Việc dạy – học văn, ra đề thi, hướng dẫn chấm bài văn ở ta mấy chục năm qua còn nhiều chỗ không ổn, làm cho tác dụng của môn văn kém đi và không ít học sinh (HS) chán môn văn.
Đương nhiên, trong quá trình dạy văn, học văn, có thể có một số tiết đi sâu phân tích các yếu tố hình thức, kỹ thuật, ngôn từ nhưng phần quan trọng nhất là qua văn làm cho người học thâm nhập vào ý nghĩa của văn chương, hiểu cuộc sống sâu hơn, giao lưu tốt hơn với nhân loại, với thế giới.
Tôi muốn nhắc lại vài đề thi văn mà tôi cho là không ổn.
Chẳng hạn, một đề thi tuyển sinh ĐH: Má thét lớn: tụi bây đồ chó/Cướp nước tao, cắt cổ dân tao! (Tố Hữu). Bình luận hai câu thơ trên.
Đề thi như thế thì vừa bất tiện cho nhà thơ, vừa khổ cho thí sinh.
Một đề thi khác hình như dành cho HS giỏi, chỉ nêu: Mái tóc chị Sứ. Vì vậy đã có HS tỏ thái độ phản ứng bằng mấy câu đùa: Chị Sứ là chị Sứ nào/Cớ sao thầy lại vận vào văn chương/Em đi tìm khắp bốn phương/Hay là chị Sứ ở phường hàng chum?
Tôi cũng không yên tâm với đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đề thi có 3 câu: Câu đầu hỏi: Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì? Hỏi như vậy là đánh đố HS. Mà HS nhớ điều ấy, biết điều ấy để làm gì?
Câu thứ hai yêu cầu: Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình. Viết một bài văn về ý kiến trên. Theo ý tôi, riêng câu này có thể được hoàn chỉnh để trở thành một đề thi chính thức cho kỳ thi tốt nghiệp.
Câu thứ ba yêu cầu: Phân tích một đoạn thơ trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng. Đoạn thơ cần phân tích quá dài (14 câu), với kiểu phân tích, bình giảng thơ này HS dễ “tán” lại khó có tiêu chí đáng tin cậy để đánh giá đúng sai, hơn kém.
Theo ý tôi, trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh ĐH nên ra các đề có tính chất tổng hợp để HS có dịp trình bày suy nghĩ, nhận thức, quan niệm của mình về con người, cuộc sống, về ý nghĩa của văn chương. Có bao nhiêu điều HS có thể nói, chẳng hạn như: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Nước ta là một nước văn hiến, về hiện tượng Số đỏ và Sống mòn hôm qua và hôm nay, hoặc có thể trao đổi với Chế Lan Viên qua câu thơ của ông Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả/Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn, nói lên ý kiến của mình về “tuyên ngôn” thơ của nhà thơ Hồ Chí Minh: Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Khi chấm văn có lẽ không nên “đếm ý” cho đến 1/4 điểm mà nên chú trọng cách nghĩ và cách diễn đạt của HS vì một ý được trình bày có hiểu biết, tâm đắc có khi còn giá trị hơn vài ba ý được nêu ra một cách hời hợt, công thức.
Theo thanhnien
Bình luận (0)