được các trường chuyên, lớp chuyên văn. Câu 1 và câu 2 chỉ dành cho HS trung bình, đọc hiểu, tái hiện được kiến thức và đòi hỏi thí sinh ngoài kiến thức sách vở còn có kỹ năng giao tiếp qua phương châm hội thoại. “Độ khó của đề thi bắt đầu từ câu số 3. Tôi đánh giá câu này rất hay, thể loại nghị luận xã hội đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội, thao tác lập luận và kỹ năng diễn đạt. Câu này giúp HS nghĩ đến các vấn đề xã hội đương đại đang mắc phải làm ảnh hưởng đến khả năng tự lập của các em” – cô Thu Trang nhận định.
Theo cô Trang muốn “ăn” điểm câu này, thí sinh phải thấy được yếu tố gia đình ngày nay ít con, cha mẹ cưng chiều, lạm dụng sự chăm sóc dẫn đến trẻ không còn khả năng xử lý các tình huống trong cuộc sống đời thường và học tập. Câu này rất hợp với lứa tuổi HS lớp 9 chuẩn bị bước vào bậc THPT cần sự quyết đoán, chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích của mình, cha mẹ chỉ mang tính định hướng, tư vấn và để con toàn quyền quyết định.
Riêng câu số 4 (5 điểm), cảm nhận về cảnh mùa xuân của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều mang tính nghệ thuật cao, kích thích xúc cảm của thí sinh, đòi hỏi thí sinh cảm nhận và hứng thú với cảm xúc thật và đòi hỏi thao tác nghị luận văn học của thí sinh. Thí sinh học vẹt, học không hiểu, không có cảm xúc khó đạt điểm trọn vẹn ở câu này.
Về đề thi tiếng Anh, thầy Lê Minh Châu, giáo viên tiếng Anh – THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, nhận xét: Đề thi năm nay khó hơn so với các năm trước. Các thí sinh phải nắm rất vững kiến thức của môn tiếng Anh lớp 9 mới làm bài được điểm cao. Phần ngữ pháp đa dạng, HS cần tỉnh táo để nhận biết “bẫy” của người ra đề. Bài điền chỗ khuyết là bài lạ, cần đọc kỹ và nắm được thành ngữ tiếng Anh mới làm tốt… Nói chung, đây là một đề thi mới lạ với nội dung khá thử thách, giúp phân loại HS tốt hơn. Nếu học bài kỹ lưỡng, các em HS khá giỏi hoàn toàn có thể đạt điểm trên 7.
Tình cha con thử thách thí sinh Đà Nẵng
Ngày 21-6, gần 13.000 HS lớp 9 thuộc các trường THCS trên địa bàn đã bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại 29 hội đồng thi. Đề thi môn văn được đánh giá là khá hay, gây bất ngờ cho HS với câu hỏi số 4, cảm nhận tình cha con trong đoạn văn trong tác phẩm Chiếc lược ngà.
Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại Đà Nẵng là gần 11.000 HS với 227 lớp. Ngày 24-6, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ tổ chức thi tuyển vào lớp 10 đối với những HS khá giỏi ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
LÊ PHI
|
Theo Quốc Việt
(phapluattp)
Bình luận (0)