Các nhà tuyển sinh nhận xét, nhiều thí sinh nộp tới chín bộ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH – CĐ, thậm chí nộp tới 5-6 bộ hồ sơ vào cùng một trường… Do vậy, tỷ lệ "chọi" thường khiến số thí sinh này băn khoăn trước khi đưa ra quyết định chọn thi trường nào.
Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của các trường ở những năm trước.
|
Ở nhóm trường tốp đầu, ĐH Ngoại thương có 3.000 chỉ tiêu hệ chính quy và 300 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ (đào tạo theo hợp đồng giữa trường và địa phương). Với số hồ sơ dự thi tại Hà Nội: 8.700, tại TPHCM: Hơn 3.000, tỷ lệ chọi của trường này tương đương 1/3… Tuy nhiên, trường đưa ra thông điệp: Tỷ lệ chọi không mang nhiều ý nghĩa do chất lượng thí sinh thi vào trường tương đối đồng đều.
Cũng nằm trong tốp đầu, Trường ĐH Giao thông Vận tải (4.700 chỉ tiêu, 21.000 hồ sơ, tỷ lệ chọi khoảng 1/4) có điểm đầu vào tương đối ổn định những năm gần đây. Ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng trường này cho rằng chỉ các thí sinh học lực khá trở lên mới có khả năng trúng tuyển.
Cánh cửa tốp trường thứ hai rộng mở hơn nhiều. Thầy Nguyễn Bách Khoa, nguyên Hiệu trưởng ĐH Thương mại, lưu ý: Nhiều học sinh trung bình khá đăng ký vào trường này. Tỷ lệ chọi không cao và chỉ cần quan tâm chuyên ngành hot. Trước khi lựa chọn, thí sinh nên quan tâm đến dữ liệu mang tính lịch sử, như: điểm chuẩn theo chuyên ngành, điểm chuẩn vào trường vài năm trở lại đây.
Viện ĐH Mở Hà Nội có 3.600 chỉ tiêu: 3.000 ĐH 600 CĐ; 22.932 hồ sơ dự thi, giảm so với năm trước hơn 1.000 và tỷ lệ chọi mức 1/8- 9. Tuy nhiên, một số ngành có tỷ lệ chọi chỉ 1/2-3, có ngành chỉ lấy điểm chuẩn trên mức sàn, nên cơ hội trúng tuyển rất cao. Nếu trượt, thí sinh vẫn có thể chuyển sang các trường dân lập hay ĐH từ xa, liên thông các hệ 2+2, 1+3, 3+1 với một số trường đại học tại Trung Quốc, Đài Loan và Nga (2+2 là 2 năm học trong nước, 2 năm học ở bên ngoài)…
ĐHDL Phương Đông có 2.460 chỉ tiêu, 3.000 hồ sơ, chủ yếu tuyển NV2 và tuyển bằng điểm sàn. ĐHDL Hải Phòng có 2.200 chỉ tiêu, 3.000 hồ sơ. Cả hai trường đều cho rằng, tỷ lệ chọi không quan trọng vì trường chỉ tuyển sinh được 1/3 chỉ tiêu NV1. Do vậy, trường chỉ mong tuyển đủ số chỉ tiêu còn lại, chủ yếu tuyển theo NV2 và 3.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 2.500 chỉ tiêu và gần 17.000 hồ sơ ĐKDT, giảm so với năm trước 2.000 HS. Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng, cho hay, có thí sinh nộp 2-3 thậm chí 4 hồ sơ vào một khối A của trường này. Tuy nhiên, trường không thể lấy hết chỉ tiêu theo NV 1 do điểm thi của thí sinh rất thấp, thường chỉ có 30- 40% thí sinh được tuyển vào NV1, số còn lại phải tuyển theo NV2 và 3.
Vì vậy, những ngành như tài chính ngân hàng hoặc kinh tế có đông thí sinh, thường có điểm chuẩn cao hơn (cao hơn điểm sàn từ 2 đến 3 điểm). Vì vậy, theo ông Hóa, thí sinh không cần quan tâm nhiều đến tỷ lệ chọi mà chỉ cần quan tâm đến kỹ năng làm bài.
Trường ĐH Thái Nguyên có 13.500 chỉ tiêu và 62.000 hồ sơ ĐKDT. Ông Trần Văn Tường – Trưởng ban Đào tạo nhà trường cho biết, thay vì quan tâm tỷ lệ chọi, thí sinh nên nghiên cứu từng ngành học của nhà trường trước khi đưa ra quyết định.
Theo ông Tường, có những trường, ngành có tỷ lệ 1 chọi 20, nhưng chất lượng thí sinh thấp; ngược lại, những trường như ĐH Bách khoa hay ĐH Kinh tế Quốc dân có tỷ lệ chọi chỉ 1,5 nhưng mức độ cam go cao hơn hẳn. “Thí sinh cần căn cứ các thông số: trình độ, khả năng, điểm chuẩn cao hay thấp và tình hình tuyển sinh năm trước để tham khảo và phán đoán”, ông Tường tư vấn.
Theo Hồ Thu
(TPO)
Bình luận (0)