Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lớp 9/3 của thầy Đạt

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp của thầy chỉ có 4-5 em chăm học. Phần lớn học sinh ham chơi, lười học. Thầy giáo đã làm gì để nâng chất cho các em?

Các học sinh lớp 9/3 và thầy Đạt - Ảnh: Lư Thế Nhã
Các học sinh lớp 9/3 và thầy Đạt – Ảnh: Lư Thế Nhã

Để thay đổi tình hình lớp, ngoài cải tiến phương pháp giảng dạy, thầy đề ra nhiều giải thưởng cho các em học giỏi.

Xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre là địa phương ven biển, phần lớn cha của học sinh là ngư dân ghe cào, thường đi biển 2-3 tháng mới về; còn mẹ các em ngày này qua ngày khác bận làm công phơi cá khô cho các cơ sở chế biến.

Việc học của con em chủ yếu giao phó cho nhà trường, ít được gia đình quan tâm. 50% học sinh nam ở đây học không tốt, đến lớp 8, lớp 9 phụ huynh cho nghỉ học theo cha đi ghe cào. Quan niệm của phần đông phụ huynh là “học biết chữ là được rồi”, do đó số học sinh bỏ học nhiều. Tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 không cao.

Lớp 9/3 Trường THCS Bình Thắng do thầy Lê Huỳnh Đạt, giáo viên dạy toán lớp 9, làm chủ nhiệm. Cách đây bảy năm, lớp cũng trong tình trạng chung của trường, mỗi năm học có 1-3 em bỏ học. Lớp chỉ có 4-5 em chịu học, phần lớn các em ham chơi, lười học, mất căn bản các môn, khó tiếp thu kiến thức mới. Khi học phụ đạo trái buổi các em không đi. Môn mỹ thuật, âm nhạc các em không học.

Trước tình trạng học sinh như vậy, thầy Đạt đề xuất tăng tiết học toán từ 4 tiết lên 6 tiết dành cho học sinh yếu. Thầy đề nghị ban giám hiệu xếp giờ dạy phụ đạo cùng buổi trong học kỳ. Em nào có hơi hướng bỏ học, thầy tìm đến phụ huynh vận động thuyết phục không để con em nghỉ học.

Việc vận động phụ huynh đưa con em trở lại lớp thật gian nan. Nhiều phụ huynh từ chối không tiếp thầy vì họ cũng bất lực khi bảo con em trở lại lớp. Thầy kiên trì đến nhiều lần, phụ huynh né tránh, thầy vẫn không bỏ cuộc: thầy tìm cách tiếp cận, kết thân với phụ huynh, chia sẻ, tâm tình, dần dần trong suy nghĩ của người cha, người mẹ chuyển biến theo hướng tích cực, hợp tác động viên con mình đi học trở lại. Từ năm học 2010-2011 đến nay, lớp 9/3 do thầy làm chủ nhiệm chỉ có một em bỏ học vào năm học 2012-2013.

Vừa duy trì sĩ số học sinh, vừa tạo tinh thần thi đua giữa các em: thầy khuyến khích một tuần các em phát biểu 15 lần trên các môn học; kết hợp với các thầy cô môn học khác chọn em giỏi phát biểu, giải thích cho các em chưa hiểu.

Cuối tuần, em nào có số lần phát biểu cao được tuyên dương tập thể. Thầy còn ra giải thưởng em nào thi đạt học sinh giỏi vòng huyện, thầy thưởng 100.000 đồng (đạt học giỏi thầy thưởng cao hơn), em nào thi đậu vào lớp 10 đạt điểm từ 17 trở lên, thầy tặng áo dài (nữ sinh) và áo sơmi (nam sinh).

Sự tận tâm với học sinh của thầy Đạt đã đưa lớp 9/3 do thầy làm chủ nhiệm có tỉ lệ học sinh thi đậu vào lớp 10 trong hai năm học gần đây từ 70-90%. Mỗi năm học thầy chi tiền triệu tặng áo cho những trò có điểm đậu vào lớp 10 từ 17 điểm trở lên.

Thưởng áo cho trò học giỏi, thầy trích từ tiền lương của mình. Em Đặng Thị Bảo Trâm (học sinh nghèo ở ấp 1, Bình Thắng), được tuyển thẳng vào ĐH Y dược TP.HCM năm học 2014-2015, cho biết: “Áo dài thầy Đạt tặng em mặc suốt ba năm học THPT. Mặc áo này, em luôn nhớ lời thầy dạy và cố gắng học tập thật tốt”.

Nhận xét về kết quả giảng dạy của thầy Đạt, cô Lê Thị Thanh Vân, hiệu phó Trường THCS Bình Thắng, cho biết: “Thầy Lê Huỳnh Đạt là một trong những giáo viên chủ nhiệm lớp xuất sắc của trường. Thầy hòa đồng, gần gũi với học sinh và phụ huynh. Thầy làm tốt việc duy trì sĩ số và có tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 khá cao”.

LƯ THẾ NHÃ (TTO)

 

Bình luận (0)