Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nên làm chắc từng câu để tránh mất điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 4-5.7 tới sẽ bắt đầu kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011. Thời gian cho các thí sinh chuẩn bị không còn nhiều, vì thế, các em cần rất lưu ý để đạt được kết quả tốt nhất. 
Bình tĩnh, đọc kỹ đề
Theo các giáo viên và chuyên gia tư vấn tuyển sinh, thí sinh cần giữ tâm trạng thoải mái và bình tĩnh trước khi làm bài khi.
Đối với môn Toán, thông thường đề bài sẽ có 3-4 câu hỏi ở mức độ trung bình và khoảng 30% câu hỏi khó để phân loại. Trước khi làm bài, thí sinh cần đọc kỹ đề, chọn những câu dễ làm trước, những câu khó làm sau. Tuyệt đối không có tâm lý chủ quan vì với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh phải làm chắc từng câu một để đạt điểm trọn vẹn, không để sơ sẩy vì chỉ mất 0,25 điểm cũng có thể sẽ mất cơ hội trúng tuyển.
Với môn Vật lý thi theo hình thức trắc nghiệm, theo các giáo viên dạy bộ môn này, từ những đề thi của các năm trước cho thấy, trong 50 câu hỏi sẽ có khoảng 37 câu lý thuyết và 13 câu bài tập, trong đó có khoảng 10 câu khó. Thí sinh cần nắm chắc kiến thức để vận dụng, suy luận, không nên học khoanh vùng, học tủ, đồng thời chú ý các phương pháp giải bài tập bằng giản đồ, cố gắng tính toán thật chính xác các câu mà mình có thể làm được.
Đối với môn Hóa học, kiến thức thường dàn trải ở cả lớp 10, 11 và 12 nên thí sinh tuyệt đối không nên học tủ. Thí sinh chỉ cần học kỹ, bám sát sách giáo khoa sẽ có thể làm bài tốt môn này vì hầu hết các bài tập đều là dạng bài trong sách giáo khoa, chỉ có khoảng 1-2 bài khó để phân loại thí sinh.
Tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào phòng thi
Từ những năm trước cho thấy, rất nhiều thí sinh đã mang ĐTDĐ vào phòng thi. Năm 2010, trong số hơn 300 trường hợp bị đình chỉ thi trong các đợt thi ĐH, CĐ, có gần 60% thí sinh bị đình chỉ vì mang ĐTDĐ vào phòng thi. Nhiều trường hợp bị đình chỉ rất đáng tiếc khi thí sinh sau khi nộp bài đã lấy điện thoại ra gọi cho người thân hoặc người nhà gọi vào chỉ để hỏi đã làm bài xong chưa. Tất cả các trường hợp này đều bị lập biên bản hủy kết quả và đình chỉ thi. Vì vậy, các thí sinh cần rất lưu ý đến vấn đề này, tuyệt đối không mang ĐTDĐ vào phòng thi, thậm chí điện thoại đã được tắt nguồn, vì nếu bị phát hiện, dù không sử dụng, thí sinh vẫn bị đình chỉ thi.
Nhiều thí sinh chủ quan đã không đến tập trung trong ngày làm thủ tục. Đó là điều hoàn toàn không nên vì trong buổi tập trung, ngoài việc được cán bộ coi thi hướng dẫn cách làm bài, thời gian thi, phổ biến quy chế, thí sinh còn biết được địa điểm dự thi để ngày thi chính thức không bị động, đi thi kịp giờ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cuối cùng để thí sinh chỉnh sửa các nội dung trong phiếu báo thi nếu có sai sót.
Trong các vật dụng được mang vào phòng thi, thí sinh cần phải cẩn thận với nắp máy tính cầm tay bởi có thí sinh bị đình chỉ vì nắp máy tính có ghi chữ, công thức. Cho dù đó là hành động vô tình hay cố ý, khi bị phát hiện, thí sinh vẫn bị đình chỉ thi.
Theo Nguyên Minh
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)