Ngày 4, 5/7, đợt I của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ bắt đầu với hơn 1 triệu thí sinh dự thi hai khối A, V. Dù là năm thứ 10 thực hiện "3 chung" nhưng những phương án bảo vệ một kỳ thi an toàn đang được lực lượng Công an các cấp ráo riết triển khai. Những thủ đoạn gian lận thi cử mới cũng đã manh nha xuất hiện, nhưng cơ quan An ninh khẳng định, những thủ đoạn đó sẽ bị vô hiệu hóa, bảo đảm tính chất công bằng cho một kỳ thi quyết liệt nhất trong năm…
Bảo đảm an toàn đề thi là yêu cầu "tối thượng"
Xác định tính chất quan trọng của kỳ thi, ngay từ đầu tháng 5/2011, lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo tới các Tổng cục An ninh I, II, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an các địa phương về công tác bảo vệ kỳ thi, trong đó phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi, có phương án xử lý các tình huống phức tạp có thể xảy ra như bão lũ, sự cố, thiên tai, đồng thời có kế hoạch chủ động nắm tình hình, không để xảy ra hiện tượng lộ, lọt đề thi, thi hộ, thi thuê và các hành vi áp sát phòng thi, gây rối trật tự công cộng.
Một cán bộ chuyên trách của Tổng cục An ninh II, Bộ Công an cho biết, trong tất cả các phương án bảo vệ kỳ thi tuyển sinh thì phương án bảo vệ khâu làm đề – in sao – vận chuyển đề thi là một trong những khâu được lực lượng An ninh đặt thành mục tiêu "tối thượng", một mặt vì đề thi đại học thuộc danh mục "Tối mật", mặt khác còn vì quyền lợi, sự công bằng của hàng vạn thí sinh và điều quan trọng là đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của môi trường giáo dục.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Công an đã vạch kế hoạch "bảo vệ đề thi" đến từng chi tiết nhỏ nhất, quyết không để lộ, lọt bất kể thông tin gì liên quan đến các khâu của quá trình làm đề, in sao, vận chuyển đề.
Thí sinh dự thi vào Học viện CSND năm 2010. Ảnh: T.P.
|
Cũng theo cán bộ chuyên trách của Tổng cục An ninh II, để "bảo mật" khâu làm đề, ngay từ địa điểm làm đề thi cũng được lực lượng An ninh tham mưu Bộ GD&ĐT chọn địa điểm an toàn cho công tác bảo vệ và phòng chống cháy nổ; rà soát, nếu thấy có người không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất chính trị sẽ kiến nghị Bộ đưa ra khỏi hội đồng làm đề. Khu vực in sao đề thi được bố trí thành 3 vòng độc lập, trong đó vòng in sao được cách ly tuyệt đối; vòng bên trong có cán bộ An ninh giám sát 24/24h, mọi cuộc liên lạc đều phải có người chứng kiến và được ghi lại bằng biên bản hoặc thiết bị ghi âm; vòng bảo vệ bên ngoài gồm có nhiều lực lượng bảo vệ tham gia và chắc chắn không được tiếp xúc với các cán bộ vòng 1, vòng 2.
Với quy trình giám sát, bảo vệ chặt chẽ, cẩn trọng như vậy của lực lượng An ninh, thì hiện tượng lộ, lọt đề không thể xảy ra. "Việc tung tin lộ đề, trúng tủ như các kỳ thi trước đã diễn ra chỉ là tin đồn thất thiệt!" – cán bộ An ninh khẳng định!
Các trường CAND: Tạo điều kiện cho thí sinh từ những khâu nhỏ nhất
Đến ngày 30/6, công tác chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh cũng đã được các trường CAND tích cực triển khai, hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Thủ Thanh, Phó Giám đốc Học viện ANND cho biết, tất cả bộ máy tuyển sinh đã vào guồng, sẵn sàng cho một kỳ thi nghiêm túc, suôn sẻ. Đến nay, công tác tập huấn thi cho giám thị cũng đã xong, ngày 2/7, Học viện ANND sẽ tổ chức bốc thăm điểm trưởng và thư ký.
Quan điểm của Hội đồng tuyển sinh Học viện ANND là tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, trong đó có khâu ăn, nghỉ. Hiện nay, Học viện đã dành phần lớn chỗ ở trong ký túc xá cho thí sinh ăn, nghỉ với giá rẻ. Các đội sinh viên tình nguyện cũng sẵn sàng tiếp sức cho thí sinh.
Thiếu tướng Nguyễn Thủ Thanh chia sẻ: "Đi thi đại học với các thí sinh là một sự kiện quan trọng đầu đời, làm sao để các em không bỡ ngỡ, tự tin hơn khi bước vào phòng thi và để các em có những ấn tượng tốt về nhà trường là điều mà chúng tôi luôn tâm niệm khi kỳ thi bắt đầu".
Học viện CSND năm nào cũng dẫn đầu số lượng thí sinh dự thi trong các trường CAND. Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND cho hay, điều đó gây áp lực căng thẳng cho nhà trường. Với hơn 1,5 vạn thí sinh dự thi, chỉ riêng khu vực Hà Nội, trường đã phải tổ chức 23 điểm thi với 541 phòng thi, trong đó có 3 điểm thi là trường tiểu học. Địa bàn thi quá rộng nên việc đảm bảo an toàn cho kỳ thi được HĐTS của trường triển khai sâu, kỹ từ nhiều ngày qua; trong đó có phương án đưa giám thị và vận chuyển đề thi đến các điểm thi.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm dự báo năm nay khoản tiền bù lỗ của Học viện xấp xỉ 1 tỷ đồng. Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm cho biết, dù khó khăn, dù phải hao hụt kinh phí nhưng bộ máy của nhà trường đang "căng" hết công suất phục vụ kỳ thi, tất cả cũng vì quyền lợi của thí sinh…
40.288 thí sinh dự thi vào các trường CAND
Đó là số liệu mới nhất được Cục Đào tạo, Tổng cục XDLL – CAND cho PV Báo CAND biết trong ngày 30/6. So với năm trước, thí sinh dự thi đã tăng 3.531 em. Số thí sinh đăng ký vào từng trường, cụ thể như sau: Học viện An ninh nhân dân: 4.136 thí sinh, trong đó: Nghiệp vụ An ninh (mã ngành 501): 3.154 thí sinh/620 chỉ tiêu; Công nghệ thông tin (mã ngành 101): 216 thí sinh/50 chỉ tiêu; Ngôn ngữ Anh (mã ngành 701): 85 thí sinh/50 chỉ tiêu; Ngôn ngữ Trung Quốc (mã ngành 704): 36 thí sinh/30 chỉ tiêu; Xây dựng Đảng và Xây dựng lực lượng CAND (mã ngành 901): 645 thí sinh/100 chỉ tiêu. Học viện Cảnh sát nhân dân: 15.962 thí sinh, trong đó Nghiệp vụ Cảnh sát (mã ngành 503) 15.748 thí sinh/820 chỉ tiêu; Ngôn ngữ Anh (mã ngành 801): 214 thí sinh/50 chỉ tiêu. Trường Đại học An ninh nhân dân (mã ngành 502): 3.092 thí sinh/610 chỉ tiêu. Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (mã ngành 504): 14.650 thí sinh/450 chỉ tiêu. Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (mã ngành 102): 1.881 thí sinh/300 chỉ tiêu. Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân (mã ngành 902) 567 thí sinh/150 chỉ tiêu.
Tuấn Minh
|
Theo cand
Bình luận (0)